Trang chủ NGHIÊN CỨU
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Thứ ba - 24/10/2023
91 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.

“Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực” (PV 14).

Theo giáo lý của Hội Thánh Công giáo, phụng vụ là việc Hội Thánh dự phần và tiếp tục công trình cứu chuộc của Đức Kitô, qua việc thực thi chức năng tư tế của Người trong Chúa Thánh Thần, để tôn thờ, ca ngợi và tạ ơn Chúa Cha (x. GLHTCG 1069; 1071).[1] Như thế, phụng vụ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của Hội Thánh nói chung, và của từng Kitô hữu nói riêng. Thật vậy, trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (1963), Công đồng Vaticano II đã xác tín rằng: “Phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu, nơi đây các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực” (PV 14). Vậy, phải hiểu xác tín trên như thế nào?

Trước hết, đâu là “tinh thần Kitô hữu đích thực”? Khi lãnh nhận bí tích rửa tội, người chịu phép rửa trở thành Kitô hữu, đồng thời được tham dự vào ba chức năng của Chúa Giêsu là tư tế, ngôn sứ, và vương đế (x. 1Pr 2, GLHTCG 897, 1268). Khi thực thi ba chức năng này, Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, mặc lấy Chúa Kitô, mang Chúa Kitô vào thế giới, đến với mọi người. Đó cũng chính là tinh thần của Kitô hữu đích thực: Kitô hữu luôn quy hướng về Đức Kitô, lấy Đức Kitô là trung tâm điểm của đời mình, duy trì mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người qua việc phụng sự Thiên Chúa và yêu thương, phục vụ tha nhân, như tâm tình của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Kitô hữu không cần tìm kiếm tinh thần ấy ở đâu xa xôi. Trên thực tế, tất cả tinh thần ấy đều có thể tìm thấy trong phụng vụ. Theo gốc chữ Latin, phụng vụ là “liturgia”; theo truyền thống Kitô giáo, thuật ngữ này được hiểu là dân Thiên Chúa dự phần vào công việc của Thiên Chúa.[2] Ngoài ra, thánh Gioan nói rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Vì thế, có thể hiểu rằng, công việc của Thiên Chúa chính là yêu thương. Chính bởi yêu thương mà Thiên Chúa đã dựng nên đất trời và muôn loài trong đó. Cũng chính bởi yêu thương mà khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã không tiêu diệt họ, nhưng trái lại, Người “yêu thế gian đến độ đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Khi Kitô hữu tham dự phụng vụ, họ được dự phần vào việc yêu thương vĩ đại ấy của Thiên Chúa, để rồi sau đó, từ chính Tình Yêu đã được lãnh nhận, họ lấy tình yêu đáp trả Tình Yêu, và quảng đại trao ban tình yêu cho mọi người. Chính Đức Giêsu cũng đã chỉ rõ ra rằng tinh thần yêu thương nhau đích thực là tinh thần Kitô hữu, qua đó người ta nhận biết được ai là Kitô hữu đích thực: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Thứ đến, tại sao lại nói “phụng vụ là nguồn mạch trước tiên và thiết yếu” cho các tín hữu? Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô xác tín rằng Hội Thánh là chi thể trong một thân thể mà Đức Kitô là đầu (x. Cl 1,18). Ngoài ra, giáo lý của Hội Thánh Công giáo xác quyết rằng: “Phụng vụ, là công trình của Đức Kitô, cũng là hành động của Hội Thánh Người. Phụng vụ thực hiện và biểu thị Hội Thánh như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ Đức Kitô. Phụng vụ dẫn các tín hữu vào sự sống mới của cộng đoàn” (GLHTCG 1071). Như thế, chính vì phụng vụ là công trình, là hành động của Đức Kitô, Đấng là đầu của Hội Thánh, nên có thể hiểu được vì sao thánh Công đồng lại dùng tính từ “trước tiên” để nói về phụng vụ. Hơn nữa, tính từ “trước tiên” gợi lên trong tâm thức người nghe, người đọc về một vị trí quan trọng, vị trí ưu tiên hàng đầu. Qua đó, Kitô hữu nhận ra được vai trò trọng yếu của phụng vụ trong đời sống Giáo hội, rằng phụng vụ là cách thức họ có thể gặp gỡ, trò chuyện, kết hiệp với Chúa tốt nhất, thay vì đi tìm kiếm Chúa nơi những thực tại khác. Kế đến, nói rằng phụng vụ là nguồn mạch “thiết yếu” bởi vì Giáo hội không thể tiếp tục hiện diện mà thiếu vắng phụng vụ. Hay có thể nói rằng, Giáo hội sẽ không còn là Giáo hội nữa khi phụng vụ không còn được cử hành; vì từ bỏ cử hành phụng vụ cũng đồng nghĩa với việc mầu nhiệm cứu độ không còn được tưởng nhớ, không còn được hiện tại hoá; Giáo hội không còn cầu xin ân sủng của Thiên Chúa; thân thể tách rời khỏi Đầu, cành nho tách rời khỏi Thân Nho. Đó là lúc sự hiệp thông giữa con người và Thiên Chúa bị cắt đứt, sự sống không thể thông truyền từ Thiên Chúa cho con người hưởng nhờ; đó cũng là lúc Chúa Kitô bị gạt sang một bên, là ơn cứu độ bị chối từ; và hậu quả khôn cùng cũng hiển hiện: đời sống của Giáo hội bị đe doạ bởi những thế lực bóng tối và sự dữ, vì Đức Kitô đã nói: “Không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,5). Vì thế, một điều cần phải nhấn mạnh rằng không thể thiếu vắng phụng vụ trong đời sống của Giáo hội. Công đồng Vaticanô II xác quyết rằng: “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội” (PV 10). Khi tham dự phụng vụ, Kitô hữu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; họ tôn thờ, tạ ơn Đấng Tạo Hoá và cầu xin cho ơn cứu độ.[3] Từ đó, họ kín múc ân phúc và được chúc lành; bởi vì trong phụng vụ “Chúa Cha được nhận biết và được tôn thờ với tư cách là nguồn gốc và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ; trong Ngôi Lời của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc lành của Ngài, và nhờ Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta hồng ân chứa đựng mọi hồng ân: đó là Chúa Thánh Thần” (GLHTCG 1082). Qua phụng vụ, nhất là các bí tích và thánh lễ, Đức Kitô, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha và tuôn đổ Thánh Thần trên thân thể Người là Hội Thánh, truyền thông ân sủng của Người cho Giáo hội.[4] Chính thánh Gioan cũng đã xác quyết điều đó khi nói rằng: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Như thế, thật đúng đắn khi nhận định rằng Công đồng Vaticanô II đã góp phần giúp các Kitô hữu nhận thức được tầm quan trọng của phụng vụ, với vai trò là “nguồn mạch trước tiên và thiết yếu để Kitô hữu kín múc tinh thần Kitô hữu đích thực”; Kitô hữu được sống đúng với căn tính Kitô giáo của mình. Và một khi biết tầm quan trọng của phụng vụ, thiết nghĩ các Kitô hữu cũng nên nâng cao ý thức khi tham dự cũng như cử hành phụng vụ, đúng với tinh thần mà Công đồng Vaticanô II đưa ra, đó là phải năng tham dự phụng vụ, nhưng không phải một cách hời hợt, mà là tham dự “một cách ý thức, tích cực và có kết quả”[5] hầu có thể tôn vinh Thiên Chúa cách xứng hợp, lãnh nhận hồng ân của Chúa và trao ban hoa trái của tình yêu cho những người xung quanh mình.



 

 
[1] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ ban Giáo lý Đức tin, Ban Từ vựng Công giáo, Từ điển Công giáo, (Nxb. Tôn giáo, 2019), 698.
[2] x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 1069.
[3] x. Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 6.
[4] x. GLHTCG 1084
[5] x. Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, số 11.

Những tin mới hơn:

"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel

Những tin cũ hơn:

Jesus is a true man
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
“Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17)
Sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tinh thần “quân bình” trong Tu luật thánh Biển Đức
Cha Tổ phụ Henri Denis và nếp sống đan tu theo truyền thống gia đình Việt
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây