Trang chủ NGHIÊN CỨU
Lao động, thiện ích cho người nghèo
Lao động, thiện ích cho người nghèo
Thứ ba - 29/10/2024
446 Đã xem
Mục lục
M. Camillo, O.Cist.

Nguồn hạnh phúc to lớn của con người đó là có khả năng tham gia vào lực lượng lao động, có công việc để làm và có thể tạo ra những thành tựu cho bản thân và cộng đồng. Qua lao động, con người không chỉ phát triển kỹ năng và khả năng của mình mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Lao động không đơn thuần là một phần của cuộc sống nhưng là một cơ hội để con người thể hiện bản thân và gắn bó với xã hội. Trái lại, thất nghiệp thường mang theo cảm giác cô đơn, không tự tin, bị cô lập xã hội và thậm chí là bệnh tật, nghèo đói. Do đó, vấn nạn thất nghiệp vừa làm mất đi nguồn thu nhập vừa khiến con người cảm thấy mất đi danh dự và ý nghĩa cuộc sống.

Ngày nay, có nhiều người phải rời quê hương của mình để tìm kiếm việc làm và thu nhập trong các đô thị đông đúc hoặc thậm chí là ở nước ngoài. Điều này làm nổi bật hơn nữa tầm quan trọng của việc tạo ra cơ hội lao động cho người nghèo. Lưu tâm đến việc cung cấp lao động cho người nghèo là một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Giáo hội Công giáo. Trong những mục tiêu hàng đầu của mình, Giáo hội luôn đứng về phía những người nghèo, lắng nghe tiếng nói của họ và hỗ trợ họ có cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm và giá trị con người, và Giáo hội luôn mang một sứ mạng: “Giáo hội nghèo cho người nghèo”[1].


1. Người nghèo và vấn đề lao động

Trong mỗi ngóc ngách của thế giới, từ những thành phố sôi động đến những làng quê yên bình, những hình ảnh của người nghèo vẫn luôn hiện hữu. Họ không chỉ là những con số trên bảng thống kê, mà là những sinh linh đầy nghị lực, mong muốn được sống một cuộc sống đáng tự hào và đầy đủ. Vậy ai là người nghèo? Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, người nghèo theo suy tư của Đức Giáo hoàng, họ không chỉ là nghèo điều kiện vật chất nhưng còn là những người nghiện ngập, tị nạn, bị loại trừ và cô lập[2]. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Giáo hoàng còn đề cập đến tình trạng những người già và người tàn tật không được chăm sóc, bị bỏ rơi vì nhiễm Virus Corona[3]. Và ở Tông huấn Querida Amazonia, ngài nhận thấy người dân bản địa (người dân tộc thiểu số) của vùng Amazon bị đẩy ra khỏi thành phố là hình thức nô lệ mới từ chính sách bài ngoại, nạn khai thác tình dục và buôn người[4]. Nói chung, người nghèo là nạn nhân của những bất công và tệ nạn xã hội[5], của ích kỷ cá nhân và ý thức hệ chính trị. Thậm chí họ còn bị loại ra khỏi kế hoạch và chương trình phát triển toàn cầu trong xã hội hiện đại[6].  Chính vì lẽ đó, trong cuộc chiến chống lại cái gọi là “nghèo”, lao động không chỉ là một phương tiện để kiếm sống mà còn nguồn động viên, khích lệ và động viên cho những người nghèo. Nó mở ra cánh cửa của cơ hội, mang lại thu nhập và tự chủ cho họ. Từ những người nông dân nhỏ bé đến những công nhân làm việc vất vả trong các nhà máy, lao động đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc xây dựng một xã hội công bằng và phồn thịnh. Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và đẩy lùi nghèo đói, chúng ta cần tạo ra một môi trường lao động công bằng và bình đẳng. Điều này bao gồm việc loại bỏ các rào cản như phân biệt đối xử và kỳ thị lao động, cũng như tăng cường việc đào tạo và phát triển kỹ năng cho những người nghèo. 

Ngoài ra, để đảm bảo rằng lao động thực sự là thiện ích cho người nghèo, chúng ta cần tập trung vào phát triển kinh tế cộng đồng. Việc xây dựng cộng đồng mạnh mẽ và tự chủ không chỉ tạo ra một môi trường làm việc tích cực mà còn tạo ra những cơ hội mới cho những người nghèo. Việc quản lý tài nguyên và phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng lao động là một nguồn lực có hiệu quả cho người nghèo. Bằng cách này, chúng ta có thể xây dựng một xã hội công bằng và bền vững cho mọi người: tất cả đều có cơ hội để phát triển và thịnh vượng. Nơi người nghèo, họ không bị lãng quên, mà được đặt ở trung tâm của sự phát triển và tiến bộ.

 

2. Thực trạng toàn cầu

Trên toàn cầu, tiến trình công nghiệp hóa và mở cửa nền kinh tế thị trường tự do đã đưa đến sự biến đổi lớn trong cách mà con người làm việc và sống. “Kết quả là, vô số người muốn tìm một đời sống tốt đẹp hơn đã bỏ các làng quê nghèo mà đổ xô vào những thành phố công nghiệp đang phát triển nhanh chóng để làm việc trong các hãng xưởng hiện đại. Nhưng tất cả hy vọng của họ thường tiêu tan. Trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, nhiều công nhân nhà máy đã phải khốn khổ với những điều kiện làm việc bất nhân và lương không đủ sống. Họ và gia đình có quá ít tiền không thể xoay sở và chịu quá nhiều mối rủi ro chết người. Lúc đó chưa có bảo hiểm thất nghiệp, thương tật và y tế. Bằng cách này, một tầng lớp mới hay giai cấp xã hội mới phát sinh: Giai cấp vô sản, giai cấp không được hưởng lợi từ sự phồn thịnh của nền kinh tế đang lớn mạnh, và vì thế giai cấp này trở nên phụ thuộc về mặt xã hội vào những thành phần xã hội còn lại”[7]

Mặc dù điều này đã tạo ra cơ hội mới cho nhiều người, nhưng cũng gây ra những thách thức mới, đặc biệt là đối với những người nghèo. Công việc là một nguồn thu nhập quan trọng cho người nghèo, mang lại cho họ cơ hội kiếm sống và cải thiện cuộc sống của mình. Điều này đặc biệt đúng trong những quốc gia đang phát triển, nơi mà lao động luôn là tài sản quý giá nhất mà người dân có.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải mọi công việc đều mang lại lợi ích cho người lao động, đặc biệt là người lao động nghèo. Bởi vì “mọi thứ bị chi phối bởi luật cạnh tranh và luật sinh tồn dành ưu tiên cho kẻ mạnh nhất, ở đó những kẻ có thế lực giành phần của những người yếu thế. Hậu quả là một khối đông dân chúng thấy họ bị loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội: không việc làm, không triển vọng, không lối thoát. Con người bị xem như món hàng để cho người tiêu thụ sử dụng và sau đó vứt đi. Chúng ta đã tạo ra một nền văn hóa ném bỏ mà bây giờ đang lan tràn khắp nơi”[8]. Trong những nhà máy công nghiệp và các khu vực thành thị, nhiều công nhân vẫn phải làm việc trong điều kiện bất an và thiếu an toàn, đồng thời chỉ nhận được mức lương thấp không đủ nuôi sống gia đình.  Bên cạnh đó “những người dân đang sống trong các vùng chiến sự, và nhất là những trẻ em bị tước mất một hiện tại thanh bình và một tương lai xứng đáng… Chúng ta không thể bỏ qua những hình thức đầu cơ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, dẫn đến giá cả tăng chóng mặt, đẩy nhiều gia đình vào cảnh túng quẫn.... Hơn nữa, làm sao chúng ta không lưu tâm đến tình trạng rối loạn đạo đức đang hiện diện trong thế giới lao động? Nhiều nhân công nam nữ bị đối xử vô nhân đạo; nhận lương không cân xứng với công việc đã làm; tai họa của sự không an toàn làm việc; quá nhiều nạn nhân tử vong từ các vụ tai nạn, thường là kết quả não trạng chọn lợi nhuận trước mắt thay vì nơi làm việc an toàn”[9]… Do đó, để lao động thực sự là thiện ích cho người nghèo, cần phải có các biện pháp như đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, tăng cường quyền lợi lao động và đảm bảo mức lương công bằng. Bên cạnh đó, cần phải có chính sách hỗ trợ và đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ nâng cao kỹ năng và cơ hội tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.

Ngoài ra, việc khuyến khích sự phát triển kinh tế cộng đồng cũng là một phương tiện hiệu quả để tạo ra việc làm và cơ hội cho người nghèo. Bằng cách này, người dân có thể tìm kiếm việc làm trong cộng đồng của mình, không cần phải rời xa gia đình và cộng đồng để tìm kiếm cơ hội. Để lao động thực sự là thiện ích cho người nghèo, cần có sự hợp tác từ cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Chỉ khi mọi người cùng nhau làm việc, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội công bằng và ấm no, nơi mọi người đều có cơ hội để phát triển và thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau.

 

3. Những thiện ích cho người nghèo

3.1. Trong những lời dạy của Thánh kinh

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta nhìn thấy một tinh thần quan tâm đặc biệt dành cho những người nghèo. “Nếu giữa anh em có một người anh em nghèo [...], thì anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng, nhưng phải mở rộng tay và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu. [...] Anh em phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng. Thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa Thiên Chúa của anh em sẽ chúc phúc cho anh em trong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15,7-8.1011). Và đó cũng là tinh thần mà chúng ta được kêu gọi phải thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. “Người nghèo lúc nào các ông cũng luôn có bên cạnh mình” (Mc 14,7). Chúa Giêsu đã dạy rằng tình thương không chỉ là vấn đề của lời nói, mà còn là sự hành động mở rộng lòng từ bi, sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo với trái tim vui vẻ và không miễn cưỡng. 

Trong lời dạy của thánh Phaolô, chúng ta được nhắc nhở rằng tình yêu thương và sự chia sẻ không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một phần của bản tính Kitô hữu. “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả lề luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình... Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 5,13-14; 6,2). Chúng ta được kêu gọi mang gánh nặng cho nhau, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn và nghèo đói.

Trong cuộc sống, chúng ta được gọi đến để hành động bằng tình yêu thương: “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (Hc 7,32). Không chỉ để thấu hiểu mà còn để giúp đỡ. Đó là qua việc mở cửa trái tim và mở rộng tay để chia sẻ với những người đang gặp khó khăn, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng việc hỗ trợ họ tìm kiếm cơ hội lao động và tự cải thiện cuộc sống. Bởi vì, như Chúa Giêsu đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

Từ đó, chúng ta nhận ra rằng, trong việc giúp đỡ người nghèo, lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bằng cách tạo ra cơ hội việc làm và khuyến khích sự tự lập, chúng ta đang giúp họ có cơ hội thoát khỏi tình trạng nghèo đói và đạt được sự tự do và tự chủ trong cuộc sống của mình.

 

3.2. Đối với Giáo hội

Dưới ánh sáng của đức tin, Giáo hội nhận thức rõ rằng, sứ mệnh phục vụ những người nghèo không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một ước mơ cao cả; là ý nghĩa sâu xa của việc sống đúng với giá trị Thiên Chúa ban. Lời dạy của Chúa Giêsu và tấm lòng của các Tông đồ đã khơi nguồn cho những người theo đạo để không chỉ nói, mà còn làm; để không chỉ ngợi khen, mà còn thực thi những điều thiện. Hơn bao giờ hết, Giáo hội nhận thức rằng các sứ điệp Tin mừng về xã hội phải trở nên khả tín qua việc làm hơn là sự mạch lạc và hợp lý nội tại của sứ điệp. Vì thế, ưu tiên trên hết bao giờ cũng nằm về phía người nghèo. Sự lựa chọn này không có tính loại trừ hay phân biệt đối xử với các nhóm người khác. 

Thật vậy, sự lựa chọn này không chỉ giới hạn vào nghèo đói về vật chất. Ta biết rõ, trong xã hội hiện nay, có nhiều hình thức nghèo, về mặt kinh tế cũng như về mặt văn hóa và tôn giáo. Tình yêu của Giáo hội đối với người nghèo là điểm chính yếu và là một phần quan trọng trong truyền thống bền vững của Giáo hội, điều này đã thôi thúc Giáo hội mở ra với thế giới, mà trong đó còn nhiều vấn đề xoay quanh người nghèo. Vì vậy, Giáo hội, qua lời mời gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, khuyến khích các chuyên gia tài chánh và các chính khách suy gẫm những lời của các bậc hiền nhân thời xưa[10]: “Không chia sớt của cải với người nghèo là ăn cắp của họ và lấy đi kế sinh nhai của họ. Của cải chúng ta giữ không phải của riêng chúng ta, mà là của họ.”[11]

Suốt hàng thế kỷ, những người trẻ, những tu sĩ, những người trưởng thành dấn thân vào việc phục vụ cộng đồng, những nhà thần học và những mục tử đã đi đến những vùng ngoại vi hiện sinh và chia sẻ tấm lòng vàng của mình với những người đang chịu khó khăn và bất hạnh. Trong lịch sử của Giáo hội, một trong những lưu tâm đặc biệt là việc hỗ trợ và đồng hành cùng những người nghèo, không phân biệt giới tính, tuổi tác hoặc màu da. Đó không chỉ là việc cung cấp lương thực, mà còn là sự thấu hiểu sâu xa và chia sẻ tình cảm với những khó khăn và gánh nặng tinh thần của những người đang gặp khó khăn. Đặc biệt là quyền được hưởng đồng lương xứng đáng, quyền được bảo vệ cho bản thân và gia đình người lao động[12].

 Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu của thế kỷ XXI, thế giới đối diện với những thách thức về lao động và người lao động mà trước đây chưa từng có. Từ việc bị bóc lột trong môi trường làm việc đến việc bị tước đi các quyền lợi cơ bản, những người lao động phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Với tinh thần của Tin mừng, Giáo hội không ngừng tìm kiếm cách thể hiện sự công bằng và nhân văn trong mọi mối quan hệ xã hội. Việc nắm bắt và hiểu rõ hơn về điều kiện sống của người lao động là chìa khóa để chúng ta có thể thực sự đồng cảm và hỗ trợ họ trong mọi hoàn cảnh.

Trong bối cảnh môi trường làm việc đang thay đổi và thách thức ngày càng gia tăng, sự liên đới và sự đồng lòng của tất cả mọi người là cần thiết. Các phong trào đoàn kết mới giữa các người lao động và những người ủng hộ là chìa khóa để tạo ra một xã hội công bằng hơn, một thế giới mà không ai bị bỏ lại phía sau. Vì thế, Giáo hội không chỉ coi việc hỗ trợ người nghèo là một nhiệm vụ, mà còn là một định hướng; là một dấu hiệu vững chắc cho lòng trung thành và tình yêu với Đức Kitô. Đó là một sứ mệnh vĩ đại, một lời kêu gọi để sống như một “Giáo hội của những người nghèo”, và để nhận ra rằng “những người nghèo” không chỉ là những người ở ngoài kia, mà còn có cả chính chúng ta, ở mọi nơi và mọi lúc, là tất cả những người đang tìm kiếm một ý nghĩa cao đẹp và một cuộc sống đầy đủ.

 

3.3. Điều chúng ta có thể làm cho người nghèo

Lao động không chỉ là một phương tiện để kiếm sống, mà còn là một cánh cửa mở ra cho người nghèo tiến gần hơn đến hy vọng và tự chủ. Điều quan trọng là sự lựa chọn những người đang ở vị trí yếu thế, những người thường bị xã hội lãng quên, để đặt họ vào trung tâm của những cơ hội lao động. Bởi vì Thiên Chúa không bỏ quên những người đi tìm kiếm Người và kêu cầu Người: “Tiếng những người nghèo khổ, Chúa chẳng quên bao giờ” (Tv 9,13). Khi chúng ta dành cho họ cơ hội lao động, chúng ta không chỉ đang cung cấp cho họ một nguồn thu nhập, mà còn đang trao cho họ một cơ hội thực sự để thay đổi cuộc sống của mình. Làm việc không chỉ giúp họ tự chủ về mặt tài chính, mà còn tạo ra một cơ hội để họ phát triển kỹ năng, xây dựng lòng tự tin và mối quan hệ xã hội. Vì vậy, mối quan tâm của chúng ta không thể bị hạn chế vào một hình thức giúp đỡ nào đó, nhưng đòi hỏi một“sự quan tâm đầy tình mến”[13].

Ngoài ra, lao động cũng là một cơ hội để người nghèo thể hiện giá trị bản thân và đóng góp cho xã hội. Khi họ có cơ hội làm việc và gặp gỡ các đồng nghiệp, họ không  chỉ có cơ hội thực hiện quyền tự do, mà còn tìm thấy một cộng đồng liên đới, hỗ trợ và động viên. 

Vậy nên, lao động không chỉ là một phương tiện để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, mà còn là một bước đệm để họ tự lập và phát triển. Đây chính là cách mà chúng ta có thể thực sự làm cho cuộc sống của họ trở nên xứng đáng và hạnh phúc hơn, không dừng lại với sự giúp đỡ ngắn hạn nhưng còn với cơ hội và hy vọng cho tương lai.

Cha thánh Biển Đức là người có tầm nhìn về giá trị lao động và biết cách tiếp cận đối với người nghèo. Người khuyến khích các đan sĩ trong đan viện của mình phải làm việc, đặc biệt là lao động tay chân, như là một phần quan trọng của đời sống cộng đoàn. (x. TL 48) Đối với thánh nhân, lao động không chỉ là cách kiếm sống mà còn là một phần của việc thực hiện thánh ý Thiên Chúa và dấn thân vào việc phục vụ nhau. Thánh Biển Đức không chỉ khuyến khích lao động tay chân mà còn lao động tinh thần, khuyến khích sự phát triển con người toàn diện. Qua việc lao động, con người có thể phát triển kỹ năng, lòng kiên nhẫn, và lòng nhân từ, tất cả đều cần thiết để giúp đỡ người nghèo và xây dựng một xã hội công bằng hơn.

Truyền thống lao động của thánh Biển Đức thể hiện qua việc tôn trọng công việc và tôn trọng người lao động. Người khuyến khích sự đoàn kết trong lao động và tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, nơi mọi người được đối xử công bằng và được đánh giá theo năng lực của họ. Như vậy, theo thánh Biển Đức, lao động không chỉ để kiếm sống mà còn để đóng góp vào xã hội và phục vụ người nghèo. Đó là một phần quan trọng của việc thực hiện lời dạy của Chúa để thể hiện tình yêu và lòng nhân ái đối với mọi người. Các đan viện thường tự trang trải và sản xuất thực phẩm để cung cấp cho cộng đoàn và những vùng chung quanh đan viện. Những hoạt động này không chỉ đảm bảo cho các đan sinh có đủ thực phẩm mà còn giúp họ phục vụ và hỗ trợ người nghèo. Các đan viện thường mở cửa cho những người nghèo và cung cấp cơ hội làm việc cho họ trên các trang trại hoặc trong các hoạt động sản xuất khác. Vì vậy, trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ VI đến thế kỷ XII, các đan viện theo luật của thánh Biển Đức đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghèo và thúc đẩy phát triển nông nghiệp thông qua các hoạt động canh tác và cày cấy đất đai, và đã trở thành trung tâm của cuộc sống văn hóa và kinh tế tại châu Âu. Từ đó, việc kết hợp hình ảnh của Thánh Giá, Sách Thánh và cái cày được sử dụng để minh họa ý niệm về sự kết hợp giữa đời sống tâm linh và công việc hằng ngày, giữa cầu nguyện và lao động, một phần quan trọng của tư tưởng cha thánh Biển Đức.

 

Kết luận

Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Chúng ta được kêu gọi tìm thấy Đức Kitô nơi họ (người nghèo), lên tiếng bênh vực mục đích của họ, nhưng đồng thời cũng là bạn của họ, nghe họ, nói với họ và ôm ấp sự khôn ngoan mầu nhiệm mà Thiên Chúa muốn chia sẻ với chúng ta thông qua họ.”[14] Trong cuộc hành trình chăm sóc những người nghèo, lao động không chỉ là một phương tiện để tạo ra thu nhập mà còn là một nguồn thiện ích đối với họ. Chúng ta không chỉ là những người mang lại sự giúp đỡ vật chất mà còn là những người đồng hành, người bạn chân thành. Đức tin dạy chúng ta rằng mỗi người nghèo đều là con cái Thiên Chúa và Đức Kitô hiện diện trong họ: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Chúng ta gặp gỡ Chúa qua việc chăm sóc họ, lắng nghe và hiểu biết về mục đích và mong muốn của họ.

Sự chia sẻ của chúng ta không chỉ đơn thuần là việc trao lại những gì chúng ta không dùng đến, mà còn là việc đáp ứng những nhu cầu cụ thể của họ, từ thực phẩm, quần áo đến nhà ở và dịch vụ y tế. Tình người và lòng nhân ái là điều mà người nghèo thực sự cần, và trái tim chúng ta phải mở ra để đón nhận và chia sẻ tình yêu. Trong đó, lao động không chỉ mang lại thu nhập mà còn là nguồn cung cấp cho người nghèo sự tự tin, sự thăng tiến và niềm vui trong cuộc sống. Việc có việc làm giúp họ cảm thấy có giá trị và tự trọng hơn. Chính vì vậy, lao động đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thiện ích cho người nghèo.

Chúng ta cần ghi nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII: “Mọi người đều có quyền được sống, được toàn vẹn về thân thể, và được hưởng những phương tiện cần thiết cho sự phát triển xứng hợp, cụ thể là: thực phẩm, quần áo, nhà ở, chăm sóc y tế, nghỉ ngơi và cuối cùng là các dịch vụ xã hội cần thiết. Do đó, mọi cá nhân đều có quyền được chăm sóc trong trường hợp ốm đau; tàn tật do công việc; góa bụa, và thất nghiệp bắt buộc; cũng như trong những trường hợp nào khác khi, bị tước phương tiện kiếm sống mà không phải do lỗi của họ”.[15] Người nghèo không chỉ là một khái niệm mà còn là những con người thực tế cần sự giúp đỡ của chúng ta, cần chúng ta lắng nghe và nắm bắt được tiếng nói và nỗi lòng của họ.

Mặc cho những thách thức và hạn chế, lòng liên đới vàsự hỗ trợ của chúng ta sẽ tiếp tục phát triển, bởi chúng tatin vào giá trị của sự dấn thân tự nguyện để phục vụ người nghèo. Hãy để Nước Thiên Chúa trở nên hiện hữu và thực tế trong cuộc sống của mỗi người nghèo, giống như hạt giống rơi vào đất tốt, nơi mà tình yêu và lòng nhân ái bén rễ, sinh hoa và kết trái dồi dào (x. Lc 8,4 -15).
 
[1] Rafael Luciani, Đức Giáo hoàng Phanxicô và Thần Học Về Con Người, số 65. (x. Lm Phan Văn Định, Cái nghèo theo tâm thức của Đức Giáo hoàng Phanxicô, cước chú số 15, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cai-ngheo-theo-tam-thuc-cuaduc-thanh-cha-Phanxicô-42536#_ftn16, truy cập ngày 15-06-2024).
[2] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 210.
[3] x. ĐGH Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti, số 19.
[4] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Querida Amazonia, số 10.
[5] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 202.
[6] x. Rafael Luciana, Giáo hoàng Phanxicô và Thần Học Về Con Người, số 40. (x. Lm Phan Văn Định, Cái nghèo theo tâm thức của Đức Giáo hoàng Phanxicô, cước chú số 14, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cai-ngheo-theo-tamthuc-cua-duc-thanh-cha-Phanxicô-42536#_ftn16, truy cập ngày 15-06-2024).
[7] Ủy ban Giáo Lý Đức Tin HĐGMVN, DOCAT, Nghề nghiệp và ơn gọi: lao động của con người, chương 6, số 140.
[8] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 53.
[9] x. ĐGH Phanxicô, sứ điệp ngày thế giới người nghèo lần thứ 7 Chúa nhật 33 thường niên, (19-11- 2023), số 7, chuyển ngữ: Nữ tu Anna Nguyễn Ngọc Điệp, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/su-diep-duc-thanh-cha-cho-ngay-the-gioinguoi-ngheo-lan-thu-vii-nam-2023-51047, truy cập ngày 15-06-2024.
[10] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 57.
[11] Gioan Chrysostomô, De Lazaro Concio, II, 6: PG 48, 992D. (trong Tông huấn Evangelii Gaudium, số 57).
[12] x. thánh  Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, số 8.
[13] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 199.
[14] x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 198.
[15] x. Thánh Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, số 11.

Những tin mới hơn:

Hình ảnh Con Chiên trong Khải huyền và con chiên trong biến cố vượt qua của sách Xuất Hành
Sự sống đời đời: Niềm hy vọng Kitô giáo trong hành trình đức tin

Những tin cũ hơn:

Giúp đọc Thông điệp LABOREM EXERCENS
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây