Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Thứ bảy - 24/02/2024
759 Đã xem
M. Giacôbê, O.Cist.

CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY NĂM B
 
HAI MẪU GƯƠNG QUẢNG ĐẠI

Trong lịch sử cứu độ, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa luôn đi bước trước trong mọi kế hoạch của Ngài dành cho con người. Đó chính là tình yêu bao la vô bờ bến của Ngài hay nói cách dễ hiểu, đó là sự quảng đại Thiên Chúa dành cho con người. Nhờ vậy con người học biết cách đáp lại tình thương của Thiên Chúa cũng bằng chính sự quảng đại đó, nhưng ở một mức độ khác, không thể so sánh với Thiên Chúa. Trong bài suy niệm hôm nay chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng hai mẫu gương quảng đại được thể hiện qua các bài đọc và cuối cùng mỗi người chúng ta sẽ thể hiện sự quảng đại của mình ra sao đối với Thiên Chúa để đáp lại tình yêu của Ngài. 

1. Sự quảng đại của ông Abraham

Vợ chồng ông Abraham son sẻ. Hai ông bà cảm thấy tủi nhục và xấu hổ khi đã lớn tuổi rồi mà vẫn chưa có mụn con nào. Đến lúc Chúa nhận lời họ cầu xin và ban cho ông bà một người con nối dõi tông đường là Isaac, thì Chúa lại bảo ông hiến tế nó làm của lễ toàn thiêu cho Ngài: “Abraham. Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của người là Isaac, hãy đi đến xứ Mô ri gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,9). Lời này như tiếng sét đánh ngang tai, xé nát ruột gan ông Abraham. Quả thật niềm vui chẳng sánh tày gang. Thật vậy, Abraham phải cầm dao sát tế chính người con yêu quí của mình, đứa con duy nhất của ông, tài sản và là bảo vật cao quí nhất mà ông có cho đến lúc này. Không thể tưởng tượng nổi ông đau khổ biết chừng nào, căng thẳng biết bao khi thực hiện hành động sát tế người con mình. Làm sao có thể ra tay sát hại đứa con ông đã chờ đợi mòn mỏi và không ngừng cầu xin? Làm sao ông có thể giết nó khi nó là niềm hạnh phúc duy nhất của ông trong lúc tuổi đã già? Nhiều câu hỏi tại sao xuất hiện trong ông. Tại sao, tại sao và tại sao? Trong ông có một sự giằng co nội tâm kinh khủng, một bên là thương con, đứa con ông hằng chờ mong, khao khát bấy lâu nay, đứa con này cất đi hết mọi nỗi tủi nhục của gia đình ông vì son sẻ, đứa con mà ông quí mến và yêu thương vô cùng; bên kia là huấn lệnh của Thiên Chúa, Đấng cao cả đã thương ông, giúp ông vượt qua muôn vàn khó khăn, làm cho ông thêm vinh dự và hãnh diện vì có người con thừa tự. Ai ở trong hoàn cảnh này sẽ cảm nghiệm được sự giằng xé nội tâm kinh khủng đến mức nào. Ấy thế mà ông Abraham vẫn “vâng lời Thiên Chúa” và đưa Isaac lên núi Morigia để sát tế làm lễ toàn thiêu dâng cho Ngài. Ông đã tự do chọn lựa. Ông chọn điều gì? Ông chọn huấn lệnh Thiên Chúa. Ông đặt huấn lệnh Thiên Chúa lên trên tất cả, trên cả tình phụ tử tha thiết đối với con ông, trên cả danh dự và hạnh phúc của gia đình ông, trên cả sự hãnh diện của ông vì đứa con trai này. Chính hành động này đã được Thiên Chúa đánh giá cao và Chúa đã khen ông. Thật vậy khi ông giơ dao lên định sát tế Isaac thì Thiên Thần Chúa từ trời gọi ông: “Abraham. Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó. Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc” (St 22,11-12). Thiên Chúa đã thấu biết tâm hồn của ông Abraham, Ngài biết tình yêu của ông dành Cho Ngài, Ngài biết ông kính trọng Ngài và dành cho Ngài một chỗ danh dự trong tâm hồn ông. Ông tôn kính Ngài và đặt Ngài lên trên tất cả mọi sự nên ông không hề tiếc xót đứa con một yêu dấu của mình và đã đi sát tế nó theo lệnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của ông Abraham, vì thế Ngài đã ban muôn phúc lành cho ông như chính Ngài đã nói: “Ta lấy chính danh Ta mà thề, bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì người đã vâng lời Ta” (St 22, 16-18).

Như thế nhờ tấm lòng quảng đại và biết lắng nghe lời Thiên Chúa, ông Abraham chẳng những không mất đứa con một, đứa con ông rất yêu quí, mà còn được hưởng muôn ngàn phúc lành của Thiên Chúa không chỉ lúc ông còn sống mà cả sau khi ông nhắm mắt về với tổ tiên. Quả thật Thiên Chúa rất quảng đại với con người. Lòng quảng đại ấy còn được thể hiện rõ nét qua bài đọc II trong thư Roma của thánh Phaolo.

2. Sự quảng đại của Thiên Chúa

Ông Abraham thật quảng đại với Chúa khi dám sát tế đứa con một yêu quí của mình cho Chúa, nhưng cuối cùng Chúa không để ông làm điều đó. Chúa biết rõ tâm hồn ông. Chúa đón nhận ý muốn quảng đại dâng hiến này của ông và Ngài không để cho đứa con yêu dấu của ông phải chết. Tuy nhiên về phía Thiên Chúa, sự quảng đại của Ngài vượt qua sự quảng đại của Abraham, gấp trăm ngàn lần, vượt mọi suy nghĩ và không ai có thể tưởng tượng được. Sự quảng đại này không phải vì con người đã làm gì cho Ngài vui, nhưng điều này phát xuất từ tình thương bao la vô bờ bến Ngài dành cho con người, như thánh Phaolo nói: “Đến như chính Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8,32).

Quả thật sự quảng đại Chúa dành cho chúng ta không bắt nguồn từ chúng ta, không do “công kia việc nọ chúng ta làm”, nhưng do lòng yêu thương của Thiên Chúa; lòng yêu thương này vô điều kiện và vô tiền khoáng hậu, vượt xa mọi suy nghĩ và tưởng tượng của con người. Ở chỗ khác, thánh Phaolo cũng khẳng định với chúng ta về lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa đối với chúng ta: “Nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho con của Người phải chết mà chúng ta được hòa giải với Người” (Rm 5,10). Thánh Gioan cũng khẳng định mạnh mẽ lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy nếu Thiên Chúa đã quảng đại với chúng ta đến thế, thì đến lượt mình, chúng ta thể hiện sự quảng đại với Ngài ra sao?

3. Chúng ta thể hiện lòng quảng với Thiên Chúa

Thiên Chúa thật quảng đại với con người ngay cả khi con người phản bội, quay lưng lại với Ngài, thậm chí trở thành kẻ thù của Ngài. Thế nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài chỉ mời gọi con người có một điều thôi: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người” (Mc 9,7). Lời mời gọi này nếu ta thực hiện thì chẳng mang lại ích lợi gì cho Chúa, nhưng điều chính yếu là mang lại ơn cứu độ và hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Chúng ta có dám đánh đổi, hy sinh và đặt Chúa lên trên, đặt huấn lệnh của Chúa lên trên hết mọi sự trong mọi chọn lựa của mình như không? Dám dành ưu tiên cho vinh danh Chúa trong mọi công việc mình làm không? Có những điều xem ra trái lương tâm, chúng ta có dám từ bỏ để theo tiếng Chúa không, hay vẫn cứ làm mà không hề cảm thấy áy náy gì cả? Chúa Cha đã khẳng định mạnh mẽ với mỗi người chúng ta rằng Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Ngài, đến từ Ngài, luôn làm đẹp lòng Ngài. Người Con này rất đáng tin tưởng. Người Con này luôn làm mọi điều tốt lành cho mọi người. Người Con này luôn yêu thương, để ý và chăm sóc từng người một. Người Con này không biết mệt mỏi tha thứ cho tất cả những ai chạy đến với Ngài cầu xin được thứ tha. Vậy chúng ta có dám “vâng nghe Lời Ngài” trong mọi sự hay không? Có dám để cho Lời Ngài điều khiển cuộc đời ta và soi sáng mọi quyết định của ta không? Trước mọi công việc hay những chọn lựa hoặc quyết định quan trọng, chúng ta có dám đến xin Ngài hướng dẫn, soi sáng và giúp ta sáng suốt đi theo những gì Ngài chỉ bảo không?  

Tóm lại mẫu gương quảng đại của ông Abraham dành cho Thiên Chúa và của Thiên Chúa dành cho chúng ta thật đáng cho chúng ta suy nghĩ. Ông Abraham không hề tiếc đứa con cầu con khấn của ông và đã dám sát tế nó để làm lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa. Đồng thời chính Thiên Chúa cũng không ngần ngại hy sinh Người Con duy nhất của Ngài cho chúng ta. Thiết nghĩ đến lượt mình, chúng ta cũng hãy can đảm xét lại sự dâng hiến của mình, xem lại sự thờ phượng của mình dành cho Chúa trong từng ngày sống xem chúng ta dám dành ưu tiên cho Chúa trong mọi sự chưa, Chúa có phải là vị trí số một trong lòng ta hay chỉ là số hai hoặc số ba…


 

Những tin mới hơn:

Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
“…để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)

Những tin cũ hơn:

Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Canh thức với Chúa
Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây