Sự sống đời đời: Niềm hy vọng Kitô giáo trong hành trình đức tin
Sự sống đời đời: Niềm hy vọng Kitô giáo trong hành trình đức tin
Thứ bảy - 18/01/2025
250 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
Đức cậy trong Kitô giáo là một trong ba nhân đức đối thần, bên cạnh đức tin và đức ái, đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin (x. 1 Cr 13,13; 1 Tx 1,3). Vai trò ấy không gì khác hơn ngoài việc đức cậy mang đến cho con người những niềm hy vọng, không chỉ về một tương lai tốt đẹp mà còn là niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa về một sự sống đời đời (x. GLCG 1817). Trong sự sống ấy, con người được hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Sắc chỉ Spes Non Confundit (SNC) (Hy Vọng Không Làm Thất Vọng) được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố chiều ngày 09/05/2024 như một Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, là một tài liệu quan trọng trong việc củng cố niềm hy vọng Kitô giáo trong hành trình đức tin của Kitô hữu. Qua sắc chỉ này, Kitô hữu được mời gọi suy ngẫm về ý nghĩa của niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu, và làm thế nào niềm hy vọng đó dẫn dắt họ trong hành trình đức tin. Để có được cái nhìn chi tiết hơn về niềm hy vọng vào sự sống đời đời theo ánh sáng của Sắc chỉ Spes Non Confundit, bài viết này sẽ triển khai ba luận điểm chính: (1) Hy vọng Kitô giáo là hy vọng vào sự sống đời đời; (2) Sự sống đời đời là đích đến của hành trình đức tin Kitô hữu; (3) Hy vọng về sự sống đời đời mang lại sức mạnh và ý nghĩa trong đời sống hằng ngày.
1. Hy vọng Kitô giáo là hy vọng vào sự sống đời đời
Sắc chỉ SNC mở đầu bằng một tuyên bố mang tính phổ quát: “Mọi người đều hy vọng” (SNC, số 1). Niềm hy vọng phổ quát ấy, được SNC định nghĩa là những nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp xảy đến, dẫu rằng con người không biết trước được những điều sẽ xảy ra cho tương lai của mình (x. SNC, số 1). Nói cách khác, tự trong tâm khảm, con người luôn mong ước cho mình những gì tốt đẹp, mà với số đông, đó có thể là sức khoẻ, sự bình an, là thành đạt, sự giàu có,… Kitô hữu cũng không ngoại lệ. Họ mang nơi mình những niềm hy vọng khác nhau, nhưng có thể khẳng định rằng, điều lớn lao nhất, kiên vững nhất mà Kitô hữu hy vọng chính là sự sống đời đời (x. GLCG 1817). Thật vậy, SNC khẳng định rằng, niềm hy vọng Kitô giáo đặt nền tảng trên lời tuyên xưng “Tôi tin sự sống đời đời”[1] (SNC, số 19). Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nhấn mạnh rằng hy vọng Kitô giáo là niềm tin vào một tương lai trong Thiên Chúa, trong đó “chúng ta sẽ sống mãi trong sự sống đời đời” (Spe Salvi, số 27). Sự sống này chính là hoa trái của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã được mai táng, đã trỗi dậy, đã hiện ra (x. 1 Cr 15,3-5); và Kitô hữu, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Kitô, đã nhận ra Người là Đấng phục sinh, và đón nhận nơi Người sự sống mới (SNC, số 20).
2. Sự sống đời đời là đích đến của hành trình đức tin Kitô hữu
Sự sống đời đời là đích đến của hành trình đức tin Kitô hữu nghĩa là gì? Về điều này, Thông điệp Spe Salvi của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã minh định rằng, những Kitô hữu trên trần gian này không có một quê hương vĩnh cửu, nhưng tìm kiếm một quê hương trong tương lai (x. Dt 11,13-16; Pl 3,20), điều này không có nghĩa là họ chỉ sống cho tương lai, nhưng đúng hơn, người Kitô hữu xem xã hội hiện tại như một nơi tha hương; họ thuộc về một xã hội mới là mục đích của cuộc lữ hành trần thế, và là điều luôn được trông mong trong suốt cuộc lữ hành này.[2] Có thể thấy rằng, nếu như việc người Kitô hữu hy vọng vào sự sống đời đời mang ý nghĩa niềm tin, thì việc xác tín rằng “đích đến của hành trình đức tin là sự sống đời đời” lại mang ý nghĩa thực hành của niềm hy vọng ấy. Hiến chương Nước Trời trong bài giảng của Đức Giêsu đã chỉ rõ, để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu và được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Kitô hữu phải thực hành những lời Chúa dạy ngay trong các nhân đức như khó nghèo, hiền lành, khó khăn, hay như các việc làm vụ thể như thương xót người, giữ lòng sạch sẽ, khao khát công chính,… (x. Mt 5,1-12). Thật vậy, hành trình đức tin tiến về đích đến đích thực, với niềm hy vọng về sự sống đời đời, đã thúc đẩy các Kitô hữu sống đạo; trong đó, các vị tử đạo trong suốt chiều dài lịch sử Giáo hội có thể được xem như những mẫu gương điển hình của việc sẵn sàng từ bỏ cuộc sống trần gian để đạt được đích đến đích thực của cuộc đời (SNC, số 20).
3. Hy vọng về sự sống đời đời mang lại sức mạnh và ý nghĩa trong đời sống hằng ngày
Thế giới ngày nay vẫn đang chìm ngập trong đau khổ. SNC đã chỉ ra rằng, hiện nay, nhân loại vẫn đang phải sống giữa vô vàn nỗi đau của chiến tranh (số 8), của việc không muốn truyền sinh (số 9), của việc bị cô lập và thiếu thốn tình cảm (số 10), của bệnh tật (số 11), của tị nạn (số 13), nghèo đói (số 15)… Những hoàn cảnh ấy dễ dàng đẩy đưa con người đến tình trạng tuyệt vọng. Một trong những biểu hiện lớn nhất cho tình trạng tuyệt vọng ấy chính là việc người ta tự tử. Theo số liệu của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) năm 2019, cứ sau mỗi 40 giây, lại có 1 người tự tử.[3] Do đó, có thể hiểu được tại sao thánh Phaolô lại khuyên nhủ các tín hữu biết kiên trì để nuôi dưỡng hy vọng: “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy” (Rm 5,3-4).[4] Thật vậy, có hy vọng và nuôi dưỡng hy vọng, đặc biệt là hy vọng vào Thiên Chúa và sự sống đời đời chính là cách con người tìm lại sức mạnh và ý nghĩa cuộc sống, vì niềm hy vọng này không chỉ là một khát vọng về tương lai mà còn là một nguồn động lực hiện tại, thúc đẩy con người sống đúng với phẩm giá và ơn gọi của mình (SNC, số 18). Chính thánh Phaolô, ở một nơi khác, cũng đã khẳng định điều ấy: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Vì thế, Giáo hội đã mời gọi các tín hữu tái khám phá niềm hy vọng trong những dấu chỉ của thời đại, như lời khẳng định của Công đồng Vatican II: “Lúc nào Giáo hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy”[5] (SNC, số 7). Ngoài ra, nhờ vào hy vọng được cứu độ, khi nhìn lại những biến cố trong dòng thời gian, con người sẽ có thể tin chắc rằng lịch sử nhân loại nói chung, và lịch sử của từng cá nhân sẽ không đi vào ngõ cụt hoặc vực thẳm tăm tối, nhưng sẽ được dẫn lối đến cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hiển vinh (SNC, số 19). Nói tóm lại, chính hy vọng vào sự sống đời đời làm cho đời sống Kitô hữu thêm ý nghĩa, giúp họ sống mỗi ngày với tinh thần phó thác, kiên nhẫn và đầy niềm vui đích thực, dù gặp phải bất kỳ khó khăn nào.
Kết luận
Giáo hội đang bước vào Năm Thánh 2025 cùng với những thăng trầm của thế giới. Như một tài liệu đồng hành cùng Năm Thánh, Sắc chỉ Spes Non Confundit chính là một thông điệp Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến nhân loại nói chung, và các Kitô hữu nói riêng hầu giúp cho tâm hồn mỗi người được tràn đầy niềm hy vọng, trong đó có niềm hy vọng về sự sống đời đời. Hy vọng về sự sống đời đời không chỉ là một niềm tin mà còn là một nguồn động lực mạnh mẽ cho đời sống Kitô hữu. Nhờ vào niềm hy vọng này, người tín hữu có thể đối diện với mọi khó khăn trong đời sống với tâm hồn an bình và phó thác, vì họ biết rằng hành trình của họ không dừng lại ở cuộc sống trần gian mà còn hướng đến một đích đến vĩnh cửu là Thiên Chúa. Hơn nữa, bằng niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa, Kitô hữu sẽ không ngừng vươn lên, kiên trì thực hành các nhân đức và nhiệt tâm chia sẻ tình yêu thương, lòng bác ái với mọi người xung quanh. Qua Sắc chỉ Spes Non Confundit, Giáo hội một lần nữa kêu gọi các tín hữu suy ngẫm về giá trị đích thực của hy vọng Kitô giáo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sống niềm hy vọng ấy mỗi ngày, với niềm xác tín rằng Thiên Chúa sẽ ban tặng cho họ một cuộc sống viên mãn trong nước của Người. Niềm hy vọng vào sự sống đời đời, từ đó, không chỉ định hướng cho đích đến cuối cùng mà còn là ánh sáng dẫn lối trên suốt hành trình trần thế đầy thử thách của Kitô hữu.
[1]KinhTin kính các Tông đồ: H. Denzinger – A. Schönmetzer, Enchiridion Symbolorum definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, 30.
[2] X. ĐGH Benedicto XVI, Thông Điệp Spe Salvi, số 4.
[3] Minh Yến, Who: Cứ Sau 40 giây, Có 1 Người Tự Tử, truy cập ngày 02.11.2024, https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/who-cu-sau-moi-40-giay-co-1-nguoi-tu-tu-20190910155542915.htm