Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Thứ bảy - 11/11/2023
99 Đã xem

M. Anselmo, O.Cist.

Chương 10 Tin Mừng Luca nằm ở đầu phần thứ tư – phần nói về hành trình Đức Giêsu lên Giêrusalem. Để sai 72 môn đệ ra đi, tiến về cánh đồng truyền giáo, trước hết Người đã kêu gọi người môn đệ phải từ bỏ mọi sự, để có đủ khả năng đón nhận sứ mạng và những thách đố của Tin Mừng cứu độ. Và trong Nhóm Tin Mừng Nhất Lãm, chỉ có Tin Mừng theo thánh Luca ghi nhận lại việc Đức Giêsu sai thêm nhóm môn đệ đi rao giảng, hợp với ý hướng và độc giả mà thánh sử muốn nhắm đến; đó là cho một cộng đồng chủ yếu gồm các tín hữu gốc dân ngoại.

Hình ảnh nhóm 72 người làm chúng ta liên tưởng đến cuộc hành trình rời khỏi quê nhà của vị cha già Abram để đến một miền đất xa lạ; cuộc Xuất Hành của Dân Chúa dưới thời ông Môsê kèm theo đó là những chỉ thị mà ngày nay Dân Do Thái vẫn giữ khi tưởng niệm và ăn mừng biến cố Vượt Qua: “Lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã…” (Xh 12,11). Ngày nay, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ lên đường cùng với sự thanh thản và triệt để hơn về hình thức bên ngoài: Đừng mang theo túi tiền nghĩa là giàu sang, của cải và sự trao đổi những giá trị của thế gian; bao bị nghĩa là dự trữ điều gì đó cho bản thân, một sự hưởng lợi từ sứ mạng, sứ vụ; giày dép nghĩa là tìm lối đi riêng, tìm cách chạy trốn khỏi trách nhiệm đã thực sự nhận thấy trên đường đi. Ở đây, ta có thể thấy một nghịch lý của Tin Mừng, chuẩn bị cho một cuộc hành trình thì lại căn dặn người ra đi đừng mang theo gì và như thể là không mang theo được gì cả. Những lời căn dặn ấy là một lần nữa xác minh cho các môn đệ và cho chúng ta ngày hôm nay về việc từ bỏ mọi sự vì một mục đích tiên quyết: Tin Mừng Nước Trời.

Có lẽ ngày hôm ấy, lời sai đi của Đức Giêsu và những lời nhắc bảo một cách chân thành và thiết thực ấy đã như chuẩn bị cho các môn đệ một cuộc xuất hành mới.

Và điều này, trong thông Điệp Deus Caritas est (Thiên Chúa là Tình Yêu), Đức Cố Giáo hoàng Biển Đức XVI đã trình bày: “Cuộc xuất hành trường kỳ ra khỏi cái tôi bị khép kín để giải thoát nó qua sự hiến thân, và nhờ đó tiến về sự tìm lại bản thân, hay đúng hơn là sự khám phá Thiên Chúa” (số 06). Để trở nên một người rao giảng thực thụ, trước hết, họ phải là người có được kinh nghiệm khi chính bản thân được nội tâm hóa bởi Tin Mừng, phải là một người thực hiện cuộc xuất hành trong niềm tin mạnh mẽ và một tình yêu to lớn, luôn hoán cải và biến đổi, luôn luôn tiến bước và được tái sinh mỗi ngày. Điều này, Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi đó là một năng động vượt qua.[1]

Năng động này là điều mà Đức Giêsu muốn gửi gắm đến các môn đệ và cho chúng ta ngày hôm nay, những chiên con tiến vào giữa bầy sói.

Không cần thiết và sẽ rất vô bổ khi chúng ta suy tư về việc: làm sao chiên có thể hòa nhập và cảm hóa bầy sói, cũng không kêu gọi chiên hãy có những tập tính của sói để ứng phó. Và chúng ta cũng có thể hiểu ngay vấn đề đó là chiên chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, và nếu như thế, liệu còn ai muốn dấn thân?

Tầng sâu ý nghĩa không phải là đặt ra sự nguy hiểm và chú tâm vào đó để tự nhận lấy một năng lượng tiêu cực. Nhưng hình ảnh đó được đặt ra là để chúng ta nhìn vào trong chính sự yếu đuối của mình. Chỉ khi nào ta biết mình, nhìn thấy chính bản thân mình, không chối cãi, không chạy trốn sự sợ hãi và tội lỗi cố thủ, nhìn nhận rằng mình rất cần ơn trợ lực từ Chúa, kiêng cường đón nhận những hy sinh, những khó khăn, lúc đó ta mới được chữa lành, mới được tiếp tục nung nấu sứ mạng ra đi đến với người khác. Bằng không ta sẽ bị sói dữ là chính sự tăm tối, lầm lạc xé nát.

Vậy, hành trình của người môn đệ sống đời chiêm niệm không gì khác hơn là tìm Chúa, làm đẹp lòng chỉ một mình Chúa, đồng thời,  nhìn thấy sứ mạng của mình qua những lời kinh nguyện hằng ngày. Lên đường mỗi ngày trong lời kinh nguyện để thấy rằng ta là chiên con và xác định mình đang ở giữa bầy sói ngay trong chính nội tâm. Chúng ta có thể nắm chắc điều này qua lời dạy của thánh giáo phụ Athanasio qua thư gửi Marcelino, sách các Thánh Vịnh có thể dạy chúng ta biết về chính mình. Ngài viết : “Bạn nhận ra những chuyển động trong tâm hồn bạn, tất cả những thay đổi, những tiến bộ và thụt lùi, những thất bại và thành công”.[2] Và cũng với tinh thần của thánh giáo phụ, đan sĩ linh mục Thomas Merton quảng diễn thêm rằng: Tất cả các “Thánh vịnh về chiến đấu” đều được hiểu là đề cập đến cuộc chiến nội tâm chống lại các đam mê và ma quỷ.[3]

Với đôi bàn tay trắng đi vào thế gian, những nguy hiểm của các hệ tư tưởng, của vũ lực, bách hại, tục hóa, chúng ta đi vào thế giới này bằng gì? Thưa, chỉ có con tim chất chứa bình an, con tim mang trong đó đầy ắp niềm hy vọng. Từ đó, những môn đệ có thể bước vào thực tại của cánh đồng đã đến vụ mùa, và trở thành những thợ gặp nhiệt thành cho Giáo hội.

Để ra đi và mang bình an đến cho những con cái của sự bình an thì người ra đi phải thanh thoát với mọi sự của thế gian. Lý tưởng và bài học là như thế, nhưng đối với những nhà truyền giáo đó quả là một sự hy sinh lớn lao, buộc phải rời bỏ những gì là tiện nghi, êm ấm để bước đến vùng xa xôi của tinh thần và không gian, bước ra khỏi chính mình để đến với tha nhân bằng một hồn tông đồ mới, đi vào một mùa xuân mới của Tin Mừng.

         Hôm nay, lời mời gọi ra đi được gửi tới chúng ta qua con số 72, con số nói về tất cả. Lời mời gọi sống chứng tá trong cách sống, cách đón nhận và thực thi những ân sủng mà Chúa đã thương ban. Để hiểu rõ về nhiệm vụ cao quý này, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời những lời dạy bảo chân thành và tha thiết mà thánh Phaolô đã gửi cho người con yêu quý của mình là thánh Timotheo:

“Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ. Ðừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy” (1Tm 4,12-16).
 

[1] PHANXICÔ, Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi 26.04.2015.
[2] St. ANTHANASIUS, Ep. Ad Marcellinus.
[3] THOMAS MERTON, Contemplative Prayer, introductions.
 

Những tin mới hơn:

Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Canh thức với Chúa
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Đi để trở về (2023)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Ngưỡng cửa Xuân
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)

Những tin cũ hơn:

Lễ Các Thánh - ngày của hy vọng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây