Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Thứ năm - 30/11/2023
1360 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
25 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”

Mở đầu bài Tin Mừng này, chúng ta thấy Đức Giêsu cất tiếng ngợi khen Chúa Cha vì Người đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những con người bé mọn.

“Bé mọn” là tính từ để chỉ những người không cậy dựa tất cả vào sức mạnh trí tuệ của bản thân, nhưng là những con người có tinh thần của trẻ nhỏ và luôn biết khiêm nhường. Từ điển Công giáo định nghĩa rằng, khiêm nhường là nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân, và nhìn nhận sự thật về mình.[1] "Khiêm nhường” trong tiếng Latinh là “humilitas”; danh từ này phát xuất từ danh từ “humus”, nghĩa là “đất”. Như thế, khi con người biết sống khiêm nhường, họ trở nên những người bé nhỏ; họ khám phá ra rằng thân phận của mình thực sự chỉ là bụi đất, chỉ là một kiếp người “bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về” (Tv 78,39). Khi ấy, họ ý thức được bản chất đích thực của mình; họ trở về là chính “Adam”, hay trong tiếng Hebrew là
הָֽאָדָם֙ (Ha-a-dam), là “con người” đã được Thiên Chúa lấy ra từ đất và sau này sẽ trở về với bụi đất (x. St 3,19). Cũng chính khi trở về là chính Adam, con người được sống trong mối thân tình với Thiên Chúa (x. St 2), được Người ban ơn (x. 1 Pr 5,5), thi ân giáng phúc (x. Cn 3,34), và luôn được Người che chở (x. Xp 2,3). Ngoài những hồng ân ấy, khiêm nhường còn có thể làm cho con người trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, vì chính Đức Giêsu, sau khi ca ngợi Chúa Cha, cũng đã minh định về chính Người rằng, “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

Vì những lợi ích dành cho những người bé mọn, khiêm nhường vừa kể trên là quá lớn lao, nên có thể nói rằng, lời ngợi khen mà Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha về những con người biết khiêm hạ cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta về ơn gọi, hay chính xác hơn, là mệnh lệnh của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta về việc thực hành lối sống khiêm nhường để chúng ta trở nên những con người bé nhỏ, đơn sơ hầu có thể đạt được hạnh phúc thật là chính Thiên Chúa. Thật vậy, mệnh lệnh ấy đã được ngôn sứ Mikha loan báo từ thuở xưa: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bằng, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn” (Mk 6,8). Do đó, sống khiêm nhường, bé mọn, đơn sơ không chỉ là mệnh lệnh từ Thiên Chúa, mà còn là cách thức giúp con người rèn luyện bản thân để sẵn sàng mở cửa lòng đón nhận những mạc khải của Thiên Chúa.

Kinh Thánh đã ghi lại rất nhiều mẫu gương của lối sống đáng ca ngợi ấy. Điểm chung nơi những con người ấy là họ dám nhìn nhận sự thật về mình, cùng với những yếu đuối và hạn chế nơi bản thân. Nhờ khiêm nhường nhìn nhận mình hèn mọn, không đủ tư cách đứng trước mặt Pharao, Môsê đã được Chúa an ủi và lựa chọn để giải thoát dân Israel, dẫn đưa họ vào Đất Hứa (x. Xh 3,11-12). Nhờ khiêm nhường nhìn nhận mình còn trẻ và không biết ăn nói, Giêrêmia đã được chọn gọi làm ngôn sứ và được đặt “đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để hủy, để phá, để xây, để trồng” (Gr 1,10). Nhờ khiêm nhường thú nhận mình tội lỗi và cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, người thu thuế đứng ở cuối đền thờ đã trở về nhà trong niềm vui được công chính hoá (x. Lc 18,9-14). Nhờ khiêm nhường nhìn nhận hình phạt dành cho mình là xứng đáng với tội lỗi đã phạm, và tin tưởng Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, người trộm lành đã được đón nhận vào Nước Trời (x. Lc 23,39-43). Nếu như xếp các “phần thưởng” mà những tấm gương nêu trên được lãnh nhận thành một tiến trình, có thể thấy rằng, những “phần thưởng” ấy chính là những mắt xích trong việc Thiên Chúa tỏ lộ và ban phát Nước Trời cho những con người khiêm nhường, bé mọn; từ việc được vào Đất Hứa trên trần gian đến việc được lãnh nhận và ban phát Lời của Chúa; và rồi cũng nhờ Lời ấy, con người được công chính hoá và đạt đến đỉnh điểm là được đón nhận vào Nước Trời.

Đức Giêsu đã ngợi khen Chúa Cha vì Người đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn; và cách thức mà Thiên Chúa vén mở cho những con người bé mọn ấy về chính Người không nằm đâu xa ngoài Kinh Thánh. Chẳng phải chúng ta biết được những tấm gương khiêm hạ vừa nêu trên là từ trong Kinh Thánh, hay như chúng ta nhận ra sức mạnh của Lời Chúa cũng là từ Kinh Thánh sao? Vì thế, việc đọc Kinh Thánh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta tìm thấy con đường về Nước Trời. Chính tác giả Thánh vịnh cũng đã nghiệm thấy điều ấy khi nói rằng: “Con được thông suốt hơn cả thầy dạy, vì con thường gẫm suy thánh ý” (Tv 119,99).

Trong linh đạo đan tu, chúng ta thấy rằng, thánh Biển Đức cũng đã thấm nhuần tinh thần của đoạn Lời Chúa này khi ngài viết trong bản Tu luật rằng, trong đan viện cần có sự hội ý anh em, vì“Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn” (TL 3,2). Do đó, việc khiêm nhường lắng nghe nhau, nhất là tôn trọng ý kiến xây dựng của các anh em nhỏ hơn cũng góp phần giúp cho đời sống đan tu được thăng tiến và cộng đoàn có thể tìm thấy được điều hợp với thánh ý Chúa.

Tóm lại, qua đoạn Lời Chúa này, chúng ta xác tín những điều sau:
Thứ nhất, đời sống khiêm nhường là một điều kiện cần để Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm Nước Trời, hay có thể nói là về chính Người cho những người bé mọn.
Thứ hai, việc đọc Kinh Thánh đóng một vai trò rất quan trọng để con người nhận ra thánh ý của Chúa trong đời sống.
Cuối cùng, nếp sống cộng tu sẽ triển nở và sinh nhiều hoa trái nếu các đan sĩ biết khiêm nhường mở cửa lòng đón nhận những ý kiến mang tính xây dựng từ anh em mình, nhất là những ý kiến từ nơi những anh em nhỏ.
 

[1] X. Ban Từ vựng Công giáo, Từ Điển Công Giáo, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), 481.
 

Những tin mới hơn:

Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Đi để trở về (2023)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Ngưỡng cửa Xuân
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?

Những tin cũ hơn:

Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Canh thức với Chúa
Sống giây phút hiện tại (Mc 2,18-22)
Ra đi và từ bỏ (Lc 10,1-9)
Lễ Các Thánh - ngày của hy vọng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây