Trang chủ ĐỜI SỐNG ĐAN TU
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh 2024
Thứ năm - 28/03/2024
3048 Đã xem
M. Augustino, O.Cist.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước Tôn Nhan Chúa, cộng đoàn chúng con xin dâng lời ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ. Vì yêu thương nhân loại, Chúa đã trao ban Mình và Máu của Người, để qua đó, Người ở với chúng con "mãi mãi, cho đến tận thế" (Mt 8,20). Đứng trước tình yêu cao cả đó, chúng con lấy gì để đền đáp cho cân xứng, vì biết rằng, mỗi ngày Chúa vẫn đang hiện diện đầy yêu thương trong cộng đoàn chúng con qua bí tích Thánh Thể nhiệm mầu. Đã thế, nhiều lần chúng con thờ ơ, quên lãng và không biết chạy đến, tựa nương vào nguồn ân sủng nơi Thánh Thể, để phát triển, và thăng tiến đời sống ơn gọi của mình. Xin Chúa thứ tha cho những yếu đuối, bất toàn của chúng con. Giây phút này cả cộng đoàn chúng con cùng đi vào sự cô tịch với Chúa, thức với Chúa đêm nay, để kín múc nguồn năng lượng tình yêu trào tràn của Chúa. Xin Người cùng đồng bước với chúng con trên hành trình vác thập giá mỗi ngày trong đời sống đan tu, để cùng Người đi đến đỉnh đồi yêu thương.

Trích Tin Mừng Theo Thánh Gioan 15,12-17.

“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”.

            Sau khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và trong bữa ăn thân tình, Người đã nói những lời từ biệt với các ông. Khi biết rằng giờ của Người sắp ra đi để bước vào cuộc Thương Khó, và Người cũng biết trước: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác” ( Mt 26, 32). Vì thế, chủ đề nổi bật trong những lời từ biệt của Người là về sự hợp nhất, yêu thương trong cộng đoàn. Nếu ở lại trong Người, các môn đệ sẽ sống và sinh hoa kết quả dồi dào; Nếu ở lại trong Người, các môn đệ sẽ ở lại trong tình thương của Người; Nếu ở lại trong Người, các môn đệ sẽ kết hợp với nhau, như cành nho gắn liền với cây nho, và cũng gắn liền với những cành khác. Chúa Cha đã yêu mến Người thế nào, thì Người cũng yêu mến các môn đệ như vậy. Và trong giây phút đặc biệt đó, Người đã trối lại cho các môn đệ điều răn về lòng yêu thương, để họ sống, đối xử với nhau theo như ý Người muốn trong lúc Người vắng mặt:“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Đó là điều răn mới, vì Người đã làm gương mẫu cho các môn đệ thấy. Và trên hết, lòng yêu thương đó được diễn tả cách cụ thể trong sự hy sinh tính mạng của Người, sắp diễn ra trên thập giá.

            “Hy sinh mạng sống mình” là cách Người bày tỏ “tình yêu cao cả” dành cho những kẻ thuộc về mình, và đó là một thứ tình yêu duy nhất, không ai có. Trong thực tế, chúng con đã chứng kiến, có những tình yêu hy sinh mạng sống mình vì người khác, chẳng hạn cha mẹ hy sinh mạng sống vì con, vợ chồng hy sinh mạng sống cho nhau, hay những người làm nhiệm vụ cứu người, có trường hợp họ cũng đã hy sinh mạng sống vì người khác. Tuy nhiên, tình yêu cao cả giữa con người với nhau không thể nào so sánh tình yêu cao cả của Chúa dành cho cho nhân loại. Bởi vì Người “vốn dĩ là Thiên Chúa / mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì / địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,/ nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,/ mặc lấy thân nô lệ,/ trở nên giống phàm nhân,/ sống như người trần thế./ Người lại còn hạ mình,/ vâng lời cho đến nỗi/ bằng lòng chịu chết,/ chết trên cây thập tự” (Pl 2,6 – 8). Chính căn tính và nguồn gốc thần linh duy nhất nơi Người đã cho nhân loại thấy được tình yêu cao cả, mà không một tình yêu nào nơi trần gian có thể so sánh được. “Vì không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng gánh lấy trên mình tội lỗi của nhân loại và hiến mình làm hy lễ vì mọi người” (GLHTCG 616). Lần giở lại Tin Mừng Gioan 13,1 chúng con sẽ hiểu hơn Người đã yêu mến những kẻ thuộc về mình như thế nào:“Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng”. Yêu đến cùng ở đây hiểu theo hai nghĩa: đến cùng về thời gian, đó là tình yêu chung thủy, bền bỉ, yêu cho đến cuối đời; và đến cùng về mức độ, đó là tận cùng của biên cương và vượt ra khỏi biên cương, là tận cùng của yêu thương trọn vẹn, “trao ban chính mình” trên thập giá.

            Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chính tình yêu của Chúa đã hợp nhất chúng con nên một trong Ngài, và cũng đòi hỏi chúng con noi gương Ngài sống hoàn toàn tự hiến cho nhau. Điều này Thánh Gioan trong thư của ngài cũng đã dạy chúng con:“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Và Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô cũng khuyên chúng con:“Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta” (Ep 5,1-3). Chúa đã mời gọi chúng con vào đây để dạy cho chúng con hiểu được tình yêu là gì, nếu chúng con yêu thương nhau như Chúa đã yêu. Và chỉ có một tình yêu gắn chặt nơi Chúa thì chúng con mới sinh nhiều hoa trái, vì chính Ngài cũng đã khẳng định:“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”. Hoa trái của tình yêu sát nhập vào Chúa được thánh Phaolô đồng hóa trong bài ca đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4 – 7). Nhẫn nhục và hiền hậu là những nét tiêu biểu của Chúa trong hành động cứu chuộc nhân loại, và Ngài cũng mong muốn chúng con thể hiện những đức tính đó trong đời sống cộng đoàn. Yêu như Chúa yêu là không vênh vang, tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; yêu như Chúa yêu là vui với người vui, và khóc với người khóc; yêu như Chúa yêu là chịu đựng tất cả những trái ý nghịch lòng, tin tưởng và hy vọng tất cả mọi biến cố đến trong cuộc đời; và yêu như Chúa yêu là tha thứ tất cả cho những yếu lầm của người khác.

            Nhưng lạy Chúa, trong thực tế, thật khó để chúng con yêu thương đến cùng với những người mà Chúa mời gọi chung sống với chúng con. Bởi lẽ, những con người mà chúng con được mời gọi đón nhận, đôi khi, khác xa chúng con về xuất thân, về tính cách, về quan điểm, và tệ hại hơn là đôi lúc vì một yếu đuối nào đó họ cũng có thể bán đứng chúng con. Như thế, Làm sao chúng con có thể yêu đến cùng với những người mà nhiều khi mình chẳng ưa, nếu không muốn nói họ sẽ làm chúng con đau khổ? Làm sao chúng con có thể thực hiện lời Chúa truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”? Làm sao chúng con có thể “yêu đến cùng”, “dám hy sinh cả tính mạng” cho một cộng đoàn mà đôi lúc, chúng con nhìn thấy rõ sự bất ổn trong đó?

            Nhìn lại hành trình của Chúa nơi trần thế, để yêu thương nhân loại đến cùng trên thập giá, Ngài đã không làm gì ngoài thánh ý của Chúa Cha. Chính Ngài đã cho chúng con thấy ưu tiên hàng đầu của Ngài là đi vào nơi hoang vắng để ở riêng với Chúa Cha. Nơi Ngài vừa có khả năng “đoạn tuyệt”, nhưng cũng sống chiều kích “hiệp thông” một cách trọn vẹn. Đoạn tuyệt khi Ngài tự tách được mình ra khỏi đám đông để đi vào nơi cô tịch, và khi cần thiết chính Ngài cũng quy tụ dân Chúa trong tình yêu thương hiệp thông. Sự cô tịch nơi Chúa không phải là lẩn trốn vào nơi hoang vắng, sống trong sự cô đơn, nhưng là hành động trút bỏ vinh quang, làm rỗng mình ra, từ bỏ ý riêng, thuần phục hoàn toàn, để cho thánh ý của Chúa Cha được thực hiện. Đỉnh cao của sự cô tịch được diễn tả trong cơn hấp hối của Chúa trên thập giá, với tiếng kêu của Người:“Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ? Nhiều người nghĩ, Ngài đang than trách Chúa Cha bỏ rơi mình, và hỏi: Làm sao Con Thiên Chúa lại có thể bị Thiên Chúa bỏ rơi? Nhưng thực ra, đó không phải là một tiếng kêu cô đơn trong sự bất lực, nhưng là chính Ngài đang dùng Thánh Vịnh 22 của dân tộc đau khổ Israel để cầu nguyện với Chúa Cha. Qua đó, Ngài không những nhận lấy vào mình nỗi thống khổ của riêng dân Israel, mà còn tất cả những người đau khổ, bệnh tật, tội lỗi trên trái đất này để dâng lên Chúa Cha, để cho Chúa Cha toàn quyền, và xin Chúa Cha tha thứ tất cả lỗi lầm của thế gian. Và trên thập giá, Chúa cũng đang mời gọi mỗi người chúng con, hãy mang lấy cái tâm của Ngài đang chịu đau đớn, chịu chết để lấp đầy những mảng tối u buồn trong tâm hồn chúng con. Chúa không lôi chúng con ra khỏi thế giới đầy cám dỗ, đau khổ, nhưng chúng con tin Chúa vẫn luôn hiện diện để lấp đầy những yếu đuối của chúng con. Ngài chỉ mong chúng con cùng đau khổ, cùng vác thập giá, và cùng chết với Ngài trong chính đời sống cộng đoàn cua chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhìn lại cách sống của mỗi người chúng con trong những năm tháng qua, không ít lần chúng con thích làm việc của Chúa, nhưng lại lười ở riêng với Chúa. Vì không có khả năng ở riêng với Chúa, học nơi Chúa, nên đã không ít lần chúng con đối xử với nhau thiếu tình yêu thương, bác ái; đã không ít lần chúng con làm cho cộng đoàn trở nên xáo trộn, rời rạc, thiếu tình hiệp thông; và đã không ít lần chúng con cảm thấy cô đơn, trống vắng, đau khổ trong chính cộng đoàn mà chúng con chung sống. Chắc chắn chúng con cũng sẽ không tránh khỏi những khó khăn như thế nơi đời sống cộng đoàn trong những ngày sống kế tiếp, nhưng xin Chúa cho mỗi người chúng con cũng mặc lấy tâm tình của Chúa yêu đến cùng trên Thập Giá, để trao hiến cuộc đời của chúng con cho anh em, và cho cộng đoàn. Xin cho chúng con biết làm sao để trở thành không gian cho “Chúa ở trong con”, khước từ mọi ý riêng, hoàn toàn làm rỗng mình ra để chỉ thuộc trọn về Chúa. Khi đó, dù có gặp phải những đau thương, hiểu lầm, chúng con sẽ vượt qua và nguyện sẽ loan truyền danh Chúa, cho nhân loại được hay biết tình yêu của Người, và trong chính ngày đại hội dân Chúa, chúng con sẽ dâng lên Chúa một bài tán dương. Amen.

 

Những tin mới hơn:

Ánh mắt dành cho Phêrô, cho Giuđa và ánh mắt nào dành cho chúng ta?
Làm thế nào để yêu thương người khác? (Ga 15,12)
“…để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)

Những tin cũ hơn:

Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ
Hai mẫu gương quảng đại (St 22 - Rm 8)
Viễn cảnh của việc giữ chay từ Cựu Ước đến Tân Ước (Mt 9,14-15)
Ngưỡng cửa Xuân
Lời mời gọi lạ lùng (Mc 1,14-20)
Đến – Xem - Ở lại (Về hành trình cuối năm 2023)
Đi để trở về (2023)
Hai nét đẹp tuyệt vời trong Tin Mừng Luca (Lc 1,26-38)
Khiêm nhường và bé nhỏ (Mt 11,25-27)
Không lãng quên ơn Chúa (Lc 17,11-19)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây