Trang chủ NGHIÊN CỨU
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
Thứ sáu - 19/07/2024
2002 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
 
“Khi Thiên Chúa sáng tạo ra nước, Người đã nghĩ đến bí tích Rửa Tội của mỗi người chúng ta, và Người luôn giữ ý nghĩ này qua các hành động trong lịch sử cứu độ, mỗi khi Người dùng nước để làm một điều gì đó. Như thể, sau khi tạo ra nước, Thiên Chúa muốn hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy” (Đức Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 13).
 

Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của nước trong đời sống. Nước nuôi dưỡng, duy trì sự sống, làm dịu cơn khát; nước làm sạch, làm mát; những nguồn nước lớn cũng đồng thời là nơi phát sinh ra những nền văn minh của nhân loại. Chính vì thế, trong nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây, nước trở thành biểu tượng của sự sống. Trong Kitô giáo, nước còn “trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy” – bí tích dẫn đưa người lãnh nhận vào sự sống mới trong Đức Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã diễn tả điều này trong Tông Thư Desiderio Desideravi, số 13.

Trong Kinh Thánh, vai trò của nước đã luôn được nhấn mạnh. Từ khởi thuỷ, “khí thần là là trên mặt nước” (St 1,1-2); nhờ đó mà “nước hàm chứa năng lực thánh hoá muôn loài” (GLCG 1218). Nhờ Thần Khí, nước còn mang nơi mình vai trò kép: thanh tẩy và tái sinh. Vai trò đó được thể hiện rõ nét trong trình thuật Hồng Thuỷ (x. St 6-9); đạt đến đỉnh cao trong biến cố Vượt Biển Đỏ (x. Xh 14) và tiếp diễn khi dân Israel vượt sông Giođan tiến vào đất hứa (x. Gs 3). Nước vừa là nguồn sống (x. St 1,20; Xh 17,6) lại vừa là sự chết (x. Tv 69,3; Tv 42,8); vừa huỷ diệt (x. Xh 7,4-5) nhưng cũng chữa lành (x. 2V 5,12). Như thế, mọi biến cố quan trọng liên hệ đến sự sống trong Cựu Ước đều liên quan đến nước. Hay nói cách khác, Thiên Chúa đã luôn dùng nước như một khí cụ thể hiện tình yêu của Người trong những cột mốc quan trọng của lịch sử cứu độ. Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu đã khởi đầu sứ mạng công khai bằng cách đến chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả trên sông Giođan (x. Mt 3,13-17). Nhờ biến cố ấy, Đức Giêsu đã thánh hoá nước sông Giođan, khai mở một phép rửa mới bằng nước và Thánh Thần. Thánh Gregorio Nadien nói rằng, “trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Giođan; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo.”[1] Đạo ấy là gì nếu không phải chính là Đức Giêsu và sự sống viên mãn của Người, bởi chính Người “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6) và nơi Người “tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,38). Đỉnh điểm của mầu nhiệm cứu độ là khi Máu và Nước tuôn trào từ cạnh sườn Đức Giêsu khi Người trên thập giá (x. Ga 19,34). Các thánh giáo phụ thời kỳ đầu đã hiểu rằng Máu và Nước ấy theo nghĩa bí tích, Máu trong bí tích Thánh Thể và Nước trong bí tích Rửa Tội.[2] Như thế, toàn bộ Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã từng bước hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể của bí tích Thánh Tẩy hầu có thể giúp người lãnh nhận thanh tẩy tội lỗi, chết đi cho con người cũ và bước vào một nguồn sống mới trong Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, từ lúc được đổ nước để rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, người lãnh nhận chính thức tháp nhập vào Hội Thánh, vào lịch sử cứu độ một cách tích cực với việc thi hành ba chức năng tư tế, ngôn sứ, và vương đế, được trở thành chi thể của Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Rồi từ đó, họ tiếp tục thực thi sứ mạng của Chúa Kitô, ra đi làm phép rửa cho muôn dân nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19) hầu tất cả đều có thể trở nên con cái Thiên Chúa.

Tóm lại, xuyên suốt lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi đã luôn yêu thương nhân loại và nước đã được Người sử dụng để thanh tẩy, thánh hoá, và tái sinh con người, đặc biệt là qua bí tích Rửa Tội, nơi nước được sử dụng như một chất thể để dẫn đưa con người vào một cuộc sống mới trong Đức Kitô Giêsu, đoàn con cái Chúa càng trở nên đông đúc và Hội Thánh ngày càng được vững mạnh.
 

[1] Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ, Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Cả Trần Gian Được Thánh Hoá, https://www.giaophanbaria.org/?p=24269
[2] Brian Kranich, Máu Và Nước Từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, dịch giả Trầm Thiên Thu, https://www.dongnutythanhthe.net/mau-va-nuoc-tu-thanh-tam-chua-giesu.html
 

Những tin mới hơn:

"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Giúp đọc Thông điệp LABOREM EXERCENS
Lao động, thiện ích cho người nghèo

Những tin cũ hơn:

Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây