Trang chủ NGHIÊN CỨU
"Vô vi nhi vô bất vi" của Lão Tử và đời sống đan tu chiêm niệm
"Vô vi nhi vô bất vi" của Lão Tử và đời sống đan tu chiêm niệm
Thứ hai - 22/07/2024
1910 Đã xem
 
M. Anthony, O.Cist.

Tư tưởng của Lão Tử được thu gọn trong một bộ sách duy nhất; đó là Đạo Đức Kinh. Đây là “bộ sách đại diện cho trào lưu tư tưởng Xuất thế (ra khỏi đời) hay tị thế (lánh đời) ở Trung Hoa vào thời Xuân – Thu hoặc thời Chiến – Quốc.”[1] Đạo Đức Kinh bao gồm hai phần Đạo (từ chương 1-37) và Đức (từ chương 38-81). Bộ sách này gồm hơn 5000 ký tự Trung Quốc. Trong Đạo Đức Kinh, tư tưởng về vô vi chiếm một vị trí quan trọng. “Vô vi có thể gọi là danh từ gồm nắm tất cả bộ sách Đạo Đức Kinh. Nó là danh từ tổng yếu bao quát tất cả mọi đề tài đã được giải rõ trong tám mươi mốt chương sách: không có chương nào là không nói đến nó.”[2]

Nhiều người giải thích “vô vi” là “không làm gì hết”. Hiểu như thế là chưa chính xác về tư tưởng của Lão Tử. Triết lí vô vi nằm trong nhiều chương và nhiều câu trong Đạo Đức Kinh, nhưng câu quan trọng nhất là “Đạo thường vô vi nhi vô bất vi”; nghĩa là “Đạo vĩnh hằng không làm nhưng không chẳng làm”. “Không chẳng” nghĩa là “có”. Vì thế, “vô vi nhi vô bất vi” nghĩa là không làm gì nhưng không có gì không làm. Điều này khi mới nghe qua có vẻ như rất mâu thuẫn. Tuy nhiên, vẫn có đó trong Giáo hội Công giáo một hình thức sống chứng thực tư tưởng của Lão Tử là hữu lý.

Có thể thấy rằng, triết lí vô vi của Lão Tử khá gần gũi với đời tu của Kitô giáo, đặc biệt là đời đan tu. Theo lẽ thường, hình ảnh về người tu sĩ hiện lên trong tư tưởng của hầu hết mọi người là những người dâng mình cho Chúa, xả thân phục vụ người nghèo, người khuyết tật, giáo dục, mục vụ, truyền giáo,… Chính vì lẽ ấy, không ít người cho rằng các đan sĩ là những người vô dụng, bởi họ chỉ đơn giản là nhốt mình trong bốn bức tường của đan viện, sống ẩn dật, trốn tránh thế gian và dường như không có ích cho đời sống của Giáo Hội. Nhưng thực chất, lối sống đan tu lại là một lối sống vô vi đích thực, không làm nhưng lại có làm. Các đan sĩ không trực tiếp ra đi rao giảng Tin Mừng, nhưng chính đời sống thầm lặng, buông bỏ tất cả để chỉ sống cho Chúa thôi chính là một lời chứng hùng hồn cho thế giới hôm nay về sự hiện diện của Thiên Chúa. Hằng ngày, các đan sĩ thay mặt cho Giáo Hội cầu nguyện cho mọi nhu cầu của thế giới. Trong lời cầu nguyện, họ tham gia vào việc kéo ơn Chúa xuống cho thế gian. Trên thực tế, việc chỉ cầu nguyện đúng thực là “không làm gì” trước mặt thiên hạ, nhưng không vì thế mà những ưu sầu và lo lắng, những niềm vui, hy vọng của thế gian lại không phải là ưu sầu của chính họ như sự xác định của Hiến chế Vui mừng và Hy Vọng của Công đồng Vaticano II: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” Cũng chính vì hiểu được ý nghĩa của đời sống “làm mà như không làm”, chuyên tâm cầu nguyện của các đan sĩ mà trong Tông huấn Vita Consecrata, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cống hiến cho Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu mà Giáo Hội dành cho Thiên Chúa, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm nhưng phong phú.” Thánh Biển Đức cũng dạy các đan sĩ phải noi theo gương lành của các bậc trưởng thượng, bên cạnh đó, phải giữ luật thinh lặng. Như thế, đan sĩ nêu gương cho nhau bằng chính đời sống chứng tá chứ không phải qua việc khoe khoang ngoài môi ngoài miệng, nhưng bằng chính việc làm, bằng gương sáng. Điều này thể hiện rõ triết lý vô vi. Ngoài ra, sống trong đan viện, đan sĩ từ bỏ hầu hết những gì thế gian đang tìm kiếm như danh vọng, địa vị, của cải, lạc thú và ngay cả ý riêng của bản thân; mục đích tối hậu của họ chỉ là tìm kiếm Thiên Chúa như lời dạy của thánh Biển Đức: “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (Tu luật thánh Biển Đức). Đó cũng là cách thức họ “vi Đạo nhật tổn”, mỗi ngày dần từ bỏ con người và ý riêng mình, mặc lấy con người mới trong Đức Kitô, làm theo ý Trời, tức là thánh ý Chúa theo gương Đức Kitô – Đấng đã lấy thánh ý Cha làm lương thực (x. Ga 4,34), Đấng là mẫu gương tuyệt hảo của vô vi.

Tóm lại, “vô vi nhi vô bất vi” là không làm mà không có gì là không làm, nhưng là thuận theo ý Trời, làm một cách kín đáo, không khoe khoang. Nhiều người nhận định Lão Tử chỉ biết trốn tránh đời, nhưng nếu thực sự suy gẫm về triết lý của ông, ta mới thấy cách thức ông giúp con người tìm ra cách sống giữa đời nhưng tâm luôn an tĩnh. Con người ngày nay vẫn còn đang lao mình vào những đam mê bất tận. Triết học vô vi lại càng có ý nghĩa khi làm cho con người được tự do tuyệt đối, thanh thoát, dứt bỏ được những quyến rũ của đam mê, dục vọng, giúp con người tìm lại được chính mình. Trải qua hàng ngàn năm, tư tưởng về vô vi của Lão Tử không những không bị mai một nhưng lại càng được tìm hiểu, đào sâu, nhất là khi người ta không chỉ tìm thấy nó trong Đạo Đức Kinh, nhưng còn tìm thấy nét tương đồng của nó trong tư tưởng các các triết lí, các tôn giáo khác, trong đó có cả linh đạo Kitô giáo, mà đời sống đan tu là một ví dụ điển hình.
 

[1] Lý Minh Tuấn, Đông Phương triết học cương yếu, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr.217
[2] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Lão Tử tinh hoa, Nxb. Trẻ, tr. 63
 

Những tin cũ hơn:

Về sự bản lĩnh của con người trong tác phẩm "Những bức thư đạo đức" của Lucius Seneca (Luận văn Triết học)
Tôn giáo có mang đến hạnh phúc cho con người không?
Những nguyên nhân giúp cho việc hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
Mối tương quan giữa Nhân và Lễ, Nhân và Nghĩa, Nhân và Trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây