Chiêm niệm theo tinh thần Cha Henri Denis Biển Đức Thuận, Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam
Thứ sáu - 27/06/2025
744 Đã xem
Viện phụ M. Gregorio, O.Cist.
1. “ Mọi Sự Đều Vô Ích, Trừ Ra Sự Kính Mến Chúa” - Một lời cảnh tỉnh cho đời sống chiêm niệm
Lời của cha Biển Đức Thuận: “Mọi sự đều vô ích, trừ ra sự kính mến Chúa” không chỉ là một lời nhắn nhủ mang tính thiêng liêng đạo đức, mà còn là một lối sống, một sự chọn lựa tận căn của người sống đời dâng hiến. Câu nói này vang vọng lời Kinh Thánh: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời…”, nhưng “kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người” (x. Gv 3,1; 12,13). Cha Biển Đức Thuận, người mang trong tim linh đạo Xitô giữa lòng đất Việt, đã để lại một chứng tá mạnh mẽ về sự từ bỏ, và coi mọi sự đều chóng qua, để chuyên chăm vào một điều duy nhất cần thiết là Thiên Chúa.
2. Sự kính mến: Trung tâm của đời sống Đan sĩ
Cha Biển Đức Thuận không rao giảng một kiểu đạo đức bi quan hay khắc khổ trống rỗng. Ngài không bảo chúng ta khinh chê thế giới vì nó xấu, nhưng vì nó không phải là cùng đích của con người. Đối với ngài, mọi sự dù tốt đẹp đến đâu: Tri thức, của cải, danh vọng, hay thành công, nếu không quy về việc kính mến Thiên Chúa, thì đều trống rỗng và vô ích. Chính lòng kính mến này là khởi đầu và là cứu cánh của người Đan sĩ nói riêng cũng như đời sống của Kitô hữu nói chung. Không có lòng kính mến Thiên Chúa, đời sống đan tu trở thành một chuỗi hình thức, đời sống tông đồ trở nên hoạt động trống rỗng, và đời sống gia đình thành sự mỏi mệt. Như Ngài viết trong trong “Lời Giáo Huấn”: “Vậy, chúng tôi chớ có điên khùng dại dột, chăm lo đến việc làm quá mà bỏ quên Chúa đi. Vì mọi sự đều vô ích chóng qua thay thảy, trừ ra một sự kính mến Chúa mà thôi”
3. Bài học từ đời sống âm thầm
Đời sống của cha Biển Đức Thuận là một sự phản chiếu trung thành của lời ngài dạy. Là một người Pháp đến Việt Nam truyền giáo, ngài không chọn con đường lớn lao trước mắt người đời, nhưng ẩn mình trong đời sống chiêm niệm, một đời sống “vô ích” đối với lối nhìn thực dụng. Nhưng chính nơi đó, ngài đã để cho lửa tình yêu Chúa thiêu đốt và trở thành ánh sáng âm thầm cho nhiều thế hệ đan sĩ Xitô Thánh Gia Việt Nam.
Ngài không truyền dạy những chương trình mục vụ, nhưng chỉ để lại một di sản nội tâm là lòng yêu mến Thiên Chúa. Đó là điều duy nhất có giá trị vĩnh cửu, và đó cũng là lý do ngài đặt tên cho Hội Dòng là Thánh Gia, nơi mọi thành viên học lấy sự khiêm hạ, vâng phục và kính mến Thiên Chúa trong âm thầm như Chúa Giêsu, Mẹ Maria, và Thánh Giuse ở Nadarét.
4. Một lối sống trong thời đại hôm nay
Lời của cha Biển Đức Thuận hôm nay vẫn còn vang vọng giữa một thế giới bị phân tán bởi tiêu thụ, tranh đấu, và thừa thãi thông tin. Người trẻ bị cám dỗ chạy theo hiệu quả, tốc độ và cái tôi. Trong khung cảnh ấy, lời ngài như một cái neo tinh thần: “Mọi sự đều vô ích, trừ ra sự kính mến Chúa”, không phải để dạy chúng ta rời bỏ thế gian, nhưng để chúng ta sống giữa thế gian với một trái tim được sắp xếp lại. Làm việc, học hành, phục vụ… tất cả phải được thấm nhuần bằng tình yêu đối với Chúa. Chỉ khi đó, mọi sự mới có giá trị vĩnh cửu.
Lời dạy của cha Biển Đức Thuận nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời Đức Giêsu nói với cô Marta: “Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Phần tốt nhất không phải là làm nhiều, biết nhiều, có nhiều mà là yêu nhiều. Và tình yêu ấy không hệ tại nơi cảm xúc, mà là một sự chọn lựa liên lỉ, để Chúa là trung tâm, là cùng đích của mọi sự.
Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận, (số 7).
Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận, (số 7).