Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
Thứ hai - 15/04/2024
952 Đã xem
M. Giacôbê, O.Cist.

Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Tuy nhiên triết gia Gabriel Marcel lại định nghĩa: Tha nhân là một huyền nhiệm. Nếu là huyền nhiệm thì làm sao khám phá, làm sao hiểu được họ. Nhưng Chúa lại bảo ta phải yêu thương tha nhân. Có nhiều điều giúp ta yêu thương tha nhân. Vậy làm thế nào để có thể yêu thương họ như Chúa muốn? Để thực hiện được giáo huấn này có nhiều điều khác hữu ích, tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, thiết nghĩ trước tiên cần loại bỏ cái nhìn cũ. Thứ đến là cởi mở với tha nhân. Đó là hai điểm chúng ta sẽ đào sâu trong phần nội dung. Chúng ta cùng đi vào chi tiết.

1. Loại bỏ cái nhìn cũ

Có thể nói rằng, sở dĩ người ta khó yêu thương tha nhân vì họ biết quá ít về người đó hay nói đúng hơn là chưa biết gì về người đó. Nếu cho rằng ta đã biết rõ về một người thì thiết nghĩ cái biết đó chỉ mang tính chủ quan; nghĩa là ta biết về người đó nhờ quan sát thấy, nhờ một vài khoảnh khắc ta nghe họ nói về chuyện này, chuyện nọ hoặc về người này hay người kia. Cũng có thể ta biết họ nhờ nghe người khác nói. Ngoài ra ta có thể biết họ do những thành kiến, thiện cảm hay ác cảm ta có về người đó. Cuối cùng ta kết luận là đã biết về người đó, đã hiểu rõ về người đó mà thật ra ta chưa hiểu gì về họ hay nói đúng hơn hiểu quá ít về họ. Có người cho rằng tôi tôi đi guốc trong bụng vợ tôi hoặc đi guốc trong bụng chồng tôi; nghĩa là hiểu hiết con người của người chồng hay người vợ mình. Thực ra họ chưa hiểu gì cả. Những gì họ biết về người chồng hay vợ của mình chẳng qua chỉ là những gì được bộc lộ ra bên ngoài thôi, còn những gì ẩn sâu trong tâm hồn người đó thì ta rất khó biết. Như vậy để hiểu một người ta phải làm gì? Phải chăng chỉ quan sát những hành vi của họ là đủ? Không phải thế. Vì con người không phải là khúc gỗ hay sỏi đá, chỉ cần phân chất là biết trong chúng có cái gì và thuộc về loại nào. Nhưng con người không đơn giản như vậy. Để hiểu một người, ta cần phải sống với họ, nghe họ nói về những ước mơ, hoài bão, những tài năng, những thất bại…đồng thời biết về quá khứ của họ nữa, nhất là hiểu về những ký ức cảm xúc của họ, những tổn thương họ đã bị người khác gây ra lúc còn bé hay thậm chí lúc đã trưởng thành. Nhưng để hiểu rõ quá khứ của họ, cần phải tiếp xúc nhiều với họ; nghĩa là phải biết lắng nghe những tâm tư tình cảm của họ, lắng nghe những điều thâm sâu trong họ…Một yếu tố khác giúp chúng ta hiểu người khác là chúng ta cởi mở đối với người khác.

2. Cởi mở

Hơn nữa để hiểu người khác chính ta cũng cần có thái độ cởi mở để đón nhận những ý kiến của họ mà không bị thành kiến chi phối khép kín lòng ta, khiến ta không thể lắng nghe họ. Thật vậy nếu không cởi mở và lắng nghe họ thì cái nhìn của ta về người đó cơ hồ như tấm da che mắt ngựa. Nó khiến cái nhìn của ta hoàn toàn bị giới hạn, khộng cho phép ta hiểu tha nhân, đi vào chiều sâu nội tâm của họ, không có khả năng lắng nghe họ. Từ đó cái nhìn, quan điểm và thái độ của ta về người đó cũng không được mở ra. Thật vậy việc mở rộng cái nhìn của mình rất quan trọng, vì nó đó là “khả năng đập vỡ tâm cảnh đang tồn tại của mình và cho phép ta kinh nghiệm mọi điều mới, để đạt được những hiểu biết mới, để học lại những điều vốn đã quên, và để đào thải những nhận hiểu sai lầm”[1]. Nếu không cởi mở thì điều gì sẽ xảy ra? Đó là “tâm cảnh của mình có thể tước mất của mình mọi kinh nghiệm mới và mọi nhận thức mới gắn liền với các kinh nghiệm ấy”[2].

Chúng ta thường cho rằng những gì mình nghe, nhìn thấy, cảm nhận hay tiếp xúc với một người nào đó, thì những điều ấy nói lên bản chất, toàn bộ sự thật về con người đó. Điều này hoàn toàn sai lầm. Vì sao? Vì ta chỉ nhìn thấy một số mặt nơi họ, còn những mặt khác ta chưa hề biết, cũng như chưa nhận ra. Điều đó được ví như một trái banh. Ta chỉ nhìn trái banh được một mặt thôi, còn những mặt khác bị khuất ta chưa nhìn thấy. Nếu ta cứ đóng khung một người vào trong một “hộp thành kiến cứng nhắc” thì ta không có cơ hội nhận biết đúng sự thật của người đó. Thực tế chúng ta biết về một người thường ở mặt tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Nếu tiếp xúc thường xuyên với họ, lắng nghe họ với sự cở mở thì ta sẽ khám phá nơi họ rất nhiều điều thú vị, tích cực và đáng yêu mà mình chưa biết. Một khi khám phá ra những điều thú vị nơi người đó thì mọi suy nghĩ của ta sẽ thay đổi. Suy nghĩ thay đổi thì cảm xúc cũng đổi thay. Từ đó thái độ trong ta cũng không còn như cũ và thế là hạt giống thiện cảm trong ta về người đó sẽ nảy mầm. Mọi suy nghĩ về quá khứ của người đó sẽ biến mất, nhường chỗ cho những tư tưởng và cảm xúc tích cực. Nhờ đó ta có thể thân thiết với họ hơn, dễ gần gũi hơn và không còn thái độ xa lánh. Đó chính là khởi đầu cho một tình yêu đích thực đối với tha nhân.

Tóm lại, để có thể yêu thương tha nhân cần thay đổi lối nhìn cũ, quan niệm cũ, bỏ đi “miếng da che mắt ngựa” khỏi đầu óc ta, đồng thời mở ra đối với tha nhân, nghĩa là biết lắng nghe họ, có ý muốn khám phá những điều tích cực nơi họ. Hơn nữa có cái nhìn hoàn toàn khách quan, không bị thành kiến đóng khung, dán nhãn họ. Nhờ đó ta mới có cái nhìn khách quan về người khác, mới có khám phá ra trong mỗi người đều có những điều tích cực mà lâu nay mình chưa khám phá, chưa biết về họ. Điều này giúp thay đổi cái nhìn, quan niệm, cảm xúc và thái độ của ta đối với người khác, nhờ đó hạt giống yêu thương trong ta sẽ có cơ hội nảy mầm trong ta và trong lòng người khác.
 
 
 

[1] EARNEST L. TAN, Sống Hết Mình, Lê Công Đức dịch từ nguyên bản LIVING LIFE FULLY, Requisites for Personal Growth and Change (New Edition, 2000) do Spiritus Works Publication xuất bản, tr. 12.
[2] Sđd, tr. 12.
 

Những tin mới hơn:

“…để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)

Những tin cũ hơn:

Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây