Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Thứ năm - 18/01/2024
1271 Đã xem
M. Giacôbê, O.Cist.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa gọi các ngôn sứ qua các biến cố hoặc qua giấc mộng hay thị kiến. Nhưng vào thời Tân Ước, Chúa Giêsu trực tiếp kêu gọi các môn đệ mà không cần qua bất kỳ trung gian nào. Đây là một điều rất đặc biệt. Điều đặc biệt hơn nữa là Thiên Chúa không gọi người ta theo bất cứ tiêu chuẩn nào của con người, nhưng theo ý Ngài muốn. Ngài đã lên tiếng gọi thì không một ai có thể chối từ và lời mời gọi này cũng đang được hiện thực hóa nơi mỗi người. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những lời mời gọi của Chúa lại có một sức mạnh lạ lùng đến thế. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ điều đó.
1. Thiên Chúa gọi những ai người muốn
Thông thường, để tuyển nhân sự vào một công ty hoặc chọn ai đó làm công việc gì, hay chọn người yêu, chọn người vào các chức vụ trong các giáo xứ hoặc tuyển ứng viên trong các dòng tu, chủng viện hoặc các ứng viên chức thánh, người ta phải có những tiêu chuẩn cụ thể như chuyên môn, học thức, vóc dáng… Nhưng Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Ngài chọn những người Ngài muốn. Điển hình là trong việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên, chúng ta không thấy Chúa gọi ai trong hàng tư tế, không có ai trong hàng biệt phái Pharisêu nhưng Chúa lại gọi những người dân chài, nghèo hèn, thất học, không có tài ăn nói… dường như không theo một tiêu chuẩn nào. Tuy nhiên, Chúa chọn họ theo tiêu chuẩn của Chúa, vì Chúa thấu suốt tâm hồn từng người và biết ai hữu ích cho công việc của Ngài trong tương lai nên Ngài chọn và gọi họ như lời Chúa nói: “Chính thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian” (Ga 15,19). Đó là thánh ý nhiệm mầu của Chúa mà không ai hiểu nổi. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Chúa không gọi những người có chữ nghĩa, hiểu biết lề luật thì sẽ hữu ích hơn trong việc rao giảng Tin Mừng sau này. Thiết nghĩ, nếu Chúa gọi những người tài giỏi, nói năng hoạt bát, uyên bác trong nhiều lãnh vực thì có lẽ họ sẽ loan báo cho mọi người kiến thức của họ chứ không phải rao giảng Tin Mừng. Lúc đó, Tin Mừng sẽ mất đi sự thuần khiết, mất đi sự thánh thiêng và mất đi sự hấp dẫn của nó. Trái lại, với những người nghèo hèn, quê mùa, thất học, Tin Mừng thâm nhập dễ dàng vào trong tâm hồn họ, Tin Mừng sẽ thu hút họ, gây cho họ sự ngạc nhiên và Tin Mừng cũng xâm chiếm trọn vẹn con người họ. Chính vì thế khi rao giảng, họ chỉ rao giảng Tin Mừng, rao giảng ý muốn của Thiên Chúa mà thôi. Họ nói lên sự cao thượng, nét đẹp hấp dẫn và chân lý trường tồn của Tin Mừng. Nhờ đó, Tin Mừng cứu độ mới có thể đụng chạm con tim của thính giả, mới có thể hoán cải tâm hồn người ta, mới có thể làm cho nhiều người “sống lại”, vực dậy những người tội lỗi và nâng đỡ những ai yếu đuối, mở ra những “con đường mới lạ” cho những ai đang kiếm tìm đường về Nước Trời. Tuy nhiên, một câu hỏi khác cũng được đặt ra là tại sao người ta không thể cưỡng lại hay từ chối lời mời gọi của Chúa.
2. Không ai có thể khước từ lời mời gọi của Chúa
Trong bài Tin Mừng chúng ta nghe, có ba lời mời gọi của Chúa Giêsu. Trước tiên, đó là lời kêu gọi chung cho mọi người: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15). Thứ đến là lời kêu gọi dành cho hai anh em Simon và Anrê: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người ” (Mc 1,17-18). Cuối cùng là lời mời gọi dành cho hai anh em Giacôbê và Gioan: “Người liền gọi các ông và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công mà đi theo Người” (Mc 1,20). Có bao giờ chúng ta tự hỏi, động lực nào khiến bốn môn đệ này bỏ mọi sự và đi theo Chúa Giesu không? Có bao giờ chúng ta thắc mắc tại sao Chúa chỉ cần lên tiếng gọi là họ lập tức theo Ngài? Quyền lực nào đã lôi cuốn các môn đệ mạnh đến thế, khiến họ không thể nào cưỡng lại được? Thiết nghĩ, chắc chắn các ông không theo Chúa vì tiền, vì thầy Giêsu đẹp trai hay vì một điều gì khác. Nhưng chúng ta tin rằng, lời kêu gọi này có một sức mạnh lạ lùng, một sự thu hút kỳ diệu khiến các môn đệ này không thể khước từ, không đưa ra một lý do nào để từ chối cả, mà ngoan ngoãn theo Chúa, can đảm bỏ lại sau lưng công việc làm ăn sinh sống, dứt khoát với những người thân trong gia đình, thậm chí đó là cha mẹ, không màng chi những tình cảm thân thương của bà con dòng họ. Đó là một sự lạ lùng khôn tả. Dường như chính lời mời gọi xuất phát từ miệng Chúa Giêsu có một sức mạnh phi thường khuất phục tâm hồn những thanh niên này. Có thể nói có một “thế lực” vô hình đã lôi kéo họ về phía Chúa, thúc đẩy họ đi theo Chúa chứ không phải một ai đó hay một cái gì khác. Thiết nghĩ khi Chúa nói: “Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, chắc chắn các môn đệ cũng chẳng hiểu gì, nhưng lại khiến họ bỏ mọi sự và đi theo Chúa, khiến họ xem nhẹ các điều khác, ngay cả người thân trong gia đình và xem lời mời gọi này quan trọng hơn tất cả. Quả thật, chính Lời của Chúa có uy quyền, có sự cuốn hút tự bên trong, hấp dẫn tâm hồn các môn đệ như lời Chúa khẳng định: “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6, 63). Lời này có một âm hưởng lạ lùng, một sự khích lệ mạnh mẽ và khiến cho tâm hồn con người cảm thấy có sức mạnh tiến lên và dứt khoát bước theo mà không hề có sự so đo tính toán hơn thiệt cho tương lai, không mảy may sợ hãi rủi ro và nguy hiểm. Họ chỉ biết cất bước đi theo Ngài mà thôi. Nhưng ngày nay những lời mời gọi này có còn hữu ích cho chúng ta nữa không?
3. Lời mời gọi này có còn hữu ích cho chúng ta không?
Thư Do Thái nói: “Lời Thiên Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hãi lưỡi. Lời đó xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy. Lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Quả thật ngày nay lời mời gọi “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” và “Anh hãy theo tôi” luôn vang lên trong phụng vụ của Hội Thánh và trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đây là một lời mời gọi khẩn thiết vì ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc vào thái độ hoán cải của từng người. Tuy nhiên, đâu là thái độ của chúng ta trước những lời mời gọi này? Chúng ta có dám để cho những lời này đi vào tâm hồn mình, uốn nắn những suy nghĩ sai lệch, vứt bỏ sự cứng cỏi của tâm hồn và làm cho mình ngoan ngoãn sám hối và theo Chúa như Chúa muốn không? Hay chúng ta dễ dàng chạy trốn những lời này, vì cho rằng nó làm đảo lộn cuộc sống chúng ta, nó làm cho ta mất tự do, bắt ta phải thay đổi những thói quen mà lâu nay ta nghĩ là tốt và mang lại bình an cho ta? Thánh Phaolô cảnh tỉnh chúng ta: “Ai tưởng mình đang đứng vững hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12), hoặc là “Khi người ta nói bình an biết bao, yên ổn biết bao thì tai họa thình lình ấp xuống ” (1Tx 5,3).
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy được sức mạnh và sự lạ lùng của lời mời gọi của Chúa. Lời quyền năng và đầy sức mạnh, khiến những ai đã được mời gọi không thể khước từ. Đồng thời Tin Mừng cũng cho thấy Chúa thương ai, Chúa muốn ai thì Ngài kêu gọi người đó không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào của con người, mà chỉ theo ý muốn của Ngài mà thôi. Khi xác tín điều đó, chúng ta hãy để cho lời mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” và “anh hãy theo Tôi” thấm vào tâm hồn mình, uốn nắn suy nghĩ và nhổ khỏi tâm hồn ta những rễ đắng, những cỏ dại lâu nay mọc um tùm khiến tâm hồn ta không thể sinh hoa kết quả được.