Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Viết về một người Mẹ của một đan sĩ
Viết về một người Mẹ của một đan sĩ
Thứ sáu - 23/08/2024
3667 Đã xem
M. Augustino, O.Cist.

Ngày 22/08 mỗi năm, Đan viện chúng tôi mừng kính lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, bổn mạng của cộng đoàn Đan viện. Vào dịp này, chúng tôi thường tổ chức thánh lễ hồng ân thánh hiến đan tu, tuyên khấn sơ khởi và khấn trọng thể cho anh em. Năm nay, ngoài việc mừng các anh em được tuyên khấn, đan viện chúng tôi có dịp mừng hồng ân ngân khánh khấn dòng cho ba đan sĩ linh mục. 25 năm không quá dài, nhưng cũng đủ để các thành viên cảm nếm được tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa dành riêng cho mỗi cá nhân, và cho cả cộng đoàn.

            Thánh lễ diễn ra một cách nghiêm trang, thánh thiện đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc về một đời sống đan tu tuy thầm lặng nhưng đầy sức sống mãnh liệt. Có nhiều cung bậc cảm xúc trong tôi, nhưng hình ảnh người mẹ già ngồi ở một góc nguyện đường, nhìn đứa con thân yêu của mình bước lên cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân 25 năm thánh hiến đan tu đánh động tôi nhiều nhất.

            Trước đây, tôi có dịp được gặp bà ở quê hương, trong một dịp đặc biệt, anh em chúng tôi có chuyến hành hương, thăm viếng từng nhà của nhau trong di đất Nghệ - Tĩnh - Bình. Bà chào đón đoàn chúng tôi bằng ánh mắt trìu mến, thân thiện, đầy tình yêu thương. Không một chút e dè, tôi nắm tay bà thăm hỏi như đã quen biết bà từ rất lâu. Bàn tay gầy guộc, dáng người nhỏ nhắn, bước đi khập khing của một người phụ nữ “dày gió dạn sương” đã làm tôi xúc động. Tuy nhiên, ánh mắt của bà rất trong và sáng, chứng tỏ bà là một người phụ nữ đầy nghị lực, mạnh mẽ và kiên cường.

            Tôi hỏi bà có biết tôi không? Bà mỉm cười lắc đầu trong sự ngỡ ngàng, bởi câu hỏi của tôi quá ngây thơ trong ý nghĩ của bà. Bất giác, tôi quay người, chỉ sang đứa con của bà và hỏi: Thế bà có biết ai đây không? Bà cũng  lắc đầu trong sự ngượng ngùng, nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi yêu thương nhớ nhung của người mẹ dành cho con cái. Sự ngại ngùng đó đã không che giấu được niềm vui sướng, hạnh phúc của bà đối với người con mà mình yêu thương nhất. Đây là giọt máu yêu quý của bà; là đứa con bà tự hào nhất, nhưng cũng làm cho bà lo lắng nhiều nhất từ khi anh ấy cất bước ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa; là đứa con mà bà đã dâng trọn cho Chúa với niềm xác tín của niềm tin mãnh liệt.

            Nhân dịp ấy, con cháu và anh em chúng tôi tổ chức bữa tiệc nhỏ mừng sinh nhật lần thứ 82 của bà. Hình ảnh đoàn con cháu, quý cha, quý thầy cùng hát vang bài ca sinh nhật đã làm bà xúc động. Từ ngày ông cố về với Chúa, bà luôn sống trong sự cô đơn, lạc lõng, vì con cái, ai cũng có cuộc sống riêng, nên không thể ở bên bà mỗi sớm mai, đêm về. Bà chỉ biết ra sau vườn trồng vài luống rau, nuôi ít con gà, con ngan, con vịt  để tìm niềm an vui trong tuổi già. Bà chia sẻ với tôi, đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, bà được cắt bánh sinh nhật có đầy đủ sự hiện diện của con cháu, quý cha, quý thầy trong đan viện. Nước mắt của một người phụ nữ chịu đựng, hy sinh quá nhiều cho con cái làm tôi run rẩy.

            Hôm nay, tôi lại được gặp bà, được nhìn thấy bà hạnh phúc trong ngày lễ đặc biệt của con trai. Bà đã đồng hành cùng đứa con ấy trong suốt hành trình dâng hiến đan tu từ ngày con bà được mặc áo tập, tuyên khấn sơ khởi, khấn trọng thể, và giây phút này là mừng hồng ân ngân khánh khấn dòng. Những lần trước ngồi cùng trong thánh đường luôn có sự hiện diện của ông cố, nhưng hôm nay bà đơn chiếc, lẻ bóng, lặng lẽ nhìn con, trong nước mắt vui sướng, nhưng đâu đó gợi lên trong lòng bà nỗi buồn. Tôi chỉ biết đứng xa nhìn trong sự cảm phục, nhưng cũng không dám lại gần nhìn thẳng vào ánh mắt ngấn lệ của bà lúc ấy. Tôi muốn đến gần bên chia sẻ nỗi niềm cùng bà, nhưng làm sao tôi hiểu được những nỗi ưu tư, nỗi buồn của bà trong suốt hành trình đã qua? Bà đã chôn dấu những khắc khoải của riêng mình ở một góc khuất nào đó trong cuộc đời, để hôm nay trong đôi mắt ngấn lệ ấy đã tố giác về sự hi sinh và chịu đựng những nỗi thống khổ của một đời con gái khi phải làm mẹ, làm bà của đoàn con, đoàn cháu. Tôi thầm trách Chúa, tại sao Người đã lấy đi người con yêu quý, và còn cất luôn người bạn đời của bà trong lúc “tuổi già xế bóng”, chỉ để lại bà một mình cô đơn dưới căn nhà bé nhỏ trong suốt phần đời còn lại?

            Cuộc hội ngộ tình mẹ con trong giây phút đặc biệt ấy đã tôn lên vẻ đẹp tình yêu vĩ đại của một người mẹ dành cho con cái. Giây phút ấy, người con cảm thấy mình thật may mắn khi còn có sự hiện diện của mẹ trong khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời. Và người mẹ cảm thấy được an ủi sau những hy sinh, lam lũ, vất vả sớm hôm, để chỉ mong con luôn được thành toàn trong bước đường ơn gọi. Ai cũng mong muốn cho giây phút ấy là mãi mãi, không thể rời xa, nhưng cuộc hội ngộ nào rồi cũng có lúc phải chia xa. Người con trở lại đời sống thánh hiến đan tu với việc bổn phận thường ngày của một đan sĩ “âm thầm cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh”. Mẹ già lủi thủi một mình ra về trong nỗi nhớ nhung khó tả. Bà phải trở về nơi “chôn nhau, cắt rốn” của mình, nơi đã, đang và sẽ là một phần quan trọng trong cuộc đời bà, và cũng sẽ là nơi gợi lên trong người con ấy về những ký ức đẹp.

            Trở lại với nếp sống đan tu sau ngày lễ, tôi ngồi trong nguyện đường, nhìn ánh nến cháy sáng bên nhà tạm, nơi đặt Thánh Thể Chúa làm trung tâm đời sống của mỗi đan sĩ. Tôi ngồi nguyện gẫm, nhưng không thể quên hình ảnh người mẹ già lầm lũi bước lên xe, trong khi người con đứng dưới vẫy tay chào. Cả hai mẹ con “giàn giụa” nước mắt rơi, thấy cay cay trong lòng. Hình ảnh ấy cứ day dứt trong ý nghĩ của tôi, khi ngồi đối diện với Thánh Thể Chúa lúc này. Tôi cầu nguyện cho bà luôn được Chúa gìn giữ, chở che, ban cho bà nhiều sức khoẻ để sống an vui trong tuổi già. Song song đó, tôi cảm thấy ân hận cho sự dửng dưng, vô cảm của tôi đối với người anh em. Tôi nhớ lại, có một cái tết năm trước đó, khi anh em chúng tôi cùng ăn tết vui vẻ trong đan viện, khi người người đang được ăn tết đoàn viên cùng gia đình, người con ấy ra đứng trước hành lang, lặng nhìn xuống dưới sân, nơi cây mai nở rộ. Trong sự chủ ý, tôi đã cất lên bài hát “Xuân Này Con Không Về:Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con, khi thấy Mai Đào nở vàng trên nương. Năm trước con hẹn đầu Xuân sẽ về, nay Én bay đầy trước ngõ, mà tin con vẫn xa ngàn xa. Đan sĩ linh mục ấy chỉ nhìn tôi trong ánh mắt đầy tế nhị, rồi lủi thủi bước vào căn phòng riêng của mình. Đứng trước di ảnh của bố, anh đã khóc khi nghĩ về người mẹ của mình nơi quê nhà.

            Khi nghĩ về những gì đã chứng kiến, tôi nghiệm ra một điều rằng, nếu như tôi nhận ra hình ảnh của người mẹ trong trái tim của bất kỳ người con nào đều thiêng liêng, vĩ đại, thì tôi đã không cất lên những lời như thế, khi chỉ đem lại cho người anh em của tôi cảm giác nhói đau, trống vắng. Nếu như tôi không bắt gặp những hình ảnh người mẹ cao cả, vĩ đại, thì có lẽ trái tim tôi cũng sẽ bị “chai sạn” mỗi khi nghĩ về cha mẹ, gia đình và người thân của tôi nơi quê nhà. Tôi sẽ viện cớ lý do “đi tu là từ bỏ tất cả” để chỉ sống cho cảm xúc ích kỷ của chính mình. Và quan trọng hơn cả, nếu tôi không ngồi lại suy gẫm về những hành động của bản thân, về những gì mình đã nghe, đã thấy, thì có lẽ chẳng bao giờ tôi thấu hiểu được một phần nào ơn gọi của người anh em, và cũng không thể hiểu được tình yêu thương của mỗi người cha, người mẹ dành cho những đứa con sống trong đời sống thánh hiến.

            Để tạm kết, tôi xin được viết lên những vần thơ:
Bốn năm đan sĩ có là bao
Ngày về thôn xóm rợp hoa đào
Mẹ già hư hao đứng đầu ngõ
Con về ôm mẹ ôi nghẹn ngào

 
Phải mất bốn năm sau, hoặc nhiều hơn thế nữa, người con mới có được cái ôm của người mẹ. Khi đã chọn đời đan tu, chúng tôi đánh đổi mọi thứ để chỉ được thuộc trọn về Đức Kitô. Nhưng tôi tin chắc rằng, tình yêu của mỗi chúng tôi dành cho cha mẹ và người thân là một tình yêu được hiệp thông trọn vẹn trong Tình Yêu Vĩnh Cửu. Và đứng trước người cha, người mẹ, đan sĩ cũng chỉ là một đứa trẻ cần được yêu thương.
 

Những tin mới hơn:

Cứ giữ trong em niềm tin yêu
Bài giảng của Viện phụ Gregorio trong lễ giỗ mãn tang Cha Cố Salesio
... vô hạn trong mỗi phút giây

Những tin cũ hơn:

Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây