Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Thứ năm - 11/01/2024
5868 Đã xem
Tác giả: M. Augustino, O.Cist.
Minh hoạ: M. Anthony, O.Cist.

Hai môn đệ đầu tiên khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu, họ liền đi theo Người. Thấy các ông đi theo mình, Đức Giêsu liền hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp: "Thầy ở đâu ?" Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy (x. Ga 1, 38 – 39). Cuộc gặp gỡ giữa hai người môn đệ đầu tiên với Đức Giêsu đã nói lên căn tính đích thực của người môn đệ theo Chúa. Nhưng cuộc gặp gỡ này một cách nào đó cũng gợi lên cho chúng ta hiểu được phần nào huyền nhiệm ơn gọi nơi mỗi cá nhân. Để thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ cùng nhau trong đời sống cộng đoàn, mỗi người cũng được mời gọi đến, xem, và ở lại trong chính con người của nhau. Đây là lý do mà cộng đoàn Xitô An Phước chúng tôi có một cuộc hành hương tìm về mảnh đất của từng người anh em, nơi họ đã sinh ra để phần nào đó giúp cho đời sống đan tu của chúng tôi càng thêm chan chứa tình huynh đệ.
 

Chúng tôi chọn sau ngày lễ Chúa Giáng Sinh, và những ngày cuối năm 2023 để lên đường hành hương về thăm quê nhà của từng anh em khu vực Miền trung. Nghệ - Tĩnh – Bình trong dịp này thời tiết bắt đầu se lạnh, nên ai cũng háo hức muốn được hưởng không khí lạnh nơi đây. Nói là muốn tận hưởng không khí lạnh của những ngày cuối năm nơi dải đất khắc nghiệt ấy, nhưng ai cũng chuẩn bị cho mình những chiếc áo ấm, khăn ấm, tất ấm, và cả giày nữa. Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng để lên đường cho chuyến hành trình đầy hứa hẹn.
 

Kỳ lạ thay! Khi đoàn chúng tôi đặt chân đến miền đất ấy, không khí không còn lạnh như những ngày trước. Tôi không biết nguyên nhân nào dẫn đến thời tiết thay đổi nhanh chóng như vậy, vì những ngày trước đó, khí hậu rất lạnh. Nhưng tôi biết, tôi hiểu, và tôi thấm thía một điều rằng, có sự ấm áp vô hình nào đó đang làm cho đoàn của chúng tôi quên đi những mệt nhọc, quên đi những giá lạnh của cuộc đời.

Ngoài những cái bắt tay, cái ôm thắm thiết của tình thân, còn đó những câu chào, câu chúc được nói theo một khung mẫu “mừng Chúa Giáng Sinh và đón chào Năm Mới 2024”… chúng con kính chúc gia đình ông bà cố, và đại gia đình một mùa Giáng Sinh… và một năm mới sắp đến…”. Để đối lại, ông bà cố, cũng như đại diện gia đình của từng người anh em cũng dùng một khung mẫu như thế với những ngôn từ mộc mạc, giản dị, thậm chí chẳng hề trau chuốt cho mượt mà văn tự. Không trau chuốt, phóng đại lời chúc, nhưng tôi nghe thấy mỗi lời chúc sao mà mang nặng nghĩa tình đến thế!

 

Để có thể thăm viếng hết từng nhà của những người anh em sống nơi dải đất Nghệ - Tĩnh – Bình trong khoảng một thời gian ngắn là một thử thách cho chuyến đi lần này, vì đây là lần đầu tiên đoàn về nơi đây. Dù có những vất vả, gian nan, nhưng chuyến đi ấy đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả. Tôi nhớ mãi những bước chân rảo quanh những thôn làng nhỏ bé mưa phùn, đầy bụi, bùn, để đi đến cho được ngôi nhà đã là một phần tuổi thơ không thể quên của người anh em. Tôi còn nhớ như in, có những ngôi nhà giờ đây chỉ còn một mình ông cố, hoặc bà cố đơn chiếc, lẻ bóng. Tôi còn nhớ như in hình bóng của những người cha, người mẹ lam lũ, “dày gió dạn sương” đến cả cuối cuộc đời để cho con em của mình được theo đuổi ơn gọi đến cùng. Và tôi còn nhớ những câu gửi gắm của ông bà cố: “Chúng con gửi em nó vào nhà dòng, được nép mình vào lòng thương xót của Chúa, được nép mình trong cánh tay yêu thương của quý Cha, quý Thầy”. Và còn rất nhiều điều thú vị mà tôi đã khám phá ra khi đi đến những mảnh đất, những gia đình thân thương ấy.

Tôi đã đến, đã xem, đã ở lại từng nhà của những người anh em. Dù chỉ là một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng cũng đủ để tôi thấu hiểu ít nhiều về gia cảnh, môi trường sống đậm chất thôn quê. Những điều đó đã phần nào hình thành nên nhân cách sống của mỗi người anh em của tôi. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều đọng lại trong suy nghĩ của tôi, mà đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa “dám” hiểu.

Tôi chưa dám hiểu tại sao Chúa lại đi đến những nơi hẻo lánh, xa xôi thế này để mời gọi người anh em của tôi dấn thân vào đời sống thánh hiến? Tôi vẫn chưa dám hiểu, nơi một số người anh em, tại sao họ lại chọn nếp sống đan tu thầm lặng trong khi gia đình có mọi điều kiện cho họ phát triển, thăng tiến cá nhân trong xã hội? Tôi vẫn chưa dám hiểu, tại sao người anh em của mình dám để lại người cha, người mẹ lẻ bóng, cô đơn trong căn phòng giá lạnh mùa đông, để tiếp bước đời tu trong niềm vui, hạnh phúc, và bình an đến lạ thường như thế? Tôi vẫn chưa dám hiểu, người anh em của tôi là lao động chính nuôi sống gia đình, vậy mà dám bỏ lại bố mẹ, cùng đoàn em cất bước lên đường theo ơn gọi?



Nước mắt tôi rơi, lòng tôi quặn thắt lại khi ngồi xuống suy gẫm về chuyến đi, trước sự hiện diện với chính Chúa trong thẳm sâu của tâm hồn, và trước cả sự đối diện với chính người anh em đang sống chung. Hoá ra, bao nhiêu năm sống chung cùng nhau, chúng tôi cùng mặc lên chiếc áo Hội dòng màu xám xanh, mặc lên những chiếc áo dòng được may theo mẫu chung, và ngay cả những đôi dép cũng được phân phát như nhau, tất cả được đồng bộ, rập khuôn từ trong cách ăn mặc, phụng vụ, và sinh hoạt của cộng đoàn. Thế nhưng, có chăng sự đồng bộ ấy trong đời sống cộng đoàn đôi khi đã làm tôi quên đi chiều kích cá nhân của mỗi người trong huyền nhiệm ơn gọi. Chuyến đi đã làm cho tôi ý thức hơn khi đối diện với từng ơn gọi của mỗi người anh em trong cộng đoàn, để tôi không còn dám loại trừ một ai đó ra khỏi đời tu ngang qua hành động, lời nói và ngay cả trong suy nghĩ. Tôi đã đến, xem, và ở lại trong chính căn nhà có ông cố, bà cố, và cả những căn nhà thiếu vắng ông bà cố nơi những người anh em đã được sinh ra và lớn lên. Ước mong rằng tôi cũng sẽ có một cuộc khởi hành mới là đến, xem, và ở lại trong chính tâm hồn của những người anh em đã cùng tôi đoan thề với Chúa sống đời đan tu cho đến chết.
 

Xin được mượn những câu ví sông Lam để tạm kết thúc hành trình của tôi nơi mảnh đất thân thương Nghệ - Tĩnh – Bình:

“Người ơi, ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Ai biết cuộc đời răng là nhục là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa là tình ai ơi”.

 

Chẳng ai dám chắc rằng cuộc đời của mỗi người là “trong” hay “đục”, là “vinh”  hay “nhục”, nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, con thuyền của chúng tôi tuy sẽ lênh đênh, gặp nhiều sóng gió của cuộc đời bởi phải “lên thác xuống ghềnh”, nhưng sẽ được nâng đỡ bởi cái nghĩa, cái tình của quê hương, nơi chính tình thân thương của người thân, của gia đình, ông bà, bố mẹ.

Như hai người môn đệ xưa đã đến xem nơi Đức Giêsu ở, họ đã hiểu và quyết định ở lại với Người, tôi cũng đã quyết định sẽ kiên định theo chân Chúa, bền tâm ở lại với Người trong nếp sống đan tu, cùng sẻ chia đời sống huynh đệ với những người anh em mà Chúa, vì tình thương vô bờ, đã cho tôi cơ hội được thấu hiểu.

 

Những tin mới hơn:

Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Ngưỡng cửa Xuân
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
“…để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)

Những tin cũ hơn:

Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Canh thức với Chúa
Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Lễ Các Thánh - ngày của hy vọng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây