Trang chủ NGHIÊN CỨU
Những nguyên nhân giúp cho việc hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
Những nguyên nhân giúp cho việc hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
Thứ tư - 25/10/2023
138 Đã xem
M. Giêrônimô, O.Cist.

Ở nước ta, đặc biệt là vùng Nam Bộ từ thế kỷ XIX trở đi, ngoài những tôn giáo du nhập từ nước ngoài, có sự xuất hiện của các tôn giáo nội sinh. Những tôn giáo này được hình thành và phát triển trên nền tảng là lòng yêu nước chống giặc ngoại xâm. Các tôn giáo nội sinh nổi bật và có lưu truyền đến hiện nay gồm có: Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Hoà Hảo, Đạo Cao Đài, Đạo Dừa. Ngoài những tôn giáo đó còn có một số đạo giáo khác đã được hình thành nhưng phần lớn đã tự giải tán sau ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975). Trong số đó có thể kể đến các đạo giáo như: Hội Thông thiên học, Đạo Ba-hai, Đạo Subud, Việt Võ Đạo, Hồng môn Minh Đạo, Tổ tiên Chính giáo, Thiên khai Huỳnh đạo,…[1] Qua các dữ liệu nêu trên, chúng ta có thể thấy được các tôn giáo nội sinh đã phát triển rất nhanh và lan rộng ở Nam Bộ. Vậy, đâu là những nguyên nhân dẫn đến sự hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam?


I. Những nguyên nhân sâu xa
1. Vị trí địa lý thuận lợi, Nam Bộ là nơi giao thoa văn hoá của nhiều sắc tộc
 
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến đó là vị trí địa lí và lịch sử của vùng Nam Bộ. Nơi đây trước kia là một vùng đất sình lầy, hoang vu và là nơi trú ngụ của người Khmer. Mạc Đường viết: “Cho đến trước thế kỷ XVII, người Khmer là thành phần cư dân duy nhất tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ sống khu biệt và không có mối quan hệ hành chính với bất cứ một quốc gia nào thời đó. Từ thế kỷ XVII trở về sau, đồng bằng sông Cửu Long lại là vùng đất nuôi sống và phát triển cho những người dân nghèo cùng cực, những người chống lại phong kiến khắc nghiệt. Phần đông nhất là những nông dân Việt từ miền Trung kéo đến.

Đến cuối thế kỷ XVII, xuất hiện thêm người Hoa theo chân các tướng nhà Minh đến Đàng Trong xin tỵ nạn, được chúa Nguyễn cho vào vùng đất nay là Biên Hòa, Sài Gòn, Mỹ Tho định cư. Những người Hoa buổi đầu đến khai phá Nam Bộ được gọi là người Minh hương. Như vậy, người của các dân tộc Khmer, Việt, Mạ, Stieng, Chăm rồi sau đó là người Hoa đã góp phần khai phá một Nam Bộ còn hoang sơ và cùng nhau tạo nên diện mạo văn hóa đa dân tộc trên vùng đất này. Tất nhiên, lực lượng chủ yếu khai phá Nam Bộ vẫn chính là lưu dân từ Miền Trung Việt Nam di cư vào. Như vậy, tính cách văn hóa đa dân tộc, sự giao thoa tín ngưỡng giữa các dân tộc đã sớm hình thành và tạo nên bản sắc riêng của vùng đất Nam Bộ.[2]

Địa hình Nam Bộ gắn liền với vùng đồi núi trong vùng đồng bằng đã tạo nên một khung cảnh thiêng liêng, huyền bí. Với hệ thống sông ngòi đa dạng, cộng với khi hậu hai mùa mưa nắng thuận hoà nên đời sống tâm linh của cư dân nơi đây cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng.

 
2. Dân cư Nam Bộ sống yêu thương và hoà hợp với thiên nhiên, góp phần tạo nên sự đa dạng trong đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng nơi đây
 
Vùng đồng bằng Sông Cửu Long là một vùng đất màu mỡ, khí hậu thuận hoà nên cuộc sống của cư dân Nam Bộ rất giản dị, hiếu hoà và yêu thương đùm bọc nhau. Con người nơi đây cũng rất hoà hợp với thiên nhiên. Đời sống tâm linh và sinh hoạt tín ngưỡng của người dân bấy giờ chất phác và khá đơn sơ. Trước khi các tôn giáo nội sinh xuất hiện thì dân cư ở đây đã có những sinh hoạt tín ngưỡng cụ thể. Tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng của văn hóa vùng Nam Bộ, phản ánh đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của các cộng đồng dân tộc trên một không gian nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Là một bộ phận của văn hóa cộng đồng, tín ngưỡng vùng Nam Bộ, bên cạnh tính chung, thống nhất của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, còn có tính đặc biệtđặc thù khó lẫn so với các vùng đất khác.[3]

Những tín ngưỡng chủ yếu ở Nam Bộ lúc bấy giờ gồm có: Tín ngưỡng của người Việt: Tín ngưỡng thờ tổ tiên, Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng, Tín ngưỡng thờ Mẫu, Tín ngưỡng thờ cá voi, Tín ngưỡng thờ các nhân vật lịch sử; Tín ngưỡng của người Khmer: Thờ thần bảo hộ, Thần Mặt Trăng và lễ cúng Trăng, Thờ tổ tiên và cúng ông bà; Tín ngưỡng của người Hoa: Thờ cúng tổ tiên và các vị thần bảo hộ tại gia, Thờ Bà Thiên Hậu, Quan Thánh Đế Quân, Ông Bổn…


II. Những nguyên nhân trực tiếp
1. Chế độ phong kiến nhu nhược và ách thống trị hà khắc của thực dân xâm lược
 
Từ thế kỷ XVI trở đi, chủ nghĩa thực dân đế quốc xâm lược các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trước kẻ thù hung hăng và man rợ, vua quan phong kiến đã không làm tròn nghĩa vụ của mình, nhưng trở nên nhu nhược, thoả hiệp và đầu hàng đế quốc thực dân. Trước tình cảnh đó, tầng lớp sĩ phu và nông dân yêu nước đã không chịu khuất phục và liên kết với nhau để chống lại ách đô hộ thực dân.

Không thể chống lại công khai bằng bạo lực quân sự, nho sĩ và nông dân với khuynh hướng quốc gia cực đoan, bài ngoại và mê tín đã sử dụng đạo giáo và thần quyền để tập hợp và tổ chức một cách bán hợp pháp hoặc hợp pháp bí mật, hoặc công khai những lực lượng chống xâm lược ngoại bang và bọn phong kiến chủ đất, lúc ấy đã đầu hàng hoặc thoả hiệp với thực dân ngoại bang.[4]

 
2. Nhân dân cùng cực, đói khổ, tôn giáo hình thành và trở thành nơi trú ẩn.
 
Do chính sách cai trị hà khắc và phản ứng chậm chạp, cộng với sự thoả hiệp của vua quan phong kiến với thực dân xâm lược, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp nông dân lâm vào cảnh mất mùa, đói kém và phải tha hương cầu thực. Trước tình hình đó, để giải đáp nhu cầu cấp thiết không chỉ về mặt tâm linh nhưng còn là về thực trạng đời sống khó khăn của nông dân, các tôn giáo nội sinh đã ra đời. Các vị lãnh đạo tôn giáo ban đầu vừa kết hợp chữa bệnh cho dân vừa truyền đạo và chiêu mộ tín đồ, mà phần đa là những người đến để được chữa bệnh. Không chỉ là thầy thuốc, các vị giáo chủ cũng là những nhà yêu nước và có công khai hoang nhiều vùng đất của Nam Bộ (như Đoàn Minh Huyên hay còn gọi là Phật Thầy Tây An là người có biệt tài chữa bệnh, ông đã lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương).
 
3. Lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân bị áp bức và tinh thần dũng cảm đấu tranh chống giặc ngoại xâm
 
Được thấm nhuần giáo lý của Phật giáo và tinh thần Tứ Ân, đặc biệt là Ân đất nước, tầng lớp sĩ phu và nông dân đã đứng lên khởi nghĩa bằng cách dùng tôn giáo để chống cường quyền và thực dân Pháp như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên lập 1849, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi lập năm 1867, đạo Tưởng do ông Lâm Văn Quốc lập vào đầu thế kỷ XX, rồi đến phong trào chống Pháp mang tên Thiên Địa Hội của ông Phan Xích Long lập năm 1913 cũng mang đậm màu sắc tôn giáo.

Nhận định

 
1. Về vị trí địa lý
 
Nam Bộ là miền đất trù phú và màu mỡ, trải rộng với những vùng đồng bằng rộng lớn phì nhiêu, nên văn hoá âm dương đã in sâu vào lối sống và sinh hoạt tâm linh của người dân. Địa hình  núi non chập chùng xen vào giữa những vùng đồng bằng tạo nên một khung cảnh huyền bí với những thần thoại được thêu dệt nên từ đó. Ở đó có núi Thất Sơn, nơi diễn ra Hội Long Hoa thời Mạt pháp theo như truyền thuyết của đạo. Nam Bộ còn là nơi giàu tài nguyên thiên nhiên và nhiều vùng đất chưa được khai phá. Vì thế, với tinh thần nhập thế của các tôn giáo nội sinh, Nam Bộ được khai hoang góp phần phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho cư dân nơi đây.
 
2. Về văn hoá
 
Là nơi quy tụ của nhiều sắc tộc và nhiều nền văn hoá, Nam Bộ là nơi sinh hoạt của nhiều tín ngưỡng dân gian. Giải pháp cứu độ, nhân sinh quan và vũ trụ quan của các tôn giáo nội sinh rất phù hợp với văn hoá của những người bình dân, chất phác. Vì thế, trước điều kiện văn hoá sẵn có, các tôn giáo nội sinh có nhiều thuận lợi để phát triển và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Giáo lý của các tôn giáo này là sự đơn giản hoá giáo lý nhà Phật và rao giảng về Tứ Ân, đạo Hiếu nên được quần chúng nông dân ủng hộ và như thế có thể chiêu mộ được nhiều tín đồ.
 
3. Về hoàn cảnh lịch sử
 
Vì được đặt nền tảng trên lòng yêu nước, nên cuộc chiến chống giặc ngoại xâm và chính sách cai trị hà khắc của vua quan phong kiến như là duyên cớ để các tôn giáo nội sinh được hình thành. Nhưng hoàn cảnh lịch sử hiện nay đã thay đổi nhiều, trong thời bình, liệu các tôn giáo nội sinh có duy trì được lý tưởng ban đầu về tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc không, khi mà có thể nói là không còn thế lực nào có nguy cơ đe doạ sinh hoạt tôn giáo nữa? Hoặc để có thể duy trì và phát triển, các tôn giáo nội sinh đã hội nhập với điều kiện xã hội như thế nào? Và giải pháp cứu độ của họ liệu còn khả thi chăng?

Lời kết

Có thể nói các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ là sự vươn lên của các tín ngưỡng bản địa. Các tôn giáo này được lập ra đúng thời điểm mà cư dân đang lâm vào cảnh đói khổ bần cùng, tha hương, và đang cần một vị lãnh đạo hướng dẫn họ. Các tôn giáo nội sinh như là cứu cánh cho họ không chỉ về phương diện tâm linh nhưng còn đáp ứng nhu cầu được giải phóng khỏi cảnh áp bức và bất công. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến sự bình an và ổn định cho nhân dân và đem lại niềm hy vọng qua giải pháp cứu độ mà các tôn giáo này đã đề ra.
 
[1] Phan Lạc Tuyên, Nguyệt San Giác Ngộ số 30-32 (tháng 9/1998).
[2] X. Đặng Thế Đại, Mấy Nét Đặc Sắc Của Tín Ngưỡng Dân Gian Nam Bộ, Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 10, 2017, tr. 94-114. https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/299256/46843-37-148299-1-10-20200319.pdf
[3] X. Phạm Tiết Khánh, Về Tín Ngưỡng Miền Tây Nam Bộ, Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021. http://vanhoanghethuat.vn/ve-tin-nguong-cua-cu-dan-vung-tay-nam-bo.htm
[4] Phan Lạc Tuyên, Nguyệt San Giác Ngộ số 30-32 (tháng 9/1998).

Những tin cũ hơn:

Tôn giáo có mang đến hạnh phúc cho con người không?
Mối tương quan giữa Nhân và Lễ, Nhân và Nghĩa, Nhân và Trí
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây