Trang chủ NGHIÊN CỨU
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Thứ tư - 24/01/2024
896 Đã xem
M. Augustino, O.Cist.

Đáp lại lệnh truyền Đức Giêsu:“Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19), Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra “Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng” với nỗi khao khát một Giáo Hội đi ra loan báo Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Trong tông huấn, Đức Thánh Cha đã đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng như: Cuộc cải tổ của Hội Thánh trong việc mở rộng truyền giáo; các cám dỗ cho những người hoạt động mục vụ; Hội Thánh, hiểu như là toàn thể dân Chúa loan báo Tin Mừng; bài giảng và việc chuẩn bị; người nghèo trong xã hội; hoà bình và đối thoại; các động cơ thiêng liêng cho việc truyền giáo. Trong đó, vai trò của người giảng thuyết qua việc soạn bài giảng là một điều không thể xem nhẹ trong thế giới ngày nay. Đức Thánh Cha đã nhắc nhở những người có trách nhiệm rao giảng Lời của Chúa phải có thời gian chuẩn bị bài giảng một cách chu đáo. Cụ thể trong số 152, ngài đã đưa ra một phương thế hữu hiệu để người giảng thuyết biết được sứ điệp trọng tâm của bản văn Kinh Thánh đó là thường xuyên thực hành Lectio Divina. Từ việc thực hành này, người giảng thuyết mới có được sự phân định chín chắn trong khi thi hành sứ vụ. Trong khuôn khổ bài viết ngắn, người viết xin được trình bày đôi nét về Lectio Divina, tương quan của người giảng thuyết trong việc thực hành Lectio Divina, và những khó khăn có thể người giảng thuyết gặp phải trong khi thi hành sứ vụ.
 
1. Lectio Divina
 
            Theo nghĩa thông thường của từ ngữ, “lectio” không phải là một cách đọc Kinh Thánh mang tính chất riêng tư một mình, không phải là một việc nghiên cứu khoa học hay văn hóa, cũng không phải là một việc suy niệm suông, nhưng là đặt mình trong sự lắng nghe và đối thoại với Lời của Chúa. Còn thuộc tính “divina” kèm theo để xác định rõ đối tượng của việc đọc (lectio) là Lời Chúa. Qua cách đọc này, con người được đưa vào trong sự đối thoại thân mật và riêng tư với chính Thiên Chúa.

            Louis Bouyer, một thần học gia Công Giáo, người Pháp, sống vào thế kỷ XX, cũng đã cố gắng mô tả Lectio Divina, khi ông đề cập đến một cách đọc Lời Chúa mang tính cá nhân, một cách đọc cần phải được thực hiện trong đức tin và trong tinh thần cầu nguyện, đồng thời phải luôn tin tưởng vào sự hiện diện thật sự của Thiên Chúa trong bản văn Kinh Thánh. Chính Ngài nói với chúng ta qua bản văn Kinh Thánh và trong đó, người tín hữu tìm cách đáp trả trong tinh thần vâng phục và trong sự phó thác hoàn toàn, cả trong lời hứa cũng như trong sự đòi hỏi của Thiên Chúa[1].

            Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng cũng mô tả như sau:“Lectio Divina là đọc Kinh Thánh, dài hay ngắn, đọc cá nhân hay đọc chung trong cộng đoàn. Đoạn văn này trước tiên được đón nhận như là Lời Chúa, sau đó được triển khai qua việc suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần”[2].

            Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nhắc lại vắn tắt những bước căn bản của Lectio Divina như sau: Nó được bắt đầu bằng việc đọc “lectio” và tự bản thân đưa ra câu hỏi, bản văn Kinh Thánh muốn nói gì? Sau đó, là suy niệm “meditatio”, với câu hỏi: bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta? Rồi đi tới phần cầu nguyện “oratio” với câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Cuối cùng, Lectio Divina kết thúc bằng sự chiêm ngưỡng “contemplatio”, chúng ta tự hỏi: Đức Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống như thế nào? Thế nhưng, cũng nên nhớ rằng Lectio Divina không kết thúc trong năng động của nó bao lâu nó chưa mở ra với hành động “actio”, thúc đẩy người tín hữu dâng hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái[3].

            Tóm lại, Lectio Divina là một cách đọc cần phải dẫn đến cầu nguyện và đến việc thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Nghĩa là nhắm thiết lập một tương quan cá nhân và thật sự với Thiên Chúa, chính Người nói với chúng ta qua Kinh Thánh. Lectio Divina là cách đọc một đoạn Kinh Thánh, được thực hiện trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để Lời Chúa trở thành lời cầu nguyện của chúng ta và biến đổi cuộc sống chúng ta.

 
2. Lectio Divina trong tương quan của người giảng thuyết
 
            Mở đầu Hiến Chế Dei Verbum, Công Đồng Vaticanô II đã nhắc lại lời của Thánh Gioan tông đồ: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời, sự sống vẫn luôn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi: chúng tôi loan báo cho anh em điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, phần chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô” (1Ga 1,2-3)[4]. “Nghe”, “thấy”, “chiêm ngưỡng”, và “chạm đến” là những động từ xác thực một cách chính xác các tông đồ là những chứng nhân trực tiếp của “Lời Sự Sống”. Đó là Ngôi Lời nhập thể có sự sống nơi mình và thông ban sự sống đó cho nhân loại (x.1Ga 5,11-13). Hội Thánh thật khôn ngoan khi dùng chính bản văn Kinh Thánh này để mở đầu hiến chế tín lý quan trọng trong việc lưu truyền mặc khải và loan báo ơn cứu độ cho muôn dân.

            Người giảng thuyết nhận nơi mình sứ vụ loan báo Tin Mừng, phải là người loan báo cho người khác điều đã thấy, đã nghe, đã chiêm ngưỡng, và đã đụng chạm đến. Họ phải là những người gắn bó với Thánh Kinh, nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh và học hỏi kỹ càng, để đừng có ai trở thành “kẻ hời hợt rao giảng Lời Thiên Chúa ngoài miệng bởi đã không lắng nghe Lời đó trong lòng” trong khi họ phải thông truyền, nhất là trong Phụng vụ thánh, những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa cho các tín hữu đã được giao phó[5].

            Bên cạnh đó, để phòng những giáo lý sai lạc, thánh Phaolô đã khuyên thánh Timôthê: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc. Anh biết anh đã học với những ai. Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3,14 – 17). Một điều chắc chắn mà người giảng thuyết phải xác quyết trong khi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng: Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất do Chúa Thánh Thần linh hứng[6], và rất có ích trong việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục. Điều này thật sự đúng đắn, bởi lẽ cũng như tất cả mọi người trên thế giới, ai cũng đều thích được người khác nói với mình bằng “tiếng mẹ đẻ” của mình, thì cũng vậy, trong đức tin, chúng ta thích được người khác nói với mình bằng “văn hoá mẹ” của chúng ta, bằng tiếng bản xứ của chúng ta (x.2Mcb 7,21 - 27)[7]. Tiếng bản xứ trong đức tin đó phải là Lời Chúa, vì “anh em đã đón nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản tính của lời ấy”(1Tx 2,13).

            Như thế, để thông truyền cho người khác đúng bản tính của Lời đòi buộc người giảng thuyết phải thấy, đụng chạm và chiêm ngưỡng được Lời ban sự sống. Một khi đã sống trong Lời sự sống, chắc chắn họ sẽ mang trong mình những hoa quả đích thực của thần khí[8].

            Chính trong việc thực hành Lectio Divina một cách thường xuyên sẽ giúp họ đụng chạm đến Lời Chúa, và chính Chúa Thánh Thần tác động sẽ giúp họ chuẩn bị bài giảng để giảng dạy một cách tốt nhất. Qua việc thực hành này, người giảng thuyết có một đời sống mật thiết với Thiên Chúa, hiểu rõ hơn về Lời của Người trong từng bản văn Kinh Thánh để phân định cho đời sống nội tâm. Từ đó họ có những kinh nghiệm trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, là nhịp cầu nối kết Thiên Chúa với dân của Người. Vì thế, việc rao giảng Lời Chúa trong phụng vụ không chỉ là thời gian suy niệm hay huấn giáo, nhưng còn là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các hành vi cứu độ vĩ đại được công bố và các đòi hỏi của giao ước được liên tục nhắc lại[9].

 
3. Thách đố của người giảng thuyết trong việc thực hành Lectio Divina
 
            Việc thực hành Lectio Divina là vô cùng cần thiết cho người giảng thuyết không chỉ để cho việc soạn bài giảng, nhưng còn là trong hành trình đức tin của chính mình. Tuy nhiên, để việc thực hành Lectio Divina có tính cách thường xuyên và mang lại hiệu quả, người giảng thuyết cũng gặp muôn vàn thách đố.

            Một cám dỗ thường thấy nơi người giảng thuyết là thái độ làm biếng, không muốn bỏ công sức, thời gian, và kỷ luật cho việc thực hành Lectio Divina. Vì không đủ thời gian để đọc, học hỏi, suy gẫm và cầu nguyện với Thiên Chúa trong Lời của Người, nên nhiều nhà giảng thuyết chỉ muốn chuẩn bị bài giảng theo kiểu “mì ăn liền”, góp nhặt từ những ý tưởng trên mạng để giảng dạy cho dân chúng. Điều tệ hại hơn, vì không có được đời sống nội tâm sâu lắng, không có được ơn phân định của Thần Khí, họ cố gắng lèo lái Lời Chúa để biện hộ cho những hành vi của mình[10]. Họ cố gắng áp đặt tư tưởng của bản thân trên bản văn Lời Chúa thay vì “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Ðức Kitô Giêsu là Chúa; còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Ðức Giêsu” (2 Cr 4,5).

            Trong khi thực hành Lectio Divina, đụng chạm đến Lời của Chúa, người giảng thuyết cũng dễ bị cám dỗ cảm thấy bối rối hay khó chịu. Họ cũng có thể nghĩ về ý nghĩa của bản văn dành cho người khác, vì thế họ tránh áp dụng nó cho đời sống của chính mình. Với sự hiểu biết của bản thân, họ cũng có thể coi nhẹ ý nghĩa hiển nhiên của bản văn Kinh Thánh, trong khi Lời của Chúa luôn sống động qua từng ngày sống của mỗi người. Hoặc người giảng thuyết cũng có thể thắc mắc không biết Chúa có đang đòi hỏi quá nhiều ở họ, đòi hỏi một quyết định mà họ chưa sẵn sàng để thực hiện. Những cám dỗ này khiến nhiều người không còn hứng thú gặp gỡ lời Chúa nữa[11].

            Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung về chủ đề “cầu nguyện, biết rõ chính mình giúp chúng ta trưởng thành trong tự do” đã cho chúng ta thấy rõ có một thứ cám dỗ tinh vi của ma quỷ trong thế giới ngày nay. Ngài diễn giải: Trong thời buổi công nghệ tiên tiến, chúng ta thường có những mật khẩu riêng tư để tìm đến những ứng dụng trên “internet”. Đời sống thiêng liêng cũng cần có những mật khẩu như thế, chúng ta biết những mật khẩu đó, nhưng điều quan trọng là ma quỷ cũng biết những mật khẩu của chúng ta. Cám dỗ không nhất thiết là làm điều xấu, nhưng chúng thường bày ra những điều lộn xộn trong tâm trí chúng ta. Chúng đẩy những điều chính yếu ở lại phía sau, và đưa những điều phụ lên tầm quan trọng quá mức, và tìm cách thu hút người khác bằng sự hấp dẫn, luôi cuốn. Vì thế, cảm giác trống rỗng, buồn bã đã làm cho chúng ta mất phương hướng trong phân định để hiểu rõ điều Chúa muốn, và cả bản thân ước muốn[12]. Đó cũng có thể là cám dỗ mà người giảng thuyết mắc phải trong khi thực hành Lectio Divina và thi hành sứ vụ.

            Những cám dỗ trên đây đã đẩy người giảng thuyết vào lối sống mang “tính thế tục trong đời sống thiêng liêng”[13]. Họ chọn cho mình lối sống an nhàn trên những tiện nghi và những thú vui tao nhã, và xem đó là cái quyền mà họ được hưởng trong bối cảnh thời đại. Họ dễ rơi vào tình trạng mất cân bằng cảm xúc, mất phương hướng và ý nghĩa đời mình. Một khi bị chai lỳ cảm xúc, người giảng thuyết dần trở nên sống vô cảm với Thiên Chúa, với các tín hữu và ngay cả với chính mình. Không còn rung cảm trước sự hiện diện của Thiên Chúa, với tha nhân thì sẽ đi tìm tiện nghi, thú vui, sống lười biếng và bất mãn với thực tại. Không còn rung cảm trước bản thân mình thì dẫn đến sống an phận, an toàn một cõi và tự nhốt mình trong đó mà không tìm được ý nghĩa đích thực của đời mình là ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa đã trao ban. Một khi đã chai lì cảm xúc, họ mất luôn đời sống cầu nguyện, quên luôn việc phải thực hành Lectio Divina hằng ngày để biết được ước muốn của Thiên Chúa và biết mình thực sự muốn gì[14]. Sự trở ngại lớn nhất giờ đây không phải là bản tính vô hình của Thiên Chúa trong các bản văn Lời Chúa, nhưng là họ không biết mình cho đầy đủ. Vì không phân định để hiểu rõ chính mình, nên họ thường ẩn mặt trong chiếc mặt nạ mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong chính bản văn Kinh Thánh. Thử hỏi, làm sao họ có thể hiểu được ước muốn của Thiên Chúa nếu không đụng chạm đến Lời của Người? Làm sao họ có thể rao giảng cho người khác nếu như họ không thực sự biết ước muốn của Thiên Chúa, của chính mình và của tha nhân?

            Kết Luận

            “Tiến tới chức linh mục là nhận nhiệm vụ của người loan tin, tức là lớn tiếng kêu để báo trước rằng Vị Thẩm Phán uy hùng sắp ngự đến. Vậy làm linh mục mà không biết giảng thì có khác gì người loan tin mà lại câm, liệu người đó sẽ kêu như thế nào ? Vì thế, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các vị mục tử đầu tiên dưới hình lưỡi lửa: quả thật, những kẻ Người đã làm cho tâm hồn được đầy tràn, thì tức khắc Người biến họ thành những con người biết nói”[15]. Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô đã đưa ra lời giáo huấn trên để nhắc nhở sứ vụ cao cả của người mục tử, đặc biệt là cho chính bản thân Ngài. Khi mang trong mình sứ vụ người rao giảng mà không biết phải giảng dạy, loan tin thế nào thì chẳng khác gì bị câm. Bên cạnh đó, Ngài nhấn mạnh đến sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm việc trong tâm hồn của người giảng thuyết, biến họ thành những người biết nói. Nhưng để Chúa Thánh Thần thực sự hoạt động trong mình, để lời rao giảng sinh nhiều hoa trái của Thần Khí đòi buộc người giảng thuyết không chỉ có kiến thức nhất định về thần học, nhưng cũng cần phải có đời sống cầu nguyện để có ơn phân định. Việc thực hành Lectio Divina thường xuyên sẽ giúp cho người giảng thuyết chiêm ngưỡng thực tại khôn ngoan của Thiên Chúa, và giúp họ có được ơn phân định Thần Khí. Trong việc thực hành này, Lời Thiên Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để biện phân: “Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Tiêu chuẩn ấy giúp người giảng thuyết biết phân định việc nên làm, hay không nên làm trong đời sống đức tin, và cũng làm cho họ trở thành người giảng dạy Lời Chúa mang ơn cứu độ qua việc sửa dạy người khác. Bởi lẽ, họ làm sao sửa được lỗi của người ta, nếu họ sao lãng đời sống của mình? Khi để tâm lo các việc đời, hăng say làm những việc bên ngoài, dửng dưng với những việc bên trong, thì quả thật họ là những người giảng thuyết hữu danh nhưng mà vô thực[16].

            Tóm lại, Lectio Divina là phương pháp cầu nguyện với Lời Chúa hữu ích cho người giảng thuyết trong việc soạn bài giảng, giúp họ nắm được trọng tâm của bản văn Kinh Thánh để phân định cách đúng đắn trong sứ vụ, ngay cả trong đời sống cá nhân của người mục tử. Tuy nhiên, Lectio Divina cũng cần được thực hành sâu rộng trong toàn thể Giáo Hội, để mọi Kitô hữu đón nhận được ân huệ thiêng liêng từ Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khởi xướng cho việc thực hành này giúp mọi người tín hữu làm mới lại đời sống thiêng liêng qua việc sống Lời của Chúa trong suốt hành trình đức tin của mình nơi dương thế.


 
 

[1]LM.GIORGIO ZEVINI, “Lectio Divina Trong Cộng Đoàn Kitô Hữu: Linh Đạo – Phương Pháp – Thực Hành”, Lm.M.GB. Nguyễn Tiến Dũng (chuyển ngữ), tr 47 -50.
[2]UBKTGH, Việc Giải Thích Kinh Thánh Trong Hội Thánh, Học Viện Đa Minh (chuyển ngữ), năm 2004, tr 138.
[3]x.ĐGH BENEDICTO XVI, Tông Huấn Verbum Domini, số 87, Uỷ Ban Kinh Thánh Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (chuyển ngữ).
[4]VATICANO II, Hiến Chế Dei Verbum, số 1, bản dịch của UB/GLĐT/HĐGMVN.
[5] Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 25, bản dịch của UB/GLĐT/HĐGMVN .
[6]x.Vaticanô II, Hiến Chế Dei Verbum, số 11, bản dịch của UB/GLĐT/HĐGMVN .
[7]x.ĐGH Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 139, bản dịch của UB/LBTM/HĐGMVN.
[8]x.Lm. Giorgio Zevini, “Lectio Divina Trong Cộng Đoàn Kitô Hữu, Linh Đạo – Phương Pháp – Thực Hành”, Lm. M.GB. Nguyễn Tiến Dũng (chuyển ngữ), tr 129 - 131.
[9]x.ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium, số 137, bản dịch của UB/LBTM/HĐGMVN.
[10]x.LM. BERNARD PHẠM HỮU QUANG, PSS (biên soạn), “Giải Thích Thánh Kinh: Lịch Sử - Phương Pháp - Thần Học - Ứng Dụng”, Nxb Đồng Nai, năm 2020, Tr  662 – 663.
[11]x.ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 152, bản dịch của UB/LBTM/HĐGMVN.
[12]ĐGH PHANXICÔ, Tiếp Kiến Chung Về Chủ Đề “Cầu Nguyện, Biết Rõ Chính Mình Giúp Chúng Ta Trưởng Thành Trong Tự Do”, Đài Radio Vatican New Tiếng Việt, thứ 4 ngày 05/10/2022.
[13]x.ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, số 93 – 97, bản dịch của UB/LBTM/HĐGMVN.
[14]ĐGH PHANXICÔ, Tiếp Kiến Chung Về Chủ Đề “Ước Muốn Là La Bàn Để Phân Định Hướng Đi Của Chúng Ta”,  Đài Radio Vatican New Tiếng Việt, thứ 4 ngày 12/10/2022.
[15]x.THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGORIO, Trích Sách Quy Luật Mục Vụ, Nhóm Phiên Dịch CGKPV (chuyển ngữ), Bài Đọc II - Kinh Sách, Chúa Nhật XXVII, Mùa Thường Niên.
[16]x.THÁNH GIÁO HOÀNG GRÊGORIO, Trích Bài Giảng Về Tin Mừng, Nhóm Phiên Dịch Các GKPV (chuyển ngữ), Bài Đọc II - Kinh Sách, thứ 7, tuần XXVII, Mùa Thường Niên.
 
 

Những tin mới hơn:

Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos

Những tin cũ hơn:

Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Jesus is a true man
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây