Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Thứ tư - 14/02/2024
1038 Đã xem
M. Anselmo, O.Cist.

Bài Tin Mừng thứ Sáu sau lễ tro nằm trong chương 9 của Tin Mừng theo thánh Matthew. Đây là chương chuyển tiếp từ việc Chúa chữa lành, trừ quỷ, dẹp yên biển động và kêu gọi người môn đệ sống từ bỏ ở chương 8, và hôm nay, sau khi kêu gọi người thu thuế tên là Matthew, Đức Giêsu và các môn đệ được Matthew mời dùng bữa với ông tại tư gia cùng với những người thu thuế và những người tội lỗi khác. Điều thú vị ở đây đó là nhân vật trong trình thuật này là chính thánh sử, ngài sẽ kể cho chúng ta thật sinh động và trung thực về việc Chúa Giêsu bênh vực những con người khốn khổ tội lỗi, và về việc Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ ông Gioan tẩy giả trong việc ăn chay.

Bài Tin Mừng được trích đọc chỉ vỏn vẹn 2 câu, nhưng đó là một cái nhìn rộng lớn về việc ăn chay của Dân Chúa từ Cựu Ước cho đến Tân Ước và mở ra một cái nhìn mới, một con đường mới cho việc ăn chay. Song song đó, chúng ta còn có thể thấy những đặc trưng của Tin Mừng theo Thánh Matthew đó là: nhắm đến người Do Thái, kiện toàn lề luật, và đặt biệt lưu tâm đến Giáo hội.

Luật cũ chỉ buộc người Do Thái ăn chay mỗi năm một lần vào ngày lễ đền tội. Trong chương 16, sách Lêvi, ĐỨC CHÚA  đã ra chỉ thị cho dân Israel như sau: “Tháng 7 ngày mồng 10 trong tháng, các ngươi phải ăn chay hãm mình và không được làm công việc nào, dù là người bản xứ hay là người ngoại kiều sống giữa các ngươi. Thậy vậy, ngày ấy, sẽ cử hành lễ xá tội cho các ngươi, để thanh tẩy các ngươi: trước nhan ĐỨC CHÚA, các ngươi sẽ được thanh sạch khỏi mọi tội lỗi của các ngươi. Đối với các ngươi, đó sẽ là một ngày sabat, một ngày nghỉ: đó là quy tắc vĩnh viễn.”[1]

Cho nên việc các môn đệ của Gioan hỏi về việc ăn chay trong trường hợp này không nằm trong luật của ngày lễ xá tội, nhưng đó là việc giữ chay do lòng đạo đức, như nhóm Pharisêu ăn chay mỗi tuần 2 lần. Và bữa ăn mà Chúa Giêsu và các môn đệ được khoản đãi nằm trong một ngày chay như vậy. Cho nên, họ khó chịu về lòng đạo đức của Thầy Giêsu và các môn đệ trong việc giữ chay, chứ không phải là họ muốn lên án vì Người phá bỏ luật ăn chay như chúng ta thường nghĩ.

Trong môi trường tôn giáo hiện nay cũng thế, người ta thường đặt vấn đền về lòng đạo đức và sự khổ chế của người khác. Ở đây ta có thể thấy họ so sánh chính họ và nhóm Pharisêu với các môn đệ của Chúa Giêsu, vì họ thấy rằng: chúng tôi ăn chay mà các ông thì lại không. Lắm lúc chúng ta cũng là những con người nhiệt thành trong việc sống đạo, nâng cao đời sống thiêng liêng của mình bằng các nhân đức, thế nhưng có lúc chúng ta lại phán đoán người khác trên lập trường chủ quan của mình, một sự phán đoán dựa trên cảm giác, như danh ngôn của Protagoras: “Con người là thước đo của vạn vật” – nếu áp dụng thước đo của cá nhân mình mà đem áp đặt cho người khác mà không biết suy xét cho phù hợp để phục vụ cho hạnh phúc và sự lành thánh của người khác, thì xem ra chúng ta chỉ giữ được cái bên ngoài, vụ luật và phán đoán sai lệch.

Nguyên nhân mà họ khó chịu là vì trong thâm tâm, họ đã xem Chúa Giêsu đường đường như một Rabbi mà lại tiếp xúc với người tội lỗi, lại dùng tiệc thịnh soạn với họ trong khi những con người đạo đức cứng nhắc kia đang ăn chay. Họ ngạc nhiên khi không thấy lòng đạo đức của Người biểu hiện nơi việc ăn chay này.

Chúng ta sẽ thấy làm lạ, khi một câu hỏi được đưa ra lại được trả lời bằng một câu hỏi khác. Câu hỏi khôn ngoan ấy khiến cho những người muốn tranh luận với Đức Giêsu phải vắt óc suy nghĩ: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rễ còn ở với họ?”[2]

Chúng ta nhớ lại trong Tin Mừng Gioan, những chứng từ cuối cùng của Gioan tẩy giả, niềm vui của ông khi được bên cạnh Chúa Giêsu và ví mình như phụ rể, khi nói: “Ai cưới cô dâu người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó, nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn.”[3] Khi đối chiếu những lời sau cùng của Gioan Tẩy Giả với câu trả lời của Chúa Giêsu chúng ta thấy được rằng: niềm vui của chúng ta chỉ nên trọn vẹn thánh thiện khi và chỉ khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu mà thôi. Thời mà Người hiện diện chính là tiệc cưới, chính Người là chàng rể, là Tân Lang - và chúng ta chính là người nhà là những phụ rể của Tân Lang.

“Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?” Trong nhóm Tin Mừng Nhất lãm chỉ có thánh sử Matthew là dùng từ “than khóc”, còn thánh sử Macco và Luca thì dùng từ ăn chay.

Tại sao tác giả không dùng từ ăn chay mà lại dùng từ than khóc.

Trong tiếng Hy Lạp mà Tin Mừng được viết, thì động từ pentho (πενθώ) - "than khóc" viết ở thể chủ động, và chỉ có một nghĩa duy nhất là than khóc. Đó là một thái độ đã trở thành trung tâm trong linh đạo Kitô giáo và các giáo phụ ẩn tu. Và cha thánh Biển Đức cũng dùng từ than khóc này khi Ngài đề cập đến những ai muốn tìm gặp Chúa trong nhà nguyện ở chương 52 của tu luật. Than khóc, nghĩa là một nỗi đau nội tâm, nó mở ra một tương quan với Chúa và với tha nhân, một tương quan được canh tân với Chúa và với tha nhân.

Sự khóc lóc này, trong Kinh Thánh, có hai khía cạnh: thứ nhất là vì cái chết hoặc đau khổ của ai đó. Thứ hai là nước mắt của tội lỗi, vì chính tội lỗi của mình, khi trái tim rỉ máu vì nỗi đau đã xúc phạm đến Chúa và người lân cận.

Cho nên việc ăn chay sau khi chàng rể bị đem đi cũng phải thực hiện trong sự than khóc. Việc ăn chay trong sự than khóc ấy với mục đích là tìm lại sự hiện diện của Tâng Lang đã bị cất đi, đã bị đưa đi xa chúng ta. Tân Lang bị cất đi là lúc chúng ta phạm tội, là lúc chúng ta làm ngơ trước nhu cầu của anh em, chúng ta xét đoán, chúng ta thiếu bác ái, quên đi sự công bằng, là lúc lòng tin của chúng ta bị lung lạc.

Chúng ta là con cái của Mẹ Giáo hội, mà Giáo hội là Tân nương, là Hiền thê của Chúa Kitô. Hiền thê của Người đang than khóc, đang ăn chay để tìm lại Tân Lang của mình.

Ăn chay là phương cách để chữa lành để rồi tìm thấy Thiên Chúa, nên thánh Giáo hoàng Gioan 23 đã nói khi khai mạc công đồng chung: Đối với thời đại hôm nay, Tân Nương của Chúa Kitô yêu thích sử dụng phương dược chữa lành của Lòng Thương Xót.

Và trong sứ điệp mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta hãy cố gắng tìm gặp Chúa, như sau: “Trong thời gian thuận tiện này, chúng ta hãy để mình được hướng dẫn như Israel trong xa mạc (Hs 2,16), để cuối cùng chúng ta có thể nghe tiếng nói của vị Hôn phu của chúng ta và để nó vang vọng sâu sắc hơn trong chúng ta. Càng gắn bó với Lời Ngài, chúng ta càng cảm nghiệm hơn lòng thương xót Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta đừng để cho thời gian ân sủng này trôi qua cách vô ích, trong ảo tưởng khờ dại rằng chúng ta có thể kiểm soát thời gian và cách thế chúng ta hoán cải trở về với Ngài.”

Thực tế, chúng ta không thể nào ăn chay mà không ngưng nghỉ, ngày này qua ngày khác, hay cứ mãi than van khóc lóc cho đến ngày tận thế được. Dù ăn chay vì sức khỏe, làm đẹp, hay vì cái đạo đức bề ngoài thì cũng không bao giờ kéo dài lâu được. Chúng ta có than khóc hay ăn chay thì hãy gửi vào đó sự tin tưởng và hy vọng, để xác tín rằng một ngày Thiên Chúa sẽ trở lại, Tân Lang bị cất đi sẽ được đưa về với Hiền Thê là Giáo hội. Và việc chàng rể bị đem đi là Người muốn ám chỉ cái chết đau thương, phũ phàng của chính mình… Khi Người bị đem đi, tiệc cưới nhuốm màu tang tóc, yến tiệc hoan hỷ thay bằng chay tịnh và khóc than. Khi đời ta lưu lạc xa Chúa cũng là lúc đời sống ta nhuốm màu tang chế. Vì vậy, chỉ khi nào Đức Kitô là chàng rể hiện diện thì lúc ấy Giáo hội mới là hiền thê, và khi ấy, Giáo hội mới thực sự mang một ý nghĩa, một giá trị cứu độ hoàn hảo, đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta cũng thế, mỗi chúng ta cũng phải là những người đi tìm lại sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình.

Nhưng để tìm lại sự hiện diện của Tân Lang, chúng ta phải trải qua việc sống chay tịnh. Vậy phải thực hiện như thế nào? Bài đọc 1 trong thánh lễ hôm nay chúng ta sẽ được nghe ĐỨC CHÚA chỉ dạy dân Người qua miệng lưỡi của tiên tri Isaia:  “Như mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm, chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói, rước vào nhà những người nghèo khó không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”[4]. Và cho đến ngày nay, những lời này vẫn không bị lỗi thời, bởi vì việc ăn chay, sám hối, thực thi nghĩa cử yêu thương, đều nhắm đến cứu cánh đó là mong chờ Đấng Messiah đến.

Người đến thế gian, không phải để hủy bỏ những gì đã có từ luật lệ cho đến lòng đạo đức. Nhưng Người muốn ta hiểu điều này, là khi chúng ta sống trong ân nghĩa Chúa, thì chính là lúc Chúa ban cho chúng ta chan chứa niềm vui của tiệc cưới Nước Trời, hôn lễ Chiên Thiên Chúa. Còn nếu chúng ta tách ra và buông mình theo sự yếu đuối, ích kỷ, hay chuộng những gì là niềm vui của thế gian, thì lúc ấy, chúng ta chối bỏ niềm vui là chính Chúa.

Trong mùa Chay, chúng ta được mời gọi hãy làm mọi việc trong tinh thần chay tịnh, để đưa vào đó luồng sinh khí mới trong tin yêu và phó thác, để trong một khoảnh khắc nào đó của giây phút hiện tại ta sẽ được tìm về với Chúa và Chúa lại đến và ở lại với chúng ta. Nhưng để có được ngày ấy, chúng ta hãy biết vun đắp cho mình từ bây giờ bằng một đời sống cầu nguyện liên lỉ và thực thi tình bác ái, để chúng ta có thể nhìn ra Chúa nơi than nhân. Như thánh Augustino trong bài giảng số 207, ngài đã nói: “Lời cầu nguyện của chúng ta, dựa trên thái độ khiêm nhường và lòng bác ái, dựa trên việc ăn chay và bố thí ; dựa trên việc hãm mình và tha thứ các lỗi phạm, dựa trên sự lo lắng làm việc thiện hơn thay vì báo oán điều dữ ; lo tránh sự dữ và thực hành điều thiện, đi tìm hòa bình và tìm gặp được nó, bởi vì lời cầu nguyện làm bay bổng lên, được nâng đỡ để mang tới tận trời xanh ở đó Chúa Giêsu Kitô đã tới trước chúng ta, Ngài là sự bình an của chúng ta.”[5] Có như thế việc chay tịnh không còn là gánh nặng, nhưng là phương thế giúp chúng ta tìm về với Chúa, sống trong gia đình của Thiên Chúa, trở về làm con cái của Người.

Có một bản văn về những châm ngôn sống mùa Chay, nguyên ngữ là tiếng Pháp, được phổ biến rất lâu, con xin gửi đến cộng đoàn, như là những gợi ý nho nhỏ:
Đây là mùa chay… bạn muốn ăn chay?
Chay những lời nói xúc phạm, và truyền đạt những lời nói nhẹ nhàng dễ nghe.
Chay những thái độ khó chịu, và lấp đầy lòng bạn bằng tâm tình biết ơn.
Chay những hiềm khích, và lấp đầy bạn bằng sự tha thứ, dịu dàng và kiên nhẫn.
Chay thái độ bi quan, và lấp đầy bạn bằng niềm hy vọng vào sự lạc quan.
Chay những băn khoăn lo lắng, và lấp đầy bạn bằng những điều đơn giản của cuộc đời.
Chay những ý tưởng hời hợt, và lấp đầy bạn bằng những trực giác, những ngẫm suy và những lời cầu nguyện.
Chay những phê bình chỉ trích những người sống chung quanh bạn, và khám phá ra Thần Khí Chúa Kitô đang sống trong họ.
Chay ích kỷ, và lấp đầy bạn bằng lòng thương cảm đối với người khác.
Chay những hiềm thù, và lấp đầy bạn bằng một thái độ hòa giải.
Chay những lời nói, và lấp đầy bạn bằng sự thinh lặng và lắng nghe người khác.

Nếu tất cả chúng ta áp dụng thứ ăn chay này, cuộc sống hằng ngày sẽ chan hòa bình an, tình yêu và tin tưởng.

Chúng ta vừa chia sẻ với nhau cuộc tranh luận về việc ăn chay giữa Chúa Giêsu và những con người nghiêm khắc giữ lòng đạo đức, và cũng cho chúng ta thấy viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước, đồng thời cũng mở ra một cách thế cho tương lai để sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta trong mùa Chay thánh này, để trong thời gian luyện tập và chiến đấu thiêng liêng, sám hối và canh tân, chúng ta thêm xác tín về tình thương, sự tha thứ và niềm vui ơn cứu độ nơi Tân Lang là Đức Giêsu. Để từ đó chúng ta trở nên những môn đệ can đảm cùng đi với thầy Giêsu mà vác thập giá lên đỉnh đồi yêu thương, để cùng Người, chúng ta chết đi cho thân phận tội lỗi yếu đuối, và rồi, được phục sinh vinh hiển với Người.
 

[1] Lv 16,29-31.
[2] Mt 9,15
[3] Ga 3,29
[4] Is 58,6-7
[5] Augustino, bài giảng 207 về Mùa Chay : Patrologie latine 38, 1042
 

Những tin mới hơn:

Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
Viết về một người Mẹ của một đan sĩ
Cứ giữ trong em niềm tin yêu
Bài giảng của Viện phụ Gregorio trong lễ giỗ mãn tang Cha Cố Salesio

Những tin cũ hơn:

Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Canh thức với Chúa
Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây