Viện phụ M. Gregorio, O.Cist.
Chúng ta thường nghĩ rằng: Phải hiểu rồi mới tin. Nhưng đức tin Kitô giáo lại mời gọi ngược lại: Hãy tin để hiểu. Tại sao lại như vậy?
Thánh Anselm thành Canterbury, một nhà thần học lớn của thế kỷ XI đã nói: “Tôi tin để hiểu”. Câu này đã trở thành nền tảng cho thần học Kitô giáo. Tại sao? Vì đức tin không phải là sự chấm dứt của lý trí, nhưng mở ra cho lý trí một chiều kích mới, chiều kích của Thiên Chúa, Đấng vượt quá mọi hiểu biết của con người. Hơn nữa, tin không chỉ là gật đầu đồng ý về một mệnh đề, mà là một hành vi của toàn thể con người bao gồm: Lý trí, con tim, ý chí, và cả cuộc sống. Tắt một lời: Tin là tín thác vào một Đấng, chứ không chỉ là đồng ý với một điều.
Chẳng hạn, khi một em bé nhảy vào vòng tay mẹ, em không hiểu luật hấp dẫn, nhưng tin rằng mẹ sẽ đón lấy mình. Khi thánh Phêrô đi trên mặt nước, ngài không hiểu "công thức vật lý", nhưng tin vào lời của Chúa Giêsu: "Hãy đến!"
Như vậy, tin không chống lại hiểu biết, nhưng chính đức tin giúp ta bước vào một chiều sâu mà lý trí tự nó không đạt tới. Ai yêu thì mới hiểu tình yêu. Ai tin vào Thiên Chúa, thì mới có thể hiểu được những mầu nhiệm: Như Thánh Thể, Ba Ngôi, và Nhập Thể…
Thánh Augustinô nói: "Hiểu biết là phần thưởng của đức tin." Khi được truyền tin, Đức Maria không đòi hiểu hết những điều mà Mẹ vừa được nghe từ thiên sứ. Mẹ chỉ thưa: "Xin vâng". Từ lời "xin vâng" ấy, ánh sáng của Chúa Thánh Thần dần soi dẫn Mẹ hiểu chương trình cứu độ từng bước một trong chiêm niệm và cầu nguyện.
Ngày nay, con người muốn kiểm chứng mọi sự, nhưng có những chân lý chỉ ai khiêm nhường tin nhận, thì mới được ban ơn để hiểu. Đức tin không phải là mù quáng, nhưng cũng không phải là kiêu căng đòi Thiên Chúa "giải thích mọi sự" cho mình., nhưng hãy tin với sự khiêm nhường, yêu mến và lắng nghe, rồi chúng ta sẽ hiểu điều mà lý trí tự nó không thể chạm tới. "Đức tin là ánh sáng soi cho lý trí, và lý trí là nhịp cầu nâng đỡ đức tin" (Thánh Gioan Phaolô II, Fides et Ratio).