Tôn giáo có mang đến hạnh phúc cho con người không?
Thứ hai - 20/05/2024
1792 Đã xem
M. Giêrônimô, O.Cist.
Hạnh phúc là khát vọng chính đáng của con người. Nó tiệm tiến qua dòng lịch sử và biến thiên theo quan niệm của mỗi người. Hạnh phúc bắt đầu từ việc tìm kiếm nhu cầu vật chất như cơm bánh để tồn tại, sau đó là tìm kiếm những nhu cầu về tinh thần như giải trí, nghệ thuật hay nhu cầu tình cảm, nhu cầu thiêng liêng. Đối với một số người, hạnh phúc đơn giản là có thật nhiều tiền, số khác thì cho rằng hạnh phúc là có được một công việc ổn định lương cao, số khác nữa quan niệm hạnh phúc là mua được một hòn đảo và ở đó vui chơi với các cô gái xinh đẹp cho đến cuối đời,… Nhưng, hạnh phúc đích thực không dừng lại nơi một sở thích hay một tình cảm ích kỷ bệnh hoạn. Trái lại, hạnh phúc phải là kết quả của việc giải thoát con người khỏi mọi lệ thuộc và trở nên “người” hơn. Nói cách khác, hạnh phúc là làm cho con người được thăng tiến trong tự do và nhân bản. Nếu xét theo chiều hướng đó thì tôn giáo có làm cho con người hạnh phúc không? Nếu hạnh phúc là làm cho con người được giải thoát, vậy tôn giáo có đáp ứng được yêu cầu đó không? Rõ ràng, ta có thể thấy rằng tôn giáo là hệ thống các tín điều mà con người phải tuân giữ một cách tỉ mỉ, và phải quy phục cũng như trung thành tôn thờ một Thượng Đế hay một Đấng nào đó. Mà khi quy phục ai là ta đã coi như bị lệ thuộc họ rồi. Vậy, nếu con người bị lệ thuộc thì tôn giáo có làm cho con người thăng tiến và tự do, hay làm cho con người bị vong thân?
Nhân loại hôm nay đang phải đối diện với nhiều học thuyết sai lạc: thuyết thực dụng len lỏi và ăn sâu vào tâm khảm của con người trong mọi giới và mọi nơi; thuyết duy tự do - thượng tôn quá trớn tự do, làm cho con người trở nên phóng đãng và không còn có khả năng chịu trách nhiệm về việc mình làm. Đứng trước những thách đố đó, tôn giáo phải là nơi giải thoát của con người và giúp con người thăng tiến.
- Tôn giáo là gì?
Con người sinh ra đã có tính tôn giáo, tức là đã mang trong mình một ngưỡng vọng về cõi thần linh siêu vượt. Giữa bao nhiêu điều bí ẩn của thiên nhiên, của cõi người ta, những may rủi, hên xui đến kỳ dị của đời sống và định mệnh, con người thấy mình nhỏ bé và thán phục sự hùng vĩ của vũ trụ để rồi bắt đầu le lói một niềm tin sơ đẳng về một Đấng tạo hoá đã làm nên mọi sự. Đặc biệt, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người luôn có khát vọng về những điều thiện hảo như làm lành lánh dữ, yêu thương đồng loại, thảo kính cha mẹ và hoà hợp với tự nhiên. Có thể nói những bước tiến ban sơ đó chính là khởi điểm cho tôn giáo tự nhiên – con người làm theo tiếng nói lương tâm và theo những khát vọng của lòng mình.
Xuất phát từ tín ngưỡng và sự phát triển của tôn giáo tự nhiên, tôn giáo chính thức bắt đầu có một Đấng siêu việt để tôn thờ, có thể chế, hệ thống giáo điều, giáo lý, hệ thống nghi lễ, theo những luật lệ nghiêm chỉnh, có tổ chức phẩm trật và cộng đồng tín hữu đông đảo.
Tôn giáo nào cũng hướng con người đến cái Chân-Thiện-Mỹ. Thiên Chúa giáo kêu gọi tình yêu thương giữa con người với con người, Phật giáo chủ trương bình đẳng, từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha. Ngoài ra, chúng ta còn có thể nêu lên những nét tích cực của nhiều tôn giáo khác, khi các tôn giáo này xây dựng mối quan hệ yêu thương giữa người với người, hướng con người vào những việc thiện, biết giữ gìn đạo đức và xa lánh những điều ác.
- Tôn giáo giải thoát con người
Con người muốn là chính mình thì trước hết phải sống cho nên người đã. Nên người là con người được đầy tràn sự sung mãn nhân tính khi họ biết làm phát triển con người họ một cách điều hòa và đầy đủ về tất cả những phương diện: thể chất, trí thức, tâm đức và xã hội. Một người toàn diện là một người có một thân thể tráng kiện, một khối óc sáng suốt, một lý tưởng phấn đấu.
Tôn giáo không đến để phá huỷ hay bó buộc con người phải quên mất những giá trị đó để rồi phải đánh mất chính mình. Vì tôn giáo nào cũng dạy con người những điều ngay lành, nên khi ở trong một tôn giáo, con người càng có môi trường thuận lợi để thực thi những điều tốt. Khi nghĩ về hạnh phúc Thiên Đàng và cuộc sống mai sau được chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Cha, Người Kitô hữu sẽ luôn giữ mình khỏi những khuynh hướng xấu và thi hành giới luật yêu thương một cách phổ quát như Chúa đã truyền dạy. Còn người Phật tử khi muốn đạt được Niết bàn để trở nên Phật, thì ở trần gian phải gieo nhân tốt và không gây đau khổ cho người khác…
Tất cả các tôn giáo, đều có một đối tượng để cho tín đồ đặt hy vọng và ở đời này làm nhiều việc thiện và sống các giá trị đạo đức thì mới có thể vươn tới đối tượng siêu việt đó. Như vậy, khi tin và hy vọng vào đối tượng tối cao của tôn giáo mình, các tín đồ sẽ không thụ động, nhưng luôn ý thức và chủ động về những việc mình làm nhằm đạt được mục đích tối hậu mà họ đã hết lòng theo đuổi.
Dù quy phục đối tượng siêu việt và có vẻ như lệ thuộc vào Đấng ấy, thì các tín đồ cũng không mất đi tự do. Trái lại họ tìm được thứ tự do đích thực, đó là tự do chọn lựa điều tốt phù hợp với giáo lý lành mạnh để làm chứ không phải là tự do thích làm gì thì làm, hay thượng tôn tự do đến nỗi coi con người là Thượng Đế như học thuyết duy vật đã chủ trương. Vậy khi sống tự do với những khát vọng chân chính, con người càng triển nở và tìm thấy chính mình.
- Không có thứ tôn giáo làm cho con người vong thân
Nếu tôn giáo giúp cho con người phát huy những giá trị nhân văn và nhân bản thì không có lý do gì mà lại nói tôn giáo làm cho con người bị vong thân cả. Về việc có một số tín đồ của các tôn giáo quá khích đến nỗi ôm boom cảm tử, hay chủ trương huỷ diệt người khác để sau này được ban thưởng là cuộc sống hưởng lạc với các tiên nữ trên Thiên Đàng (trường hợp tín đồ Hồi Giáo cực đoan), thì không thể vì thế mà đánh đồng rằng cả hệ thống tôn giáo làm băng hoại con người. Những tín đồ đó đã không dùng lý trí lành mạnh của mình để chọn lựa những điều phải giữ và phải làm. Trái lại, họ lại mù quáng nghe theo những giáo thuyết sai lầm, khiến cho họ phải đánh mất chính mình và trở thành công cụ cho kẻ khác lợi dụng. Như vậy, tôn giáo không làm con người mất đi giá trị, chính con người đã gây nên những cực đoan trong một bộ phận anh em của mình.
Tôn giáo không phải là thuốc phiện của nhân dân; nó cũng không đơn thuần chỉ xuất phát từ sự bất lực và yếu kém của con người; hay từ sự đè nén của các lực lượng thiên nhiên và xã hội; nó không làm cho con người mất khả năng phê phán và tư duy như Karl Marx đã chủ trương. Marx cho rằng tôn giáo làm cho con người vong thân khi nó đè nén tự do và tư duy của con người. Nhưng ông đã lầm vì tôn giáo không phải là một sản phẩm của vật chất như việc ông ta đánh đồng mọi thứ theo quan niệm duy vật. Đối tượng của tôn giáo luôn là những điều thần thiêng và là những điều huyền nhiệm. Vì là những điều huyền nhiệm, nên lý trí không thể thấu hiểu được mà chỉ có thể hiểu được bằng đức tin mà thôi. Nếu như tôn giáo ru ngủ và làm băng hoại con người thì không có lý do gì mà tôn giáo vẫn tồn tại và phát triển. Và nếu chỉ đứng về một khía cạnh nào đó để nhìn tôn giáo một cách tiêu cực thì cái nhìn đó hoàn toàn không khách quan. Con người luôn có khát vọng vươn lên và tôn giáo là môi trường cho họ thực hiện và đạt được khát vọng đó một cách viên mãn.
Kết luận
Đã là con người thì không ai sống một cuộc sống thuần tuý vật chất cả, vì con người không chỉ là xác nhưng còn có hồn. Ngoài những nhu cầu vật chất, con người phải cần đến những nhu cầu tinh thần và tâm linh để sống một cuộc sống tròn đầy. Tôn giáo chính là phần bảo đảm cho sự tròn đầy đó. Thiếu tôn giáo, con người sẽ hành xử với nhau một cách tuỳ tiện và thiếu tình thương. Tôn giáo nuôi dưỡng tình yêu nơi con người qua việc con người phụng sự những thần linh của họ. Vậy, tôn giáo không làm cho con người đánh mất chính mình như một số người đã chủ trương. Trái lại, tôn giáo khơi lên trong con người khát vọng hướng tới sự trọn hảo hay nên như một con người theo đúng nghĩa của nó. Và tôn giáo sẽ làm cho con người hạnh phúc vì trong tôn giáo, con người được thoã mãn những khát vọng chân chính của mình bằng sự cố gắng của bản thân và sự hỗ trợ của các bậc thần linh. Khi chọn tin theo một tôn giáo nào đó, con người không chỉ sống theo cảm tính hay những xúc động của con tim, vì con tim dễ dẫn đến sai lạc nếu không có lý trí dẫn lối. Vậy, phải dùng lý trí để phân biệt và chọn lựa những giá trị nào là tốt lành dẫn đưa con người tới sự giải thoát đích thực chứ không phải mù quáng để rồi bị vong thân trong chính tôn giáo của mình.
x. Trần Ngọc Hoan, Tín Ngưỡng Việt Nam, lưu hành nội bộ, tr. 24-25.