Trang chủ NGHIÊN CỨU
Tôn giáo Mở và Đóng theo Henri Bergson – Một Nhãn Quan Triết Học và Thần Học về Nguồn Mạch Sống Động của Đức Tin
Tôn giáo Mở và Đóng theo Henri Bergson – Một Nhãn Quan Triết Học và Thần Học về Nguồn Mạch Sống Động của Đức Tin
Thứ ba - 17/06/2025
1043 Đã xem
Viện phụ M. Gregorio, O.Cist.

Trong thế giới hiện đại, khi tôn giáo vừa được tôn vinh như nguồn lực đạo đức, vừa bị nghi ngờ như yếu tố gây xung đột, thì câu hỏi căn bản được vang lên: Tôn giáo là gì? Nó khép kín hay mở ra? Nó bảo tồn hay sáng tạo? Triết gia người Pháp Henri Bergson (1859–1941) trong tác phẩm “Die zwei Quellen der Moral und der Religion”, đã đưa ra một phân tích phân biệt “tôn giáo đóng” (geschlossene Religion)tôn giáo mở” (offene Religion), mở lối cho một cách tiếp cận sống động và đầy sức gợi về thực tại tôn giáo.

Với tôn giáo đóng, theo Bergson, là hình thức tôn giáo phát sinh từ bản năng sinh tồn của cộng đồng, được duy trì nhờ thói quen, truyền thống và sợ hãi siêu nhiên. Nó hướng đến việc bảo vệ trật tự xã hội, củng cố tập tục đạo đức, và đặt con người vào trong một hệ thống bổn phận[1].  Đây là tôn giáo của “người bình thường”, của “cái ta tập thể”, duy trì bằng nghi lễ, giới luật, và các thiết chế. Nó đóng vì mục tiêu của nó là sự ổn định chứ không phải sự thăng hoa. Trong nghĩa này, tôn giáo đóng có thể trở thành vỏ bọc, một cơ chế bảo tồn, đôi khi là ngăn cản tiến hóa tinh thần. Đó là tôn giáo của sợ hãi hơn là của tình yêu, của bổn phận hơn là của tự do sáng tạo.

Ngược lại, tôn giáo mở không khởi đi từ nỗi sợ hay bảo vệ xã hội, mà phát xuất từ trực giác sống động của sự Hiện Diện Thánh. Nó là sự bừng tỉnh của linh hồn, mở ra bởi tình yêu sáng tạo, tình yêu vượt thoát khỏi giới hạn bản ngã, mở lòng người ra với tha nhân và với Thiên Chúa.

Tôn giáo mở là tôn giáo của các vị thánh. Chính những linh hồn này, được thúc đẩy bởi một tình yêu siêu nhiên, đã vượt qua ranh giới xã hội để sáng tạo đời sống luân lý mới, đời sống của lòng thương xót, tha thứ, và dâng hiến. Theo Bergson, Đức Giêsu là mẫu mực tuyệt đối của tôn giáo mở, Đấng không lập ra tôn giáo như thể chế, nhưng sống tôn giáo như một luồng sinh khí thần linh, lôi kéo người khác vào sự sống của Thiên Chúa bằng tình yêu vô điều kiện. Đây là nguồn mạch sống của mọi canh tân thiêng liêng[2].

Giáo hội, trong dòng lịch sử, luôn sống giữa hai động lực đóng và mở này. Phụng vụ, tín điều, luật luân lý là cần thiết để bảo vệ đức tin, nhưng nếu thiếu thần khí của tình yêu sáng tạo, tôn giáo sẽ trở nên hình thức, lập đi lập lại, và có nguy cơ đánh mất sức sống.

Thánh Biển Đức, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Đức Gioan XXIII, Mẹ Têrêsa Calcutta, Đức Phanxicô… chính là những chứng nhân cho tôn giáo mở. Các ngài không hủy bỏ truyền thống, nhưng thổi vào truyền thống ấy một tinh thần mới, được linh hứng bởi trực giác yêu thương của Thiên Chúa.

Như vậy, tôn giáo mở mời gọi chúng ta sống cuộc vượt qua nội tâm. Nghĩa là ra khỏi sự an toàn để bước vào sự tín thác. Nó mời gọi một đức tin được linh hứng, chứ không chỉ “học thuộc”. Nó thúc đẩy sáng tạo mục vụ, nhưng không rơi vào tuỳ tiện. Nó dẫn ta tới một cuộc gặp gỡ bản thân với Thiên Chúa, trong tự do và yêu thương[3].

Dĩ nhiên, Henri Bergson không phê phán tôn giáo đóng để phá bỏ tôn giáo, nhưng để kêu gọi nó mở ra với nguồn gốc đích thực của mình, là Sự Sống Thần Linh. Trong nghĩa này, người Kitô hữu được mời gọi trở nên những hiện thân của tôn giáo mở. Nghĩa là không sống vì nỗi sợ, mà vì lòng mến, không đóng khung trong luật lệ, mà vươn tới tha nhân bằng tình yêu, và không giữ đạo như nghĩa vụ, nhưng sống đạo như một sự sáng tạo thánh thiêng.

 
 

[1]Vgl. Henri Bergson, Die zwei Quellen der Moral und der Religion, übersetzt von Elisabeth Rotten, Verlag Felix Meiner, Hamburg.
[2] Vgl. Henri Bergson: Von der statischen zur dynamischen Religion, Kapiel IV, übersetzt von Berger Klaus Würzburg 1984.
[3] Vgl. Henri Bergson, Die zwei Quellen der Moral und der Religion, übersetzt von Elisabeth Rotten, Verlag Felix Meiner, Hamburg.
 

Những tin mới hơn:

Thế nào là TIN ĐỂ HIỂU?

Những tin cũ hơn:

Chúa Ba Ngôi – Mầu nhiệm của tình yêu, sự hiện hữu và tương quan
“Cảnh Giác Những Ước Muốn Xấu Xa” (TL 7, 24): Một chiêm niệm triết học trong chương 7 của Tu Luật Cha Thánh Biển Đức
"Vô vi nhi vô bất vi" của Lão Tử và đời sống đan tu chiêm niệm
Về sự bản lĩnh của con người trong tác phẩm "Những bức thư đạo đức" của Lucius Seneca (Luận văn Triết học)
Tôn giáo có mang đến hạnh phúc cho con người không?
Những nguyên nhân giúp cho việc hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
Mối tương quan giữa Nhân và Lễ, Nhân và Nghĩa, Nhân và Trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây