Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Thứ ba - 14/11/2023
680 Đã xem
M. Anselmo, O.Cist.
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?”. Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”

Đoạn Tin Mừng này, trong nhóm Tin Mừng Nhất Lãm chỉ có tác giả sách Tin Mừng thánh Luca viết lại, để ca ngợi lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, và cũng trình bày về thái độ sống đức tin của những ai được Người trao ban lòng thương xót. Vị trí của Chúa Giêsu hiện đang ở ranh giới ngăn cách hai miền, mà đứng trên bình diện thần học hơn là về địa dư, nhìn từ Jerusalem lên, thánh sử đã sắp xếp Samari trước Galile trong ý đồ liệt kê; Con đường này dẫn đến thung lũng sông Giođan miền Beth She’an và từ đó xuống Jerikho để tiến vào trung tâm là Jerusalem. Tại đây, Người đã gặp mười người phong hủi, những con người bị ngăn cách không chỉ bởi ranh giới hai vùng đất của nơi sinh sống mà còn bị ngăn cách giữa hai miền tinh thần đó là loại trừ và kỳ thị.

Khi đọc qua đoạn tường thuật này, chúng ta thấy tất cả các động từ đều nằm ở thể chủ động, dồn hết việc đặt tả nhân vật cho những người phong hủi. Thánh sử đã không dùng câu chữ cách hoa mỹ hay ẩn ý khi trình bày, mà đã liệt kê từng hành động, từng trạng thái của đối tượng, đây là cách để làm nổi bật hình ảnh những con người khốn khổ.

Kinh Thánh cho chúng ta biết, trong thời đại của Chúa Giêsu, bệnh phong là một căn bệnh khủng khiếp và dễ lây lan, bị quan niệm là do tội lỗi mà sinh ra hậu quả là sự lở loét, hoại tử cơ thể. Để ngăn chặn sự lây lan, Cựu ước đã quy định các biện pháp nghiêm ngặt.

Với sự áp đặt của luật lệ mà mười người phong hủi cùng sống bên ngoài, nơi hẻo hánh và thiếu điều kiện sinh sống. Một trong số họ là một người Samari, dù có sự đối nghịch dân tộc, nhưng vì cùng mang lấy bệnh tật như nhau, nên tư tưởng thù địch bị xóa bỏ. Có thể họ đã nghe người khác nói về Chúa Giêsu, vị thầy xuất thân từ Galile đã chữa lành nhiều người. Họ có thể thậm chí đã nuôi hy vọng một ngày nào đó gặp gỡ Người. Khi thấy Người rồi, họ chỉ dám đứng ở đàng xa và kêu gào van xin. Qua hình ảnh đó, thánh giáo phụ Theophilactus[1] đã trình bày như sau: “Điều này như thể họ xấu hổ vì sự bẩn thỉu đang đè lên họ. Họ sợ rằng Chúa Giêsu cũng sẽ từ chối họ, giống như tất cả những người khác đã làm. Vì vậy, họ đứng từ xa, nhưng họ tiếp cận Người qua tiếng kêu của họ: “Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người”(Tv 145,18).

Chúa không chạm vào những người phong hủi, không đặt tay trên họ. Ngay sau khi nghe lời cầu khẩn, Người bảo họ đi trình diện với tư tế. Những người phong hủi vẫn chưa được một tác động nào từ Chúa Giêsu, mà Người còn muốn thách thức lòng tin của họ. Thân xác đau đớn vì căn bệnh ô uế, bị người đời khinh miệt, còn bị thử thách niềm tin,… những điều ấy cộng lại có thể làm cho họ gục ngã. Nhưng họ buộc phải tin tưởng vào lời Chúa Giêsu và phải có bước hành động theo sau, thì sẽ nhìn thấy được hoa trái kì diệu của niềm tin: “Đang khi đi thì họ được chữa lành”. Bởi việc chữa lành không chỉ là một hình thái vật lý mà còn phải phát khởi từ lòng tin và sự vâng phục. Từ đây, chúng ta thấy, để được biến đổi nên tốt, chúng ta phải vượt qua rào cản của sự bất tín và bất tuân.

Sau khi họ được sạch, 9 người kia, có thể là những người Do thái, đã đi vào quên lãng. Sự khao khát đã được Chúa đáp trả, nhưng quãng đời còn lại là một kiếp lưu vong, hoang đàng, bởi họ đã không tìm về để sống niềm cảm mến trong Chúa. Câu hỏi của Chúa Giêsu như một lời cảm thán, Người tiếc nuối khi họ đã lạc xa Người: “Sao chẳng có ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, ngoại trừ người ngoại bang này?”(Lc 17,18).

Viktor Frankl, một bác sĩ tâm lý, trong cuốn Đi tìm lẽ sống, ông kể lại những ngày tháng cuối cùng của những người bị nhốt trong trại tập trung Auschwitz. Họ luôn khao khát mãnh liệt một điều là được tự do. Và dần dần, ngày qua ngày, sự khao khát tự do, vô hình đã trở thành áp lực nơi họ. Ông viết: “Chúng ta cần xem xét việc một người, vốn đang chịu áp lực kinh khủng trong một thời gian dài, sẽ gặp nguy hiểm sau khi tự do như thế nào, nhất là khi áp lực ấy đột ngột biến mất…việc một người đột nhiên thoát khỏi áp lực tinh thần có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý và vấn đề đạo đức…khi được tự do, họ cho rằng mình có quyền sử dụng sự tự do ấy một cách phóng túng và vô độ.”[2] Nhìn vào bài Tin Mừng chúng ta cũng thấy được, 10 người phong hủi và cả chúng ta có một khao khát là được chữa lành, được sạch tội, trở thành một con người tự do. Thế nhưng, sau khi chúng ta được toại nguyện từ những điều từng khao khát ấy, chúng ta có còn nhớ nhựng lúc cơ hàn, cùng khốn của chính mình hay không, hay là ta đã lạm dụng tự do mà tự xưng mình là người hùng.

Thật may và thật phúc, khi chúng ta không phải là những người từ trại tập trung Đức Quốc xã trở về, nhưng là những con người từ cõi chết bước vào cõi sống nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; nhờ Người cứu vớt, nên chúng ta mới được sống trong niềm tin và ân sủng. Bởi sự quảng đại và lòng thương xót của Chúa nhắc bảo chúng ta phải sống sự biết ơn một cách sâu sắc. Từ bài học về lòng biết ơn khi nhìn vào người Samari quay trở lại tìm Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: chúng ta đừng quên cảm ơn: nếu chúng ta là người mang lòng biết ơn thì thế giới cũng trở nên tốt đẹp hơn, dù chỉ một chút thôi, nhưng cũng đủ để truyền đi một chút hy vọng.[3]

Việc họ đi trình diện tư tế, cho chúng ta thấy một điều, đó là việc Chúa chỉ mới chữa lành trên thân xác của họ mà thôi, và chỉ có một mình người Samari mới được người chữa lành cho phần hồn. Vì trong chính sự biết ơn đã dẫn dắt anh đến chặn đường tiếp theo của niềm tin, anh quay lại “lớn tiếng tung hô Thiên Chúa” (Lc 17,16), anh đã được người chữa lành hoàn toàn: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17,19).  Lòng tin đã giúp anh lấy lại được giá trị của chính bản thân mình: một con người mới, trong một tinh thần mới.

Hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy sống sự thờ phượng trong đức tin và trong sự cảm tạ. Bởi lòng biết ơn nảy sinh từ việc ta ý thức rằng bản thân trước đó đã được lãnh nhận những ân sủng khôn tả. Đó là sự đáp trả bằng tình yêu của chúng ta với Đấng đã yêu thương chúng ta trước. Như thế chúng ta mới trở thành người môn đệ của Người, quy hướng về Người khi được thương xót và tha thứ, vì ý thức rằng, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, điều làm đẹp lòng Chúa và sinh ích cho linh hồn đó chính là lời tạ ơn, như thánh Phaolô Tông đồ đã khuyên dạy: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5,18).
 

[1] THEOPHYLACT DE OHRID (1055-1107) là một giám mục Đông La Mã của Ohrid và là một nhà bình luận Kinh Thánh.
[2] VIKTOR FRANKL, Đi tìm lẽ sống, Cuối Phần I – Những trải nghiệm trong trại tập trung, First New , Nxb Trẻ, 08-2011.
[3] PHANXICÔ, Buổi tiếp kiến chung cuối cùng trong năm 2020 của Đức Giáo hoàng vào sáng 30/12.
 

Những tin mới hơn:

Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Đi để trở về (2023)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Ngưỡng cửa Xuân
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024

Những tin cũ hơn:

Canh thức với Chúa
Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Lễ Các Thánh - ngày của hy vọng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây