Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Thứ tư - 20/12/2023
1095 Đã xem
M. Giacôbê, O.Cist.
Trong Tin Mừng, thánh Luca đã phác họa cho chúng ta nhiều hình ảnh rất đẹp được thể hiện qua các dụ ngôn, điển hình là hai dụ ngôn người cha nhân hậu và dụ ngôn những con chiên lạc. Ngoài ra, cũng có những hình ảnh khác nữa rất đẹp được thể hiện qua các phép lạ Chúa Giêsu làm khi chữa bệnh, lúc Người xua trừ ma quỉ hay khi Người làm cho người mù sáng mắt… Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật thứ Tư Mùa Vọng, thánh Luca nêu lên cho chúng ta những hình ảnh tuyệt đẹp trong trình thuật truyền tin cho Đức Mẹ. Chúng ta cùng tìm hiểu những nét đẹp ấy của Thiên Chúa và Đức Mẹ, được thể hiện qua cách thức sứ thần Gabriel truyền tin cho Mẹ và qua thái độ Mẹ đón nhận Tin Mừng này.
1. Về phía Thiên Chúa
Thông qua việc truyền tin của Thiên Thần Gabriel, chúng ta nhận ra được một điều là Thiên Chúa không bao giờ ép buộc con người phải đón nhận thánh ý Ngài. Ngài luôn tôn trọng tự do của con người để con người có thể theo hay không theo, đón nhận hay phủ nhận thánh ý Ngài. Đây là một sự tế nhị, một lối ứng xử vượt mọi suy nghĩ hay tưởng tượng của con người, trái ngược hoàn toàn với tính cách của con người đối với nhau. Chúng ta có thể nghĩ, Thiên Chúa có toàn quyền để ra lệnh cho Mẹ. Hơn nữa, việc cưu mang Con Thiên Chúa lại là một điều quan trọng liên quan đến ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Do đó, Ngài có quyền ép Mẹ phải xin vâng. Ngài có quyền ra lệnh cho Mẹ không được khước từ, vì điều này quá cần thiết, không những cho toàn thể nhân loại mà còn, trước tiên, cho chính ơn cứu độ của Mẹ. Nhưng Thiên Chúa không làm tất cả những điều ấy, không ép buộc Mẹ theo ý Người. Thiên Thần Gabriel chỉ loan báo rằng Chúa muốn mẹ cưu mang Con Thiên Chúa : “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33). Thật vậy, Thiên Thần chỉ nêu lên ý định của Chúa rồi để cho Mẹ suy nghĩ và quyết định. Thiên Thần cũng không ép hay đe dọa Mẹ bất cứ lời nào, chẳng hạn nếu không vâng theo thì sẽ như thế này, sẽ bị thế kia, sẽ ảnh hưởng đến người khác thế nọ…. Không. Không hề có một sự ép buộc hay thái độ trấn áp nào từ phía Thiên Thần.
Hơn thế nữa, khi Mẹ tỏ ra ngạc nhiên không hiểu cách thức cưu mang Con Thiên Chúa thế nào, Mẹ suy nghĩ theo hướng tự nhiên của con người: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (c.34), thì Thiên Thần liền giải thích. Ngài giải thích ra sao? “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (c.35). Đây cũng chỉ hoàn toàn là một lời giải thích cho Mẹ hiểu rõ hơn mà thôi. Chúng ta không hề nghe hay cảm nhận một thái độ hay một lời ép buộc nào. Thiên Thần tỏ cho Mẹ biết quyền năng lạ lùng của Chúa trong việc Mẹ thụ thai là như thế đó. Hoàn toàn khác hẳn với cách thức của con người và vượt xa trí tưởng tượng của họ. Đồng thời, để giúp mẹ thêm tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, Thiên Thần Gabriel đã nêu ra dẫn chứng xác thực về người chị họ của Mẹ là bà Elisabet, “tuy già rồi mà đã cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi son sẻ mà nay có thai được sáu tháng” (c.36). Cuối cùng, để tóm kết lại nội dung mình loan báo và tỏ cho mẹ biết rõ quyền năng Thiên Chúa trên mọi sự, Thiên Thần nói một câu chắc chắn như đinh đóng cột, giúp Mẹ không thể hoài nghi bất cứ điều gì, mà hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (c.37).
Với những điều đó, chúng ta thấy Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng tự do và những quyết định của Mẹ, Ngài không hề thốt ra một lời đe dọa nào, cũng chẳng tỏ thái độ ép buộc đối với Mẹ. Đây là một lối ứng xử rất tinh tế và đáng chúng ta thán phục. Còn thái độ của Mẹ thì sao trước thông tin biết mình sẽ cưu mang con Đấng Tối Cao?
2. Về phía Đức Mẹ
Khi nghe sứ thần Gabriel cất tiếng chào: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (c.28), Mẹ đã bối rối. Mẹ diễn tả thái độ của một người khiêm tốn, không háo hức trước lời khen của người khác, không hề tỏ vẻ tự đắc khi được một “đấng thần linh” chào mình và khen ngợi là “Đấng đầy ơn phúc”, cũng không tự mãn khi biết mình được gán cho một danh hiệu cao quí, có một không hai, mà từ trước tới nay chưa nghe bao giờ. Thiết nghĩ, nếu ở vào trường hợp của chúng ta, chắc chắn trong tâm hồn mỗi người sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau, sự tự hào sẽ xuất hiện trong tâm trí, sự tự đắc và tự mãn sẽ cùng nhau “nhảy múa”. Với Mẹ thì hoàn toàn khác. Mẹ bối rối khi nghe lời chào ấy và tự hỏi: “Lời chào ấy có ý nghĩa gì” (c.29). Đồng thời, sau khi nghe Thiên Thần Gabriel thông báo là Mẹ sẽ thụ thai Con Đấng Tối Cao, Mẹ cũng không hề tỏ ra vui mừng vì được vinh dự này. Trong Mẹ không hề có sự từ chối vì sự khiêm nhường hay vì sự nhỏ bé hoặc bất xứng của mình. Mẹ cũng không hoài nghi, sợ hãi hay phân vân là điều này có ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình và của gia đình mình không. Mẹ cũng không tỏ ra lo lắng không biết điều này có khiến người khác ganh tỵ hay thù ghét mình không. Mẹ cũng không tỏ ra sung sướng vì mình là người phụ nữ duy nhất được cưu mang Con Thiên Chúa. Mẹ chỉ thắc mắc làm sao việc cưu mang Con Thiên Chúa có thể xảy ra được, vì Mẹ không nghĩ tới chuyện vợ chồng.
Sau khi nghe Mẹ thắc mắc về việc cưu mang Con Thiên Chúa, Thiên Thần liền giải thích cho Mẹ nghe cách Chúa thực hiện và quyền năng Chúa hoạt động thế nào trong việc này. Để làm cho mẹ thêm xác tín, Thiên Thần còn báo tin vui cho mẹ biết người chị họ của Mẹ là bà Elisabet đã có thai sáu tháng. Đó là niềm vui khôn tả không chỉ cho gia đình ông Giacaria và còn cho cả Mẹ nữa. Với những điều Thiên Thần giải thích cho Mẹ, Mẹ đã dõng dạc thưa lên lời xin vâng bất hủ, đầy tín thác và đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (c.38). Từ đây, Mẹ hoàn toàn phó thác cuộc đời cho Chúa. Mẹ để Chúa có toàn quyền trên cuộc đời mẹ. Mẹ đã nhắm mắt chạy ào đến và gieo mình vào vòng tay yêu thương của Chúa mà không mảy may hoài nghi hay lo sợ gì. Từ đây Mẹ hoàn toàn đón nhận thánh ý Chúa vào cuộc đời Mẹ và hoàn tuân theo. Với sự khiêm nhường thẳm sâu, Mẹ tự coi mình là nữ tỳ của Chúa và chỉ biết phục vụ Ngài nữa mà thôi.
Qua những gì vừa trình bày ở trên, chúng ta nhận ra hai nét đẹp tuyệt vời, một xuất phát từ nơi Thiên Chúa và một xuất phát từ Mẹ Maria. Nơi Thiên Chúa, Người thể hiện một nét đẹp của sự tôn trọng, không ép buộc, không đe dọa người khác để đạt được ý muốn của mình, mà chỉ gợi ý và chờ mong sự đáp trả cách tự do của Mẹ. Còn nơi Mẹ, có một nét đẹp của một người nữ tì luôn trong tình trạng sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa mà không hề có sự tự mãn, tự đắc khi biết tin Mẹ được cưu mang Con Thiên Chúa, cũng không hề có sự từ chối nào, nhưng chỉ là những sự ngạc nhiên và thắc mắc, ngạc nhiên để hiểu rõ thánh ý Chúa hơn mà thôi. Một khi đã hiểu rõ, Mẹ đã không ngần ngại nói lên lời xin vâng thật đẹp. Một lời xin vâng hòa quyện vào sự tín thác trọn vẹn trong vòng tay Thiên Chúa, dù Mẹ không biết tương lai sẽ như thế nào.
Hai nét đẹp nêu trên sẽ là những điều khiến chúng ta phải suy nghĩ trong lòng, để rồi từ đó, chúng ta dần nhận ra được tình thương quan phòng của Thiên Chúa dành cho con người, cũng như thái độ cần thiết chúng ta cần có để đón nhận thánh ý của Người trong cuộc sống hằng ngày.