Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Thứ ba - 19/03/2024
1300 Đã xem
M. Anselmo, O.Cist.
 
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,
hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò.” (Is 35,1-2)

Thiên Chúa, tự ngàn đời, đã yêu thương chọn lấy một nam nhân thuộc nhà Giacop, dòng dõi vua Đavit, trở thành người cha trần thế của Đấng Thiên Sai. Thiên Chúa đã cho nam nhân ấy sứ mạng nuôi dưỡng, bảo bọc, che chở Chúa Cứu Thế trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ[1] qua đời sống ẩn dật. Người nam ấy đã yêu thương mái ấm của mình và hiến trọn cuộc đời để bảo vệ, dù cho phải trải qua những ngày tháng khốn khổ của giết chóc và truy đuổi. Người nam ấy trở thành người dẫn đầu cho một cuộc di dân trong nghèo đói, nhưng biết tìm cách xoay trở, để nuôi sống gia đình mình nơi đất khách quê người. Như dân Israel hồi hương sau bao năm tháng lưu đày, Thánh Gia trở về Nazareth và định cư tại đó. Nhờ vậy, mà cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu có tên gọi từ nhiều danh từ ghép lại: Giêsu người Nazareth[2]. Nam nhân ấy tên là Giuse chồng bà Maria, Bà là thân mẫu của Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô[3].

Trong những trình thuật của 2 Tin Mừng Nhất Lãm (Matthêu và Luca) tuy diễn tả hành động và nội tâm sâu sắc của thánh Giuse về những gì liên quan đến gia đình trẻ của Người và sự an nguy của Chúa Giêsu, các thánh sử không viết lại một lời nói nào của thánh Giuse. Điều này chúng ta vẫn thường đề cập đến. Và như thế, Người bước vào lịch sử cứu độ trong sự âm thầm khiêm hạ, để rồi từ đó, Người đi vào trong cõi thinh lặng vĩnh cửu với phần phúc vinh quang rạng rỡ của triều thần thánh.

Nhìn lại cuộc hành trình trần thế của thánh Giuse, ta có thể thấy một Giuse đã đến tuổi căng tràn sức sống với một cuộc đời ngay thẳng; và chính sự tốt lành được phú bẩm ấy , Thiên Chúa cũng đã tác thành hôn ước giữa thánh nhân với Maria – một thiếu nữ đã dâng mình trong đền thờ Chúa; đó là cách mà Thiên Chúa làm để chuẩn bị một gia đình xứng đáng cho Ngôi Lời, và để cho người có một sự hợp pháp thể chế đúng đạo lý trong thân phận là con người trần thế.

Ta cũng có thể thấy một Giuse của việc lắng nghe và thực hành lời Chúa. Nếu ngày xưa, tổ phụ Giuse đã có thể giải thích và đã tìm ra ý của Thiên Chúa trong những giấc mơ, trong chiêm bao, thì trong thời Tân Ước, ta cũng có được một nhân vật quý giá. Trong lúc sóng gió nguy hiểm sắp vây lấy gia đình nhỏ của Người, Người lại đi vào trong sự chiêm niệm sâu thẳm, mà ngôn ngữ Thánh Kinh gọi đó là giấc ngủ, để tìm thấy và lắng nghe được tiếng Chúa dạy bảo. Không một lời một lẽ, chỉ toàn là ý Chúa, hết thảy là ý Chúa được thể hiện: “Khi tỉnh giấc, Giuse làm như lời sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.”[4] Sứ mạng của Giuse đã thực sự bắt đầu. Cách mà Giuse nghĩ trước đây trong việc khó khăn để rời bỏ Mẹ Maria, là trốn tránh, là rút lui cho êm chuyện, thì giờ đây, Người đối mặt với khó khăn, với thử thách là đón về và chăm sóc Mẹ Thiên Chúa trong thai kỳ được bình an, danh chánh ngôn thuận. Dẫu là bào thai không phải là của mình, điều mà theo lẽ thường, không một người chồng nào có thể chấp nhận được, nhưng giờ đây, thánh Giuse chấp nhận một cách phi thường và tự hào, như thể muốn nói với người khác rằng: Maria là vợ tôi, và đứa con trong bụng nàng là con tôi theo một cách mầu nhiệm của Thiên Chúa, và tôi sẽ đón nhận món quà ấy, sẽ yêu thương nuôi nấng để dành tặng người con này cho phần rỗi muôn người. Nhưng những điều ấy đã chìm vào trong sự thinh lặng khiêm hạ của Giuse để cho thánh ý của Chúa lớn lên từng ngày. Mọi thứ còn hơn Giuse nghĩ, mọi việc còn hơn Giuse tưởng.

Chính trong đêm lạnh giá nơi miền Giuđa thành Giêrusalem, đôi chân hối hả chạy đi tìm chỗ trọ, như van xin, như cầu khẩn tình người, đáp lại là sự chối từ, và rồi Ngôi Hai bước vào cuộc đời này trong nơi vắng lặng, hôi hám của súc vật và con tim lạnh băng của con người.

Cuộc truy lùng, rượt đuổi của bạo chúa Hêrôđê, một lần nữa, đã khiến Thánh Gia một phen khốn đốn. Khi ấy, Giuse lại không cậy sức mình nhưng khẩn nài ý Chúa trong sự chiêm niệm mầu nhiệu, và rồi Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. Trong khung cảnh tăm tối của cuộc đời, một gia đình nhỏ dắt díu nhau chạy trốn, đi cho thật nhanh… Trên những dặm đường hiểm trở, chông gai như thế, chẳng lấy gì là an toàn, thấy cảnh ấy ai mà không khỏi chạnh lòng. “Vua dân Do Thái, Đấng mà sách ngôn sứ và sách luật nói tới” – những cụm từ đó cứ văng vẳng trong đầu của Giuse, những lời thiên thần nói. Nhưng Đấng Cứu Thế lại ở trong hoàn cảnh này sao? Đêm tối đức tin vây lấy Giuse. Người đã bước đi trong đêm tối đức tin ấy và đã đi đến cùng để Chúa Giêsu – con của Người có được một hành trình trần thế và sống ẩn dật với Người 30 năm tại đất Bắc, làng Nazareth. Người ta gọi Đức Giêsu là người làng Nazareth, con ông Giuse, con bác thợ mộc. Một cách nói mỉa mai về danh thế: thợ mộc – công việc cùng đinh của xã hội chỉ đủ sống qua ngày. Nhưng một điều ta thấy được rằng: Tên gọi của Chúa Giêsu đã gắn liền với tên gọi của cha Giuse ngay từ thời Con Thiên Chúa còn tấm bé.

Trải qua ngày tiến dâng Hài Nhi vào đền thờ, đón nhận những lời chúc phúc và tiên tri cách mầu nhiệm, trong thinh lặng và phó thác. Rồi đến lúc trẻ Giêsu trạc 12 tuổi, cuộc trẩy lên đền năm ấy sẽ mãi là một kỷ niệm khó phai mờ của Thánh Gia:
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi,
Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa.
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi
Cửa nội thành ta đã dừng chân.” (Tv 131,1-2)
Cách mà trẻ Giêsu thực hiện cuộc lên đền này đó là: dừng chân lại ở cửa nội thành. Chính cuộc dừng chân ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện đã chứng tỏ mình có trách nhiệm với Giêrusalem, với nhà Cha của Người. Vậy cha Giuse thì sao? Câu nói: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?"[5] – Nhà Cha con ư? Còn nhà cha Giuse thì sao? Câu nói ấy có làm cho tim của Giuse như bị dao cắt không? – Kinh Thánh không giải thích, như thể muốn dựng lên cho người chiêm ngắm thánh Giuse một sự kính cẩn đối với công trình mà Thiên Chúa Cha đang thực hiện. Và một lần nữa, thánh Giuse đi vào thinh lặng. Và cái thinh lặng này là lần cuối cùng ta thấy được thánh Giuse xuất hiện trong Kinh Thánh, bên cạnh Chúa Giêsu.

Dấu ấn mà thánh Giuse để lại trong lòng mỗi người chúng ta là một con người hay thinh lặng, sống nội tâm, thích làm hơn thích nói, và cũng có khi ta cho thánh nhân là một người kiệm lời. Nhưng cái mà chúng ta ít nhìn tới, đó là: Ba mươi năm mà Chúa Giêsu ở cùng cha Giuse, những cách suy nghĩ, nói năng, làm việc đều từ sự giáo dục của cha Giuse mà ra; hành động của Chúa Giêsu phát xuất từ cha Giuse, con tim chạnh thương rất người của thanh niên Giêsu cũng từ cha Giuse mà có, bàn tay dang rộng để ôm lấy tội nhân, đôi tay giơ lên để cầu nguyện và chữa lành dân chúng, và rồi, trên thập giá, Chúa Giêsu cũng đã yêu loài người đến tột cùng, cũng là từ cái yêu của thánh Giuse, thánh cả đã yêu Chúa Giêsu và Mẹ Chúa đến nổi bất chấp hiểm nguy, cái chết và sự thất vọng sẽ có, để thí mạng vì tình yêu mình dành cho. Giờ đây, trên thập giá, nơi con người Giêsu ấy ta lại thấy bóng dáng của thánh cả Giuse, Người đang quặng đau với Con của mình, với Nghĩa tử của mình là Con Thiên Chúa, để một lần nữa, sinh ra một nhân loại mới, nhân loại được tái sinh trong Máu và Nước, trong mạng sống mà thánh cả Giuse đã từng cưu mang, bảo bọc, nuôi nấng và dạy dỗ nên người.

Cây gậy của người công chính giờ đây đã thực sự trổ hoa, hoa huệ công chính thần thiêng, khi sự phục sinh của Con Thiên Chúa đã giải phóng nhân loại khỏi sự cầm buộc của ma quỷ thống trị. Và dân dân khắp nơi nơi ca ngợi kỳ công Thiên Chúa làm để giải thoát họ, và cũng sẽ ca ngợi một con người thầm lặng, cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho công trình cứu độ.

Lạy thánh Giuse hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò[6], vì ơn cứu độ đã thành tựu.

Lạy thánh Giuse, cả Giáo hội đang dâng mùa lễ kính Ngài và học tập theo gương thánh của Ngài. Trong cuộc hành trình dương thế của chúng con, xin Ngài cũng đồng hành và giúp thế giới, giúp Giáo hội, và từng người trong chúng con vượt thắng những mưu mô của ma quỷ, vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời, để có thể đi theo Nghĩa Tử của Ngài trong hành trình vác thập giá. Xin an ủi chúng con, và xin cho chúng con được một lần gọi Ngài là Cha. Lạy Cha Giuse, xin thương nhìn đến và chuyển cầu cho chúng con trước tòa Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Cha. Amen.
 
[1] SÁCH LỄ RÔMA, Lời nguyện nhập lễ: 19/03 – Thánh Giuse bạn trăm năm Đức Maria.
[2] Mt 2,23; Ga 19,19.
[3] Mt 1,16.
[4] Mt 1,24
[5] Lc 2,49
[6] Is 35,2

Những tin mới hơn:

Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
Viết về một người Mẹ của một đan sĩ
Cứ giữ trong em niềm tin yêu
Bài giảng của Viện phụ Gregorio trong lễ giỗ mãn tang Cha Cố Salesio
... vô hạn trong mỗi phút giây

Những tin cũ hơn:

Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Canh thức với Chúa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây