Trang chủ NGHIÊN CỨU
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Thứ hai - 26/02/2024
1085 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
 
Trong dòng lịch sử Giáo hội, từ thời Đức Giáo hoàng Pio IX đến thời Đức Pio XI, có một hiện tượng lạ xuất hiện: Các vị Giáo hoàng đã tự biến mình thành “người tù Vatican". Vậy khái niệm “người tù Vatican” là gì và đâu là nguyên nhân khiến các vị Giáo hoàng lại có quyết định như thế?

Vào triều đại của Đức Pio IX (1846-1878), chủ nghĩa quốc gia dân tộc với tiêu chí giành độc lập chính thể cho quốc gia, tách khỏi vùng lãnh thổ mà quốc gia làm chư hầu cùng với chủ nghĩa quốc giáo với xu hướng làm cho quốc gia được độc lập khỏi cả quyền của hoàng đế và Giáo hoàng đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Do đó, trong thời kỳ này, có một sự đối đầu đầy căng thẳng giữa hai chủ nghĩa nêu trên và quyền Giáo hoàng. Đây cũng là thời kỳ mà nước Ý bị chia cắt Bắc – Nam bởi miền Trung là Nước Giáo hoàng. Năm 1868, tại Vatican, Đức Pio IX đã ra sắc lệnh triệu tập công đồng Vatican I.[1] Khi công đồng Vatican I đang diễn ra, quân đội Ý đánh chiếm Nước Giáo hoàng để thống nhất toàn bộ bán đảo Ý.[2] Điều này không có gì là khó hiểu, bởi trong thời điểm ấy, tại châu Âu, khuynh hướng chủ nghĩa quốc gia dân tộc đấu tranh giành toàn vẹn lãnh thổ đang nở rộ, và nước Ý cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng đó. Việc quân đội Ý đánh chiếm phần đất còn lại của lãnh thổ Nước Giáo hoàng không những làm sụp đổ Công đồng Vatican I mà còn ảnh hưởng đến tài sản, quyền lợi của Giáo hội và quyền thủ lãnh của Giáo hoàng mà Công đồng Trento đã đề cập tới, trong đó có điều khoản yêu cầu các vua chúa phải tôn trọng tài sản của Giáo hội. Kết quả của việc đánh chiếm là Nước Giáo hoàng bị tước đoạt toàn bộ, tài sản của Giáo hội bị chính phủ và quân đội Ý tịch thu.[3]

Trong hoàn cảnh đó, từ tháng 5 năm 1871, các vị Giáo hoàng, từ Đức Pio IX đến Đức Pio XI, đã tự biến mình thành những “người tù Vatican”.[4] “Người tù Vatican” là khái niệm dùng để gọi việc các Đức Giáo hoàng chỉ ở trong nội thành của Vatican chứ không đi ra bên ngoài.[5] Thậm chí, việc bầu chọn Giáo hoàng chỉ diễn ra trong nhà nguyện Sistina; và khi đắc cử Giáo hoàng, vị tân Giáo hoàng không ra trước sảnh tiền đường đền thờ thánh Phêrô để ra mắt công chúng như thường lệ, nhưng chỉ ra mắt nghi thức nhận sứ vụ ngay trong nhà nguyện này. Biến mình thành “người tù Vatican” chính là cách thức mà các vị Giáo hoàng thực hiện một cuộc đấu tranh bất bạo động để phản đối và lên án hành động xâm lăng tàn nhẫn đến độ tiêu diệt một quốc gia đã có cả ngàn năm,[6] và cũng là để đòi quyền lợi cả tinh thần, tôn giáo, vai trò thủ lãnh, quyền Giáo hoàng cũng như liên quan cả đến lợi ích trần thế, nghĩa là tài sản của Giáo hội, vì khi Giáo hội bị tịch thu tài sản, Giáo hội không còn chi phí cho các hoạt động giáo triều cũng như chi phí cho công cuộc truyền giáo. Về phương diện tôn giáo, người ta cho rằng, trước đây, Giáo hoàng là một hoàng đế nên ngài có quyền gây ảnh hưởng trên cả thế giới, nhất là châu Âu. Giờ đây, vì Nước Giáo hoàng bị giải thể nên quyền trần thế của Giáo hoàng cũng biến mất. Điều này dẫn đến nguy cơ quyền tôn giáo của Giáo hội bị tấn công. Như thế, việc xoá sổ nước Vatican đã dẫn đến việc kết liễu quyền trần thế cũng như quyền tôn giáo của Giáo hoàng trên các quốc gia, lãnh thổ khác bởi vì Giáo hoàng được xem như đã mất nước nên không còn bất cứ quyền lực nào. Đó chính là những lý do mà các Đức Giáo hoàng phải đấu tranh một cách bất bạo động để đòi quyền lợi cho Giáo hội. Cuộc đấu tranh bất bạo động này diễn ra xuyên suốt năm triều đại Giáo hoàng từ Đức Pio IX đến Đức Pio XI và đạt được kết quả khi hiệp ước Lateran (11/02/1929) giữa vương quốc Ý dưới thời vua Victor Emmanuel III và Toà Thánh dưới thời Đức Giáo hoàng Pio XI được ký kết.[7] Theo hiệp ước này, mỗi năm, nước Ý phải cung cấp cho Vatican một khoản tiền, và nước Ý cũng có bổn phận phải đảm bảo an ninh cho Vatican. Ngoài ra, hai bên cũng thoả thuận với nhau về một lãnh thổ cho Giáo hoàng rộng 440.000 m2, nằm gọn trên ngọn đồi Vatican. Lãnh thổ này được công nhận là một quốc gia thực thụ không chỉ bởi nước Ý nhưng còn được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc.[8] Với việc công nhận ấy, Đức Giáo hoàng có thể thi hành quyền của mình trên chính quốc gia Vatican với tư cách là nguyên thủ quốc gia trên một lãnh thổ với cơ cấu tổ chức như một quốc gia được công nhận trên toàn thế giới, một quốc gia có chủ quyền được thành lập năm 1929. Đồng thời, với quốc gia Vatican, Giáo hoàng có thể thi hành vai trò thủ lãnh Giáo hội của ngài trên khắp hoàn vũ bởi vì nước Vatican có một Toà Thánh - một thực tại mang chiều kích tôn giáo, siêu nhiên hơn, khác biệt với quốc gia Vatican là thực tại trần thế. Thực tại này có tính tông truyền, được thiết lập trên nền đá tảng là thánh Phêrô và sẽ luôn bền vững như lời xác quyết của Đức Giêsu (x. Mt 16,18), dẫu cho, trong trường hợp xấu nhất, nhà nước Vatican bị giải thể.

Như thế, dưới cái nhìn của đức tin, việc Nước Giáo hoàng bị đánh chiếm và tịch thu tất cả tài sản có thể được xem như cách thức mà Thiên Chúa cải cách, canh tân Nước Giáo hoàng. Ngày nay, tuy quyền Giáo hoàng không còn là quyền chính trị xã hội, nhưng ảnh hưởng của Đức Giáo hoàng về phương diện xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, Giáo hội đã không còn nhắm đến quyền bính trần thế nữa, không còn lạm dụng quyền chính trị của Giáo hoàng như trước đây nữa. Thay vào đó, hình thức nước Vatican chính là cách thức mà Giáo hội tự ý thức mình, sử dụng chính cái mà mình hiện đang có như là một thực tại trần thế, một quốc gia để trở nên một phương tiện, dụng cụ phục vụ cho công ích, hoà bình, hiệp nhất, yêu thương, và Đức Giáo hoàng cũng trở thành trung tâm của sự hiệp nhất của Giáo hội.

Tóm lại, hiện tượng “người tù Vatican” trong dòng lịch sử Giáo hội chính là một hình thức đấu tranh bất bạo động của các triều đại Giáo hoàng từ Đức Pio IX đến Đức Pio XI để bảo vệ quyền lợi cho Giáo hội trước những thách thức của thời đại, đồng thời cũng là dấu chỉ để Giáo hội tự ý thức về sự hiện hữu của mình giữa lòng nhân thế. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng, Thiên Chúa vẫn luôn có những cách thức để gìn giữ cũng như cải cách Giáo hội của Người – Giáo hội mà chính Người đã thiết lập với sứ mạng mang yêu thương, hoà bình, hiệp nhất cho toàn thế giới.
 
[1] X. Philippe Tourault, Nhập Môn Lịch Sử Giáo Hội, (Saigon: Học Viện Đa Minh, 2020), 290.
[2] Vatican News, Vatican City Turns 91, truy cập ngày 20.1.2024, https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2020-02/vatican-city-lateran-treaty-holy-see-pope.html
[3] X. Philippe Tourault, 291.
[4] Lm. Augustino Nguyễn Văn Trinh, Lịch Sử Hội Thánh Qua 21 Công Đồng, (Saigon: Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2004), 261.
[5] X. Bùi Đức Sinh, OP, Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, (Saigon: Chân Lý, 1972), 216.
[6] X. Bùi Đức Sinh, 216.
[7] Vatican News, Vatican City Turns 91, truy cập ngày 20.1.2024, https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2020-02/vatican-city-lateran-treaty-holy-see-pope.html
[8] X. Bùi Đức Sinh, OP, 401-402.

Những tin mới hơn:

Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos

Những tin cũ hơn:

Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Jesus is a true man
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây