Trang chủ NGHIÊN CỨU
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Thứ tư - 14/08/2024
1483 Đã xem
M. Anselmo, O.Cist.

Trong đêm trước ngày chịu khổ hình thập giá, Đức Giêsu đã đồng bàn với các môn đệ trong lễ Vượt Qua. Đêm ấy, đêm cuối cùng, đêm tình thâm, đêm của những tâm hồn xao xuyến, đêm của yêu thương. Sau khi thực hiện hành động rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu nói về việc người sẽ ra đi, Người ra đi và trở về cùng Chúa Cha. Trong nhóm, Tôma hỏi Đức Giêsu về con đường Người sẽ đi. Đức Giêsu trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.”[1] Và khởi đi từ đó, ta có thể biết được rằng: tất cả những con đường đưa tới sự thiện hảo đều phải đi trên chính con đường mà Đức Giêsu đã đi[2], đó là chính Người. Trên con đường ấy, ta không phải là kẻ độc bước, nhưng là được mời gọi đi cùng nhau. Bởi vì tình yêu ơn cứu độ dành cho hết thảy mọi người. Vì vậy, ta có thể nói, con đường mang tên là Giêsu ấy chính là con đường của tình huynh đệ.
 
1. Thăng tiến thiêng liêng:
 
“…kỳ diệu biết bao cái kinh nghiệm ‘xuất thần ngây ngất’…”
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông Huấn Christus Vivit, đã chỉ cho ta thấy một tiến trình thiêng liêng để đi trên con đường của tình huynh đệ. Ngài chỉ cho ta bước đầu tiên của những ai muốn dấn thân là việc thăng tiến đời sống thiêng liêng và ngài gọi đó là “xuất thần”. Việc “xuất thần” này là một kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa và gặp lại chính mình để cảm nhận được vẻ đẹp và tình yêu của Thiên Chúa.[3]

Vậy “xuất thần” nghĩa là gì?

Xuất thần có tiếng gốc Hy Lạp là ekstasis, có nghĩa là đứng ra ngoài mình. Xuất thần là việc một người ở trong trạng thái như thể tinh thần ra khỏi thể xác, có một cảm nghiệm mãnh liệt đến nỗi ý thức cảm giác dường như bị tạm ngưng. Xuất thần thường kèm theo một sự hiểu biết và những hiện tượng thể lý khác nhau. Xuất thần có thể là xảy ra đột xuất hoặc là sau một thời gian chiêm niệm, chay tịnh lâu dài.Khoa thần bí Kitô giáo coi xuất thần là việc linh hồn được nâng lên kết hiệp với Thiên Chúa, đến độ không ý thức những gì xảy ra chung quanh. Đây là một ơn ngoại thường, không phải là mục đích của cầu nguyện và đời sống thiêng liêng.Và việc xuất thần này chỉ xảy ra nơi những người lành mạnh, thánh thiện, cũng như mang lại hoa trái thiêng liêng và bác ái phục vụ.[4]

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha còn chỉ cho ta thấy rằng việc xuất thần không chỉ dừng lại ở việc ta vươn tới Chúa khi ra khỏi con người của mình, nhưng còn là việc ta có thể bước ra khỏi cái tôi hạn hẹp của mình để nhìn thấy vẻ đẹp nơi phẩm giá của tha nhân trong tư cách là hình ảnh của Thiên Chúa và là con cái của Cha trên trời.[5]

Việc ta xuất thần, đó chính là công trình của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Đấng muốn thúc đẩy ra khỏi chính mình. Khi ra khỏi chính mình thì không phải là ta từ đấy sẽ thoát ly khỏi cái thân xác thể lý phải chết nhưng là để ta “đứng” ở một vị trí thánh thiêng trong ân sủng. Và chính nơi đó, ta có thể nhìn thấy chính mình, nhìn thấy con tim của mình đang có những thổn thức nào đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, đón nhận tha nhân trong yêu thương và mưu cầu thiện ích cho họ.

Để soi sáng cho ý tưởng “xuất thần” ấy, ta có thể ôn lại kỷ niệm nơi nhà Tiệc Ly năm xưa. Đêm ấy, Đức Giêsu đã nên gương cho ta vì người đã chọn và bước đi trên con đường của tình huynh đệ ngang qua những hành động lạ thường như một sự xuất thần, để dành cho các môn đệ một tình yêu thương khôn cùng:
Tin Mừng Gioan 13,4-5 thuật lại việc rửa chân với những hành động sau:

 
1. Người cởi áo ngoài: (dịch sát: bỏ xuống): Đức Giêsu cởi bỏ cương vị, trút bỏ vinh quang Thiên Chúa của mình hay còn có nghĩa là người từ bỏ mạng sống vì tình thương dành cho các môn đệ, dành cho chúng ta.

2. Cúi xuống: đây là hình ảnh Đức Giêsu thể hiện sự hạ mình thẳm sâu của một vị Thiên Chúa đã cúi xuống cuộc đời của ta và nâng ta lên với Thiên Chúa. Người nêu gương khiêm hạ để ta, một khi phục vụ, thì hãy làm như Người đã làm.

3. Khăn thắt lưng: khi chuẩn bị rửa chân cho các môn đệ người đã thắt chiếc khăn ấy và cho đến khi mặc lại áo ngoài, chiếc khăn dường như vẫn không được mở ra. Có lẽ với hành động nhỏ ấy, Đức Giêsu cũng cho ta thấy là dù đã trở về địa vị làm Thầy nhưng vẫn sẵn sàng phục vụ, và Người muốn dạy ta bài học về việc hãy luôn luôn sẵn sàng để phục vụ anh em mình.

4. Rửa chân: đây là hành động không có trong tuần tự của nghi lễ của bữa ăn Vượt Qua, như một sự ngoại thường mà chỉ có Đức Giêsu mới có thể thực hiện được điều ấy. Và điều Người muốn mời gọi đó chính là hãy sống cung cách phục vụ ở mọi lúc mọi nơi, vượt qua những trở ngại trong đời sống. Như vậy, các môn đệ cũng được mời gọi phục vụ lẫn nhau cho đến mức phải từ bỏ mạng sống, ban tặng mạng sống mình cho anh em ngang qua bài học rửa chân mang tính biểu tượng của Thầy Giêsu.

Cho nên, khi ta chiêm ngắm hình ảnh của Đức Giêsu là Chúa và là Thầy thực hiện những hành động lạ thường trong lễ Vượt Qua, ta có thể nhìn thấy việc “xuất thần” mà Đức Thánh Cha mời gọi, đó là: “Sự trưởng thành tâm linh của các con được diễn tả trước hết qua sự trưởng thành trong tình yêu thương xót, quảng đại và huynh đệ […] Kỳ diệu biết bao kinh nghiệm “xuất thần ngây ngất” này khi ra khỏi chính mình và tìm kiếm điều thiện hảo cho người khác, ngay cả dù phải hiến mạng sống mình.

Quả vậy, Đức Giêsu, khi thánh sử Gioan mô tả những hành động như mộtsự xuất thần của Người, đã chỉ cho ta thấy con đường thiện hảo đó chính là được thông phần với Người[6] trong mầu nhiệm Cứu Độ.Thiết nghĩ, đời sống thiêng liêng của ta cũng thế, để bước đi những đước chân trên con đường vạn dặm của tình huynh đệ này, trước hết hãy làm một cuộc nội tâm hóa, không chỉ một lần nhưng là cuộc đi ra khỏi mình mỗi ngày để nhìn lại, để thấy rằng ta luôn cần có Chúa bên đỡ, cần có anh em đồng hành. Nhờ đó, ta có cơ hội hoán cải và trưởng thành mỗi ngày một hơn.

2. Những tổn thương
 
“…các con hãy yêu thương người ấy bất chấp sự yếu đuối của họ, vì nơi người đó các con thấy hình ảnh của Thiên Chúa.”
Hành trình trên con đường mang tên là tình huynh đệ ấy không phải lúc nào cũng êm đẹp, cũng hạnh phúc, cũng bình an. Bởi vì có những lúc sẽ nảy sinh những đổ vỡ, những bất hòa. Đó là những lúc ta tưởng rằng ý của ta là thuận, ý của người là nghịch. Đó là lúc ta thiết tưởng lòng nhiệt thành của ta có thể xây dựng cho người khác những hành trình mới mẻ, những bước tiến vững vàng, nhưng nào ngờ, chính ta là nguyên nhân của sự chùng bước nơi người anh em bên cạnh. Đó là lúc ta nhiệt thành với các tâm hồn và những muốn sống cho sự thật nhưng ta lại thiếu cảm thông với những yếu đuối của anh em, và thay vì ta tìm cách vực dậy bước chân mỏi mệt ấy thì ta lại làm cho người anh em bỏ cuộc, không còn muốn tiến đức.

Và cuối cùng, ta cảm thấy chán nản, ta bỏ cuộc và rồi ta trở về với chính mình và thổi phồng cái tôi đang bừng bừng lửa hận. Bởi chính sự nhiệt thành thái quá đã phá vỡ những gì tốt đẹp nhất. Đức Thánh Cha cũng đã trích dẫn lời nói của các Giám mục ở Rwanda như sau: “ Để hòa giải với một người, trước hết bạn phải nhìn thấy điều tốt lành nơi người ấy, điều tốt lành mà Thiên Chúa nhắm khi tạo nên người ấy…Điều này đòi hỏi phải cố gắng để phân biệt giữa điều xúc phạm và người xúc phạm; nghĩa là các con ghét sự xúc phạm mà người đó đã gây ra, nhưng các con yêu thương người đó bất chấp sự yếu đuối của họ, vì nơi người đó các con thấy hình ảnh của Thiên Chúa.”[7]

Quả là thật khó khi mang tình yêu thương dành cho những người luôn mắc phải những yếu đuối cố hữu, những thói xấu mà không chịu hoán cải. Đó cũng chính là lúc ta mất đi tinh thần quảng đại, một con tim rộng mở để đón nhận họ, là lúc ta thiếu hoặc chưa trưởng thành thiêng liêng. Việc xây dựng một tình yêu phủ lấp cả những yếu đuối ấy không phải chỉ dựa vào sức riêng của ta, nhưng ta phải xây dựng con đường đến với tha nhân nhờ ơn thánh hóa và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

 
3. Những ước mơ:
 
Trên hành trình nơi con đường của tình huynh đệ, niềm hạnh phúc thật đó chính là chia sẻ với nhau những ước mơ, những lý tưởng và cả niềm hy vọng. Bởi khi cùng đi trên con đường này thì trong niềm tin, chúng ta cùng đang chia sẻ với nhau con đường hy vọng để tiến về quê hương vĩnh cửu. Những ước mơ chính là một phần của nguồn năng lượng tạo nên sức sống cho tuổi trẻ. Những cám dỗ có thể đánh cắp nguồn năng lượng ấy trong ta. Cám dỗ đều xoáy vào trong cái tôi, một thứ căn cốt để hình thành những điều rất riêng nơi con người ta.

Trong mối dây hiệp thông huynh đệ, ta sẽ cũng có cùng một ước mơ với nhau nằm trong một ước mơ cao cả nhất, đó chính là ước mơ của Đức Giêsu khi người truyền cho các môn đệ và cho chính chúng ta điều răn tuyệt hảo: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”[8]và một kim chỉ nam sống trọn vẹn tình bác ái: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.”[9]

 
4. Nhìn ra vẻ đẹp nơi tha nhân:
 
Trên những chặng đường của tình huynh đệ, vì được mời gọi tiến bước cùng nhau một cách mật thiết và bền bỉ, nên ta phải nhìn ra được vẻ đẹp nơi tha nhân. Vì vẻ đẹp của tha nhân xuất phát từ Thiên Chúa và tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Dẫu biết rằng, con người khi được dựng nên vẫn còn đó những giới hạn, những khiếm khuyết nhưng tình yêu Thiên Chúa được thể hiện một cách mầu nhiệm. Thế nhưng, ta phải làm gì để nhìn ngắm được Thiên Chúa nơi tha nhân?

Điều kiện đầu tiên ta phải có là đôi mắt. Từ đôi mắt thể lý để đưa đến đôi mắt thiêng liêng. Và để có thể sử dụng được đôi mắt lành thánh ấy ta phải nhìn mọi người, mọi sự với cái nhìn bao dung và vị tha, cái nhìn của lòng trắc ẩn. Nếu ta cứ mãi xét nét người khác trong ánh nhìn của mình thì ta sẽ không bao giờ cho tha nhân một cơ hội thay đổi, một cơ hội để thực hiện cuộc trở về. Như thế, ta sẽ làm cho vẻ đẹp của tha nhân dần bị phủ mờ do những định kiến thiển cận, chủ quan của ta; và con đường lữ hành ấy ta đã loại đi tình huynh đệ chân thành, ta trở thành kẻ bước đi trong sự cô độc. Vậy ta hãy khỏi đi từ kinh nghiệm “xuất thần” sẽ giúp ta nhìn thấy nơi tha nhân vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa là chính Thiên Chúa – Đấng cũng đã đặt để trong mỗi người chúng ta một vẻ đẹp phổ quát nhưng cũng có nét riêng biệt.

Khi đôi mắt đã nhìn thấy, đó cũng là lúc ta được mời gọi hãy có con tim nhạy bén, đôi tay nhân từ, rộng mở và đôi tai đón nhận những sẻ chia, những tâm tư. Có như thế, từ những gì mang tính thể lý, ta có thể giúp được anh em, chị em tìm lại được đôi mắt rạng ngời của thiên đàng, của niềm vui ơn cứu độ, của sự hiệp thông của những người con của Thiên Chúa. Từ đó, ta sẽ không còn lẻ loi cô độc trên những dặm hành hương, những dặm đường của tình huynh đệ cao quý.

 
5. Kết luận:
“Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; còn nếu muốn đi xa, bạn hãy đi với người khác.”[10]
Để có thể bước đi vững chãi trên con đường thiêng liêng đậm tình huynh đệ, ta cần phải rèn luyện không ngừng. Ta hãy cố gắng nhìn ra đâu là những điều cần thực hiện để có được một hướng đi đúng đắn, lành thánh cho tình huynh đệ trong Đức Kitô, còn những mối nguy hiểm và những ngăn trở cho những bước tiến huynh đệ thì ta phải hết sức thận trọng. Có như thế tha nhân và ta mới có thể nhìn thấy điểm đến cuối cùng trong niềm tin và hy vọng. Vậy, con đường của tình huynh đệ không gì khác hơn đó là con đường mà ta khao khát sống cho người khác trong sự duy trì hợp nhất với một tinh thần khiêm nhường. Ta có thể học lấy cách thức bước đi bằng những lời khuyên nhủ của thánh Phaolô trong bài ca: Đức Kitô – tôi trung của Thiên Chúa, như sau:

“…Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như Đức Kitô Giêsu.
Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết
chết trên cây thập tự.”[11]

Vậy, ngay hôm nay, chúng ta hãy cùng với Đức Giêsu bước đi trên con đường của tình huynh đệ với người anh em đang chia sẻ cuộc sống này với chúng ta. Hãy cùng nhau tham dự vào niềm vui hiệp thông huynh đệ để tình yêu Thiên Chúa lan tỏa với một lòng mến mạnh mẽ và nồng nàn. Và luôn nhớ rằng: “Chúng ta đừng để mình bị đánh cắp tình huynh đệ”[12].
 

[1] Ga 14,6.
[2] x. 1Ga 2,6.
[3]ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Christus Vivit, số 164.
[4] HĐGM VIỆT NAM, Từ điển Công giáo, Nxb. Tôn Giáo, 2016, tr. 985-986.
[5] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Christus Vivit, số 164.
 
[6] x. Ga 13,8.
[7] ĐGH PHANXICÔ, Christus vivit, số 165.
[8] Ga 15,17.
[9] Ga 15,13
[10]Ngạn ngữ Châu Phi.
[11] Pl 2,4-8.
[12] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Christus vivit, số 167.

Những tin mới hơn:

Giúp đọc Thông điệp LABOREM EXERCENS
Lao động, thiện ích cho người nghèo

Những tin cũ hơn:

Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây