M. Anthony, O.Cist.
Đứa bé gái tươi cười trong bộ đồng phục học sinh, miệng há lớn để mẹ em đút cho muỗng cơm còn nóng hổi, chắc là mẹ em mới vừa mua. Hai mẹ con cùng ăn chung một hộp trên vỉa hè, vốn là một cái gờ bằng bê tông chạy dọc theo con kênh. Mẹ ăn, rồi mẹ lại đút cho em ăn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, hai mẹ con cứ cùng nhau chia sẻ những giây phút riêng tư hạnh phúc giữa dòng người qua lại.
Em chừng sáu hoặc bảy tuổi, hơi gầy, da rám nắng. Ngày ngày, em và mẹ vẫn hay ngồi bên vệ đường để bán vé số, trên con đường tôi chạy xe đi học. Khúc cua nơi mẹ con em ngồi luôn đập vào mắt tôi mỗi khi tôi ngang qua. Mẹ em vẫy vẫy cọc vé số trên tay, mong cho có ai đó ủng hộ. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa gió hay những buổi nắng đến cháy da cháy thịt. Có những ngày nắng đến điên đầu, tôi chỉ muốn đi thật nhanh để tránh cái nắng như thiêu như đốt của mặt trời, mà mẹ con em vẫn cứ ngồi đấy chịu đựng. Mẹ em tranh thủ bán, tới giờ lại dẫn em đến trường. Rồi khi em tan lớp, mẹ lại đến đón em. Hai mẹ con cứ thế đi bộ bên cung đường quen thuộc. Có lẽ trường em học gần đấy. Mẹ em vẫn thế, một tay vẫy vẫy cọc vé số, một tay dắt em đi dọc con đường. Em tung tăng nhảy chân sáo, miệng không tắt nụ cười.
Em còn nhỏ lắm. Chiếc váy màu trắng và xanh và chiếc khăn quàng đỏ của học sinh tiểu học cứ phất phới theo nụ cười và bước chân nhảy nhót của em. Em chưa đủ lớn để biết được rằng có lẽ cuộc sống này đã quá khắc nghiệt với em, với mẹ em, cũng như với biết bao thân phận cùng khổ ngoài kia. Thế giới trong mắt em vẫn còn hồn nhiên lắm.
Nhưng vẫn có những thứ cuộc đời không thể tước đoạt khỏi em. Tuy em nghèo, và thiếu thốn, nhưng chắc chắn em không thiếu tình thương thông thái của mẹ. Tôi cảm phục người mẹ ấy, vì dù rằng có thiếu thốn thế nào đi chăng nữa, vẫn biết lao động chân chính và cho em đi học. Mẹ không bắt em phải ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, không nhỏ dầu gió vào mắt em để đổi lấy lòng thương hại của người đời. Bán vé là phần của mẹ, em thì chỉ ngồi đó lật những trang sách tinh khôi. Mẹ vẫn chọn đầu tư cho tương lai của em ở mái trường. Mẹ không muốn cuộc đời em cũng phải tối tăm như cuộc đời của mẹ. Mọi khó khăn xin dừng lại ở phận người của mẹ, xin đừng tìm đến cuộc đời em. Tôi gọi tình thương của mẹ em là tình thương thông thái, bởi chắc chắn rằng, con đường em đi là cả một niềm tin to lớn cũng như một niềm hy vọng lớn lao của mẹ, rằng mọi con đường thoát nghèo đều xuất phát từ trường học; mọi ước mơ đều được chấp cánh từ mái trường.
Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé lại để mua vé số giúp mẹ em, và gửi cho em chút ít làm quà cho những bước chân đến lớp. Mẹ em cũng quen mặt tôi rồi, nên tôi đưa tiền thừa thì cũng không cần thối lại. Ít thôi, chẳng thấm vào đâu. Em thông cảm nhé. Tôi cũng nghèo như em vậy, chỉ có vài đồng trong người để đổ xăng và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng khác. Là tu sĩ mà, tôi không biết phải làm gì để giúp mẹ con em. Tôi chỉ có thể dâng lên Chúa lời nguyện cầu ước mong cho hai mẹ con em những gì tốt đẹp nhất. Tôi tin Chúa sẽ có cách để giúp em, giúp mẹ em, và giúp cả tôi nữa. Người yêu thương tất cả chúng ta mà.
Và rồi tôi chuyển cộng đoàn, không còn đi học trên cung đường mẹ con em hay ngồi nữa. Tôi không biết bây giờ mẹ con em ra sao. Nhưng có một điều chắc chắn là tôi vẫn cầu nguyện cho mẹ con em cũng như biết bao con người khác.
Vậy thì em ơi, cứ giữ trong em niềm tin yêu và ánh mắt chan chứa niềm hy vọng. Mẹ em đã làm những gì tốt nhất cho em rồi. Phần em, hãy cứ vui và học thật tốt nhé. Và nếu như một ngày nào đó em lớn lên, đủ trí khôn để biết rằng mẹ em đã hy sinh và yêu thương em như thế nào, đủ ý thức được rằng hoàn cảnh nghèo khó cũng không thể nào ngăn cản được ý chí của em, anh mong em kiên trì học tập và giữ được tâm hồn trắng trong, như đứa bé anh thường gặp trên con đường anh đi học, em nhé!
____________________
Nhiều lần tôi tính chụp hình mẹ con em lại, nhưng tôi tôn trọng sự riêng tư của hai mẹ con. Nên tôi đành mượn một hình ảnh khác để minh hoạ cho bài viết này. Xin thánh Antôn, đấng bầu cử cho những người nghèo khổ, nhớ đến mẹ con em.