Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Thứ sáu - 29/03/2024
83 Đã xem
M. Augustino, O.Cist.
 
Trên hành trình bước theo chân Đức Giêsu Kitô, có lẽ mỗi người chúng ta cũng nên dừng chân đứng lại để suy nghĩ về hai cuộc đời trái ngược nhau của Phêrô và Giuđa tron đêm Đức Giêsu bị nộp cho thượng hội đồng xét xử. Giuđa, kẻ đã dám manh tâm bán Thầy mình với giá rẻ mạt; Phêrô cũng chẳng thua kém gì, khi chối Thầy mình tới ba lần một cách nhục nhã, hèn hạ. Cả hai ông đã đi đến tận cùng của sự phản bội. Nhưng đâu là điều làm cho Phêrô đứng lên sau vấp ngã và trở thành vị thánh Giáo hoàng tiên khởi, và vì sao Giuđa lại có kết cục kết thúc cuộc đời buồn đến thế?         

Một Phêrô ảo tưởng về sức mạnh của chính mình, ông hăng hái theo chân Đức Giêsu, và khi nghe tin Thầy mình sẽ lên Giêrusalem để chịu chết, ông là người đầu tiên can ngăn Thầy mình (x. Mt 16,21-23). Đức Giêsu đã cho ông biết, ông là một môn đệ chẳng hiểu biết gì về việc Thầy mình đang làm, nếu không muốn nói là“satan hãy lui ra đằng sau Thầy”. Cho dù thế nào ông vẫn nhất quyết theo Thầy mình đến cùng, đến nỗi ông có thể sẵn sàng chết cùng Thầy. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy sự quyết tâm, hăng hái, cùng sự chân thành qua cung cách ông nói chuyện với Thầy mình trước khi Đức Giêsu bị bắt đi.


Điều gì đến cũng đến, Đức Giêsu đã bị bắt đi và bị xét xử trước ánh mắt ngơ ngác và đầy thất vọng của Phêrô. Mặc dù đã được Thầy mình nhắc nhở “nội đêm nay gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (x. Mt 26,30-35), nhưng ông vẫn cứ chối Thầy một cách hèn hạ và nhục nhã trước những tên đầy tớ của thượng hội đồng hôm đó.

Trong khi đó, Giuđa là người đã lên kế hoạch bán Thầy mình từ trước. Mặc dù ông cũng được chính Đức Giêsu nhắc nhở “là có kẻ trong anh em sẽ nộp Thầy” (x. Mt 26,20-25),trong bữa ăn thân tình cuối cùng của thầy trò. Đức Giêsu đã nhìn Giuđa bằng một ánh mắt không trách móc nhưng đầy yêu thương và mong sao ông sẽ suy nghĩ lại về hành vi của mình. Nhưng Giuđa đã không bắt gặp được ánh mắt đó và đã ra đi trong đêm tối. Cái đêm tối của sự phản bội, giờ đây đã tràn ngập nơi tâm hồn Giuđa.

Đọc lại Tin Mừng Mátthêu 27, 3 – 5, chúng ta thấy một chi tiết rất quan trọng về con người và thái độ của Giuđa khi chứng kiến Thầy mình bị đem ra thượng hội đồng xét xử. Ông đã hối hận khi chứng kiến cảnh Thầy mình bị hành hạ và bị kết án tử hình. Ông đem ba mươi đồng bạc trả lại cho thượng tế và các kỳ mục và nói: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan"
 (Mt 27,4). Qua đây, chúng ta thấy ông là người đầu tiên, lập tức và duy nhất làm chứng về sự vô tội của Đức Giêsu. Ông sẵn sàng đánh đổi tất cả tính mạng về điều mà ông đang làm chứng, vì theo tập tục của  người Do Thái lúc bấy giờ, nếu ai dám vu khống cho một người nào đó không đúng sự thật mà nguời bị vu khống bị kết án tử thì chính người vu khống đó phải chị án tử thay nếu như thượng hội đồng xét xử lại. Hơn bao giờ hết, Giuđa hiểu được cái chết sẽ đến cho mình nếu đứng ra trước thượng hội đồng mà làm chứng cho sự vô tội của Đức Giêsu, nhưng ông vẫn can trường làm chứng cho sự vô tội của Thầy mình. Đây quả là một điểm son, một nhân đức anh hùng thật tuyệt vời nơi con người Giuđa. Nhưng thật trớ trêu thay, thượng hội đồng vẫn giữ nguyên bản án cho Đức Giêsu, và diễn tiến câu chuyện thật đáng buồn cho Giuđa: “Giuđa ném số bạc… đi thắt cổ”. Hết thật rồi Giuđa?

Đến đây chúng ta được mời gọi suy gẫm về ánh nhìn của Đức Giêsu, và ánh nhìn của cả Giuđa và Phêrô với Thầy mình trong dinh thượng hội đồng hôm đó?

Ánh nhìn của Đức Giêsu dành cho hai môn đệ phản bội là ánh mắt cảm thông cho thân phận yếu hèn của con người, một ánh mắt đầy tình thương mến. Phêrô sau khi đã bắt gặp được ánh mắt của Thầy mình quay lại nhìn ông. Ông đã cảm nhận được tình yêu thương nơi ánh mắt của một người tử tù dành cho mình, đã làm ông hối hận về hành vi trước đó của bản thân. Cũng như Phêrô, có lẽ ánh mắt của Đức Giêsu dành cho Giuđa còn ngọt ngào và đầy yêu thương hơn rất nhiều. Bởi vì, Người đã thấy Giuđa anh dũng thế nào khi làm chứng cho Thầy mình giữa một thượng hội đồng đầy quyền uy lúc bấy giờ.

Thật tiếc cho Giuđa, ông đã không bắt gặp ánh mắt đầy thương yêu của Đức Giêsu trong đêm ấy. Điều ông để ý là ánh mắt của những người xung quanh, và tất cả thượng hội đồng đang như thế nào?

Giêsu vẫn ngồi đó, vẫn dõi theo ông và mời gọi ông đừng để ý tới những ánh mắt của ai khác, nhưng hãy nhìn vào một thực tại là Thầy đang ngồi đây, đang yêu thương, đang mong ông một điều duy nhất là hãy quy chiếu tất cả về Thầy. Khi nhìn thấy được ánh mắt yêu thương của Thầy rồi, chắc hẳn ông sẽ biết mình phải làm gì. Một lần nữa, Giuđa đã không làm được điều đó, ông ra đi trong đêm tối với một cái chết dường như không còn đường giải thoát.


Hành trình dâng hiến của mỗi người chúng ta cũng thế thôi. Đã không ít lần chúng ta phản bội Chúa, phản bội cộng đoàn, phản bội anh em. Cũng giống như Giuđa, điều chúng ta nhìn xem bề trên đang nghĩ gì về mình; nhìn xem anh em có thái độ thế nào về mình, và dường như chúng ta quên mất rằng “Đức Giêsu đang nghĩ gì về mình”. Hoá ra ta lấy ngoại cảnh làm tâm điểm cho đời mình, trong khi trung tâm của đời dâng hiến là Đức Kitô. Ước mong rằng, sau mỗi lần phản bội, chúng ta dám can đảm đối diện với ánh nhìn của Đức Giêsu – người tử tù. Chính ánh nhìn đó chiếu rọi tâm can của mỗi người, để cho chúng ta dễ dàng thay đổi, và quay về với tình yêu của Người.
 

Những tin mới hơn:

Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
“…để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)

Những tin cũ hơn:

Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây