Trang chủ NGHIÊN CỨU
Tinh thần “quân bình” trong Tu luật thánh Biển Đức
Tinh thần “quân bình” trong Tu luật thánh Biển Đức
Thứ hai - 23/10/2023
326 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.

Ra đời vào thế kỷ thứ VI, Tu luật của thánh Biển Đức dần ảnh hưởng đến đời sống của toàn châu Âu bởi sự lớn mạnh của tu trào đan tu Biển Đức trong suốt nhiều thế kỷ sau đó. Một trong những lý do khiến bộ Tu luật này có sức ảnh hưởng lớn chính là nhờ tinh thần quân bình của nó. Bài viết này tập trung làm sáng tỏ tinh thần quân bình ấy.

Thánh Biển Đức khởi sự tu trào đan tu Biển Đức tại Monte Cassino vào năm 530, mở đường cho sự lớn mạnh và lan rộng khắp lãnh thổ châu Âu với việc hàng ngàn đan viện mới được thiết lập trong suốt chiều dài lịch sử linh đạo. Biết trước được những khó khăn mà các đan sĩ sau này phải đối diện khi trung thành với linh đạo đan tu, bằng những kinh nghiệm thiêng liêng tích luỹ được trong suốt hành trình phụng sự Chúa, vào cuối đời, thánh Biển Đức đã viết bộ Tu luật thời danh, hay còn được gọi là Luật Đan sĩ, để hướng dẫn các đan sĩ đi đúng con đường mà thánh nhân đã vạch ra. Với lối sống đặc thù của đời chiêm niệm, các đan sĩ sống trong một môi trường dường như khép kín, nơi hằng ngày họ cầu nguyện, lao động và sống đời cộng tu huynh đệ trong thinh lặng. Do đó, cần thiết phải có một sự quân bình trong cả tư tưởng và hành động để giúp các đan sĩ có thể tìm thấy được bình an trong từng ngày sống của mình. Tu luật của thánh Biển Đức chính là kim chỉ nam để có thể đạt được sự quân bình ấy.

Thứ nhất, Tu luật Biển Đức đã nêu rõ tinh thần của thánh sáng lập về một đời sống quân bình trong việc cầu nguyện. Trái với những suy nghĩ thông thường về đời chiêm niệm, rằng các đan sĩ dường như phải cầu nguyện lâu giờ, liên lỉ, đọc hết kinh này đến kinh khác để có sự sốt sắng, thánh Biển Đức nhận thấy điều ấy không hẳn phù hợp cho đường thiêng liêng. Thánh nhân quy định rõ, “lời cầu nguyện phải ngắn gọn và tinh tuyền, trừ khi được ơn Chúa thúc đẩy mà kéo dài thêm, […], trong cộng đoàn, kinh nguyện phải vắn tắt” (TL[1] 20,4-5). Ngoài ra, ý thức được tầm quan trọng của các giờ kinh, thánh Biển Đức mong muốn các môn đệ của mình phải bỏ ngay những dụng cụ lao động đang cầm trong tay để có thể đến tham dự giờ kinh khi nghe chuông báo (x. TL 43,1). Tuy nhiên, để tránh tình trạng đan sĩ phải mang tâm thế vội vã, mất bình an, mà tuỳ vào hoàn cảnh như nơi làm việc xa nhà nguyện, hay như tính cấp thiết của công việc, thánh nhân cho phép các đan sĩ “lấy lòng kính sợ Chúa mà quỳ xuống tại nơi làm việc để cử hành phụng vụ giờ kinh” (TL 50,3). Cũng thế, tuy có vẻ khắt khe trong việc quy định những kinh cần đọc trong các giờ phụng vụ, thánh Biển Đức vẫn dành cho bề trên đặc quyền được tuỳ ý định đoạt sao cho phù hợp với hoàn cảnh của cộng đoàn (x. TL 11,6).

Thứ hai, tinh thần quân bình cũng được tìm thấy trong những giáo huấn của thánh Biển Đức về việc lao động tay chân trong đan viện. Có thể thấy rõ điều này qua việc thánh nhân không miễn trừ cho ai việc lao động chân tay, bởi vì ngài quan niệm rằng “ở nhưng là thù địch của linh hồn” (TL 48,1). Ngài quy định: “Không ai được miễn trừ công tác làm bếp” (TL 35,1). Ngoài ra, trong những công việc tay chân nặng nhọc khác, thánh Biển Đức luôn quan tâm đến việc xét định công việc để phù hợp với thể trạng của mỗi người. Ngài khuyên nhủ các đan sĩ rằng không nên ham chuộng lao động quá mức, nhưng “trong mọi sự phải giữ chừng mực, vì còn có những anh em yếu sức” (TL 48,9). Kế đến, để tránh tình trạng những anh em thạo nghề trở nên kiêu căng, tự mãn, thánh nhân quy định rằng “nếu ai trong họ kiêu căng, cậy mình biết nghề, tưởng mình làm lợi cho đan viện, người ấy sẽ bị ngưng việc, không được làm nữa, trừ khi đã khiêm tốn và viện phụ bảo làm lại” (TL 57,2-3).

Cuối cùng, tinh thần quân bình cũng được khắc hoạ một cách rõ nét trong Tu luật thánh Biển Đức về đời sống huynh đệ trong cộng đoàn đan viện. Thật vậy, thánh Biển Đức tuy đã thiết định một nếp sống trật tự và quy củ trong đời đan tu, nhưng ngài vẫn cho viện phụ quyền được thích ứng với hoàn cảnh của địa phương mà điều hành đan viện trong các việc phụng vụ, sinh hoạt, học tập (x. TL 11,6; 22,1; 24,1; 25,5). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa viện phụ có thể làm mọi việc tuỳ ý, vì chính ngài sẽ chịu tra vấn của Chúa trong ngày phán xét (x. TL 2,6), và “khi khuyên người khác tu sửa, thì chính ngài cũng phải biết tự sửa mình” (TL 2,40). Mặc dù nhìn bề ngoài, đời đan tu có vẻ khắc khổ và được quy định nghiêm ngặt, nhưng thánh Biển Đức vẫn duy trì một sự quân bình trong nếp sống ấy. Có thể xét thấy điều ấy trong những ví dụ sau đây. Về việc cấp phát nhu yếu phẩm, thánh Biển Đức quy định mỗi người sẽ được cấp phát theo nhu cầu (x. TL 34,1). Trong suốt cuộc đời tại đan viện, đan sĩ phải kiêng thịt, nhưng thánh Biển Đức vẫn cho phép những anh em đau ốm được dùng thịt để mau bình phục (x. TL 36,9). Trong mùa Chay, sợ rằng anh em đọc sách nhà cơm có thể mệt mỏi vì đã giữ chay rước lễ, thánh Biển Đức cho phép họ được ăn chút gì đó trước khi đọc sách (x. TL 38,9). Cũng thế, phân lượng thức ăn là tuỳ vào nhu cầu của mỗi người (x. TL 40,1-3; 40,5) và giờ giấc bữa ăn có thể linh động thay đổi (x. TL 41,4). Việc cấp phát y phục cũng tuỳ vào thời tiết tại địa phương mà phân lượng (x. TL 55,1-2). Tinh thần quân bình còn được thể hiện qua việc sắp xếp thứ tự trong đan viện từ ngày vào dòng, rước lễ, chỗ ngồi trong ca toà và nhà cơm (x. TL 63,4) hầu có thể đem lại trật tự và bình an trong đan viện.

Như thế, bên cạnh những đặc nét nổi bật như việc thánh Biển Đức dùng ngôn ngữ bình dân để viết Tu luật, nền tảng của Tu luật được xây dựng vững chắc trên Kinh Thánh, sự thân tình trong ngôn ngữ như một người cha, tinh thần quân bình có thể được xem như một điểm son của Tu luật thánh Biển Đức. Chính nhờ sự quân bình ấy mà ngoài việc các đan sĩ được đào luyện một cách bài bản từ ngoài thể xác lẫn trong tâm hồn, Tu luật của thánh Biển Đức còn có sức lan toả rộng khắp bởi giá trị của tinh thần quân bình ấy luôn mang tính thực tiễn, phù hợp với mọi nơi và mọi thời.

Tóm lại, Tu luật thánh Biển Đức đã thành công trong việc lưu truyền những giá trị tinh tuyền của linh đạo đan tu chiêm niệm, và xét trên nhiều khía cạnh, bản luật này, tuy được viết từ rất lâu, nhưng vẫn còn phù hợp với con người ngày nay. Tất cả là bởi chính tinh thần quân bình được thánh Biển Đức hun đúc trong từng chương, từng câu của Tu luật. Và với tinh thần quân bình ấy, Tu luật Biển Đức vẫn sẽ còn phù hợp để đồng hành với các môn sinh trong linh đạo đan tu chiêm niệm với phương châm “Cầu nguyện và Lao động” trong thời đại kỹ thuật số này.
 

[1] TL: Tu luật
 

Những tin mới hơn:

Sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17)
Jesus is a true man
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II

Những tin cũ hơn:

Cha Tổ phụ Henri Denis và nếp sống đan tu theo truyền thống gia đình Việt
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây