Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Chủ nhật - 16/06/2024
1089 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
Trong bài giáo lý ngày 21.11.2018 liên quan đến những Điều răn cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Có những người biết cách rung cảm, biết cách xót thương người khác, vì chính bản thân họ đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương”(ĐGH.PHANXICÔ, Mười Lời: giáo lý về Mười Điều Răn,NXB. Tôn Giáo, 2022, tr. 126-127).Câu nói này đã gợi lên trong lòng người viết rất nhiều suy tư, nhất là về lòng trắc ẩn trong đời sống thánh hiến.
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16); và trong suốt chiều dài của lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã chứng thực điều ấy. Ngay từ những trang đầu tiên trong Kinh Thánh, khi nguyên tổ loài người sa ngã trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã không ruồng rẫy con người do chính Người dựng nên, nhưng hứa ban cho họ ơn cứu độ (x. St 3). Cũng vậy, lịch sử của dân tộc Israel, dân được Chúa chọn, là lịch sử của lòng thương xót với những chuỗi ngày của TỘI – HỐI – CỨU. Thật vậy, dân đã phạm tội, nhưng sẽ được Thiên Chúa cứu nếu như họ biết quay về với Người. Điều này đã được minh chứng qua lời của tác giả Thánh Vịnh: “Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí” (Tv 78,38), “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ vẫn một lòng thành tín” (Tv 100,5),…
Với tình thương và lòng thành tín, Thiên Chúa đã luôn đi bước trước trong “cuộc tình” của chính Người với nhân loại. Một trong những bước trước ấy chính là việc Người ban cho dân Lề Luật, và cụ thể là Mười Điều Răn. Mười Lời này cũng chính là cách thức Thiên Chúa tỏ lộ tình thương của Người, và cũng là cách mà Thiên Chúa chỉ cho con người thấy sự nghèo hèn của họ; qua đó, dẫn đưa con người tới một cảm giác, mà Đức Phanxicô gọi là “cảm giác nhục nhã thánh thiện”[1]; nhục nhã vì tội lỗi đã phạm, nhưng thánh thiện vì cảm giác ấy đưa họ quay trở về với Thiên Chúa. Đó là cảm giác giúp con người tự tra vấn mình rằng họ thường xuyên ước muốn những điều tệ hại nào nhiều nhất. Hay nói cách khác, cảm giác này là một soi động nội tâm giúp con người nhận ra họ đích thực là một thụ tạo yếu hèn, bất toàn, luôn có chiều hướng đố kị và tham lam trong hầu hết các hoàn cảnh của cuộc sống[2], bởi còn sống trong kiếp người là còn mang nơi bản thân mình sự “ham muốn”. Khi quy chiếu về điều răn “ngươi không được ham muốn”, thánh Phaolô cũng đã nêu ra trong thư gửi tín hữu Rôma về những mâu thuẫn của phận người: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Như thế, cảm giác nhục nhã thánh thiện có thể được xem như một món quà Thiên Chúa trao tặng cho con người để họ ý thức rằng, họ sẽ không thể tự mình có sức giải thoát bản thân khỏi những mâu thuẫn nội tại, khỏi những điều bất toàn, tội lỗi, và do đó, họ cần đến Thiên Chúa, cần đến lòng thương xót của Người. Và một khi con người cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa dành cho họ, họ nắm được chiếc chìa khoá để mở chính cánh cửa lòng mình, và sau đó, trao ban lòng trắc ẩn cho tha nhân.
Thánh Phaolô có thể được xem như một ví dụ điển hình cho việc mở lòng và trao ban tình yêu ấy. Thật vậy, sau cú ngã trên đường Damas, thánh nhân đã được Thiên Chúa chữa lành mặc dù trước đó ông đã hăng say bách hại Hội Thánh (x. Cv 9). Tình thương của Thiên Chúa dành cho ông đã biến đổi ông từ một con người chống đối trở thành một người nồng nhiệt rao giảng danh Đức Kitô, bởi ông cũng muốn cho dân ngoại được đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu không có cú ngã ấy, có lẽ Phaolô vẫn mang trong mình niềm kiêu hãnh về chính ông - một con người trung tín với Lề Luật của cha ông và sẵn sàng bách hại những ai theo chân Đức Giêsu, mà theo quan điểm của ông lúc bấy giờ là những người lạc đạo. Khi những chiếc vảy bong ra khỏi mắt Phaolô, con mắt thể lý và cả con mắt tinh thần của Phaolô được bừng sáng (x. Cv 9,18). Cú ngã có thể được xem như một phương cách Thiên Chúa thức tỉnh trong Phaolô về cảm giác nhục nhã thánh thiện. Trong những tháng ngày mù tối, sự nhục nhã thánh thiện về những lỗi lầm trong quá khứ đã thắp sáng tâm hồn Phaolô; và theo sách Công Vụ Tông Đồ, sau khi nhìn thấy được, ông ngay lập tức chịu phép rửa và lên đường rao giảng Tin Mừng, rao giảng tình thương của Thiên Chúa (x. Cv 9,18-20).
Vì chịu ảnh hưởng bởi tội nguyên tổ, con người luôn có khuynh hướng nghiêng chiều về điều xấu (x. GLCG 405), nên có thể nói rằng, thân phận con người là thân phận tội lỗi. Nếu như ngày xưa, Thiên Chúa đã trao ban cho dân Israel Mười Điều Răn để giúp họ ý thức về thân phận hèn yếu của mình cũng như cảm nhận được tình thương bao la của Người, thì ngày nay, trong một thế giới mà con người đang dần đánh mất đi cảm thức về tội lỗi,[3] Mười Điều Răn lại một lần nữa trở thành khí cụ cần thiết để mỗi người quay trở về với chính lòng mình. Xét ở một phạm vi nhỏ hơn, cụ thể là trong hầu hết các dòng tu, các tu sĩ thực hành việc xét mình hằng ngày bằng cách dò xét lương tâm theo Mười Điều Răn. Chắc chắn rằng, khi xét mình, sẽ không ai có thể dối lòng rằng mình không lỗi phạm bất cứ điều nào (x. 1 Ga 1,8). Như thế, tuy các dòng tu có thể có những linh đạo, những đặc sủng khác nhau, nhưng một điểm chung thường có nơi mỗi tu sĩ đó là sự cảm nghiệm mình là người tội lỗi nhưng được Thiên Chúa thương xót, được đón nhận vào nhà dòng và được hồng ân tuyên khấn để kết ước cùng Thiên Chúa Nhân Lành. Điều này sẽ lại càng chính xác hơn khi những tu sĩ ấy cầm trên tay lá phiếu để quyết định ơn gọi cho những anh chị em của mình. Đó là lúc họ cần duyệt xét lương tâm, cần đặt lên bàn cân chính mình cùng với những lỗi lầm của bản thân trước khi đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến ơn gọi của anh chị em mình. Khi ấy, cảm giác nhục nhã thánh thiện sẽ giúp họ ý thức rằng chính họ cũng là tội nhân, cũng đã được Thiên Chúa thương xót trước, được Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm trước. Cảm giác nhục nhã thánh thiện phơi bày ra trước mắt họ những yếu đuối của bản thân đồng thời mời gọi họ cũng phải biết mở lòng ra để tha thứ, để đón nhận anh chị em mình như cách họ đã được Thiên Chúa thứ tha và đón nhận chứ không phải chỉ như cách mà con người thường đối xử với nhau như so sánh, đố kị, ghen ghét, tự kiêu,…
Socrates đã nói rằng: “Một cuộc đời không được kiểm điểm là một cuộc đời không đáng sống.” Như thế, việc kiểm điểm có thể giúp con người sống tốt hơn bởi việc ấy giúp họ biết được chính mình, qua đó sống xứng đáng với phẩm giá của họ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, dừng lại ở việc xét mình, có lẽ các kitô hữu vẫn chưa thực sự xứng đáng với ơn gọi của mình. Luân lý Kitô giáo đòi hỏi các tín hữu phải tiến xa hơn thế, phải biết “tha bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,22), “phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,39), phải yêu như Chúa yêu (x. Ga 13,34). Đó cũng chính là điểm cốt yếu của Mười Lời: “Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến một Thiên Chúa trên hết mọi sự; sau lại yêu người như mình ta vậy” (Kinh Mười Điều Răn). Do đó, kiểm điểm xét mình để biết rõ, hiểu rõ bản thân và sau đó, mở lòng ra đón nhận anh chị em với những yếu đuối của họ có thể được xem như hoa trái của việc thực thi giáo huấn của Mười Điều Răn, nhất là trong môi trường các dòng tu, nơi được xem là Trường Dạy Đức Ái(Schola Caritatis), nơi đòi hỏi người tu sĩ phải có “mức độ của lòng mến yêu là yêu mến không mức độ” (thánh Bernard).
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi” (Để gió cuốn đi). Thánh Phaolô đã được Đức Kitô thương xót biến đổi và thánh nhân đã dùng cả cuộc đời còn lại để mang kinh nghiệm của lòng thương xót ấy đến với dân ngoại, đã để cho gió cuốn Tin Mừng của Đức Kitô đến với muôn dân. Về phần mình, các kitô hữu, và cách riêng là các tu sĩ cũng được mời gọi để sống triệt để niềm vui của Tin Mừng, tuân giữ Mười Điều Răn, qua đó cảm nếm được tình thương, lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, và nhờ đó, họ biết cách rung cảm và thương xót người khác như chính bản thân mình, biết cách “để gió cuốn đi” sứ điệp yêu thương mà Đức Kitô vẫn luôn mời gọi các môn đệ loan truyền đến tận cùng cõi đất.
[1] ĐTC Phanxicô, Mười Lời – Giáo Lý Về Mười Điều Răn, Dịch: Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2022), 123.