Trang chủ NGHIÊN CỨU
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ theo Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, số 7 của Công đồng Vaticano II
Thứ hai - 15/01/2024
1648 Đã xem
M. Philip, O.Cist.

Hội Thánh, ngay từ đầu đã là một thực thể vô cùng đặc biệt vừa có tính xã hội vừa là một mầu nhiệm khó có thể trình bày bằng các định nghĩa mang tính khoa học. Dưới cái nhìn của các nhà sử học, Hội Thánh “bắt đầu hình thành với một nhóm môn đệ đi theo Đức Giêsu Kitô cách đây hơn 2000 năm…, với những xác tín và tuyên xưng về Đức Giêsu Kitô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật”[1]. Tuy nhiên, dưới cái nhìn thần học, Hội Thánh cũng được xác định là một mầu nhiệm “diễn tả lịch sử cứu độ mà Kinh thánh đã nói đến. Hội Thánh bao trùm tất cả kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vì thế Hội Thánh đã hiện hữu từ hồi tạo dựng, từ lúc khởi nguyên lịch sử nhân loại[2]. Công Đồng Vatican II  trong hiến chế Lumen Gentium, số 7 đã tổng hợp cả hai cái nhìn trên để rồi đưa ra một định nghĩa về Hội Thánh quy về Chúa Kitô là đầu và thủ lãnh:

Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới (x. Gal 6,15; 2Cr 5,17). Thực vậy, Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ” (LG, số 7).

Dưới cái nhìn đó, Hội Thánh như là một mầu nhiệm được Đức Kitô thiết lập dựa trên những con người đã cùng sống với chính Đức Kitô. Có thể nói các nghị phụ của Công đồng Vatican II muốn khẳng định niềm tin vào ơn cứu độ dành cho loài người chỉ có thể có được nơi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người.

 
1. ĐỨC KITÔ, NGUỒN MẠCH ƠN CỨU ĐỘ
Có một cách diễn tả về Đức Giêsu Kitô rất quen thuộc nơi các tác giả Tin Mừng đó là các vị “cố làm sáng tỏ Đức Giêsu trong tương quan của Ngài với Thiên Chúa, với dân Israel, và với nhân loại[3]. Đây cũng là cách thức các nghị phụ của Công Đồng Vatican II sử dụng khi đề cập về Chúa Kitô trong số 7, hiến chế Lumen Gentium. Các nghị phụ đã dùng những chỉ dẫn của Thánh Kinh, đặc biệt là nơi thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê, để làm nổi bật lên hình ảnh của Đức Kitô “trong tương quan với Chúa Cha (1,15), trong tương quan với công trình sáng tạo (1, 16-17) và trong tương quan với công trình tái tạo, tức là cứu chuộc (1,18-20)”[4]. Những hình ảnh đó cho thấy quyền thống trị tối cao của Đức Kitô trên toàn vũ trụ, đặc biệt nơi Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Ngài. Với vai trò vừa là Con Thiên Chúa thật, vừa là người thật, Đức Kitô là bảo chứng cho sự hòa hợp giữa nhân tính tội lỗi với thiên tính thánh thiêng trong chính con người mình. Trong Người, Hội Thánh đón nhận ơn cứu độ, đượcmạc khải mầu nhiệm Nước Trời, được tham dự vào sứ vụ, niềm vui và những đau khổ của Người”[5].
  
Ơn cứu độ được thực hiện nơi cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô

Sự hiệp thông này được các nghị phụ Công Đồng diễn tả như là việc Hội Thánh “được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Người, trở nên giống Người, cùng chết và sống lại với Người, cho đến khi cùng cai trị với Người” (x. Ph 3,21; 2Tm 2,11; Ep 2,6; Col 2,12;...). Những mô tả sống động về sự kết hợp với Đức Kitô trong đau khổ và vinh quang cho thấy Đức Kitô đã đi bước trước trong công cuộc cứu chuộc loài người. Rồi với tình thương Người mời gọi Hội Thánh cộng tác vào công trình cứu chuộc đó bằng cách “thông truyền các Bí tích cho họ.”

 
2. HỘI THÁNH CỘNG TÁC VỚI CHÚA KITÔ TRONG CÔNG TRÌNH CỨU CHUỘC
Hội Thánh, thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô

Dựa trên những chỉ dẫn của Thánh Kinh, Công Đồng đã khai triển nhiều hình ảnh phác hoạ mối tương quan sâu sắc giữa Hội Thánh và Đức Kitô. ngay từ đầu, Hội Thánh đã là cộng đoàn những con người được Thiên Chúa mời gọi để thi hành sứ mạng cứu rỗi của Thiên Chúa và thiết lập Nước Thiên Chúa giữa lòng nhân loại (x. LG, số 9). Còn Đức Kitô lại là Ngôi Lời nhập thể đã đến và sống ở trái đất với con người (x. MV 38), nhằm mục đích cứu độ và quy tụ mọi sự trong Ngài, đồng thời giúp cho con người thông phần vào bản tính Thiên Chúa. (x. HN, số 2). Sứ mạng của Đức Kitô và Hội Thánh hoà quyện vào nhau tạo nên một thực tại không thể tách rời khiến Thánh Phaolô đã ví Hội Thánh như thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô (1Cr 12,12-30). Trong nhiệm thể đó, mọi chi thể được liên kết với nhau và với Đức Kitô như là nguyên lý thống nhất các chi thể.

Các tín hữu liên kết với nhau

Mấu chốt để tất cả những người tin được liên kết với nhau và trở thành chi thể của thân mình mầu nhiệm Đức Kitô chính là việc “hiệp nhất với cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô”. Sự hiệp nhất này chính là cách đáp trả mạnh mẽ nhất đối với lời mời gọi cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nó chắc chắn không thể thực hiện được nhờ vào cố gắng của một cá nhân riêng lẻ hay một nhóm người nào đó, nhưng là một ân ban của Chúa Kitô. Công Đồng khẳng định rằng: “Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự và mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển”. Quả vậy, các bí tích vốn “được chính Đức Kitô thiết lập và được uỷ thác cho Giáo hội, xét như là những hành động của Đức Kitô và Giáo hội, là những dấu chỉ và phương thế biểu lộ và củng cố đức tin, cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa, và thực hiện việc thánh hoá loài người”[6]. Với niềm tin rằng “chính Đức Kitô là Đấng hành động trong các bí tích của Người để truyền thông ân sủng mà bí tích biểu lộ[7], Hội Thánh mời gọi các tín hữu cử hành các bí tích theo đúng ý hướng của Hội Thánh với sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận “để quyền năng của Đức Kitô và của Thần Khí Người hành động trong và qua bí tích ấy.”[8]. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một Hội Thánh hiệp nhất với nhau và với Chúa Kitô, Đấng đã dùng cái chết và sự phục sinh của Ngài để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Các chi thể được tăng triển trong Chúa Kitô

Trên bước đường theo Đức Kitô ấy, Giáo Hội luôn tin tưởng rằng sự sống của Chúa Kitô hằng “tràn lan trên các tín hữu”, những người đã được “các bí tích kết hợp cách thực sự và mầu nhiệm với Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển”. Và trong Người, mọi phần tử được triển nở cách trọn vẹn không phải như những cá nhân độc lập nhưng như một cộng đoàn hiệp thông với nhau. Hai bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể được Công Đồng nhắc đến trong số này cho thấy mối liên đới đặc biệt giữa các Kitô hữu với nhau và với Chúa Kitô. Trong mối liên kết đặc biệt đó, các tín hữu đón nhận ân sủng thánh hóa làm cho con người đón nhận sự sống mới mà chính Thiên Chúa đã hứa ban cho con người qua các ngôn sứ: Nơi Bí Tích Thánh Tẩy là ơn tái sinh để nên một với nhau và với Chúa Kitô trong Thánh Thần (x. 1Cor12,13); Còn về Bí Tích Thánh Thể, ngoài việc diễn tả thực tại hiệp nhất của Hội Thánh, Bí tích này còn là “bảo chứng cho vinh quang tương lai”, “là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”.[9]

 
3. CÔNG TRÌNH CỦA CHÚA THÁNH THẦN
 
Luôn nối kết, hướng dẫn và làm sống động Giáo hội

Nếu như mọi chi thể được trở nên hoàn hảo nhờ vào việc trở nên giống Chúa Kitô, thì Chúa Thánh Thần lại là Đấng tạo nên sự liên kết mật thiết giữa các chi thể với nhau và với đầu là Đức Kitô. Ngay từ những số đầu tiên của Hiến Chế Lumen Gentium, Hội Thánh đã tự xác định mình là những con người được tập họp “trong ý định cứu chuộc phổ quát của Chúa Cha” (Số 2) để thực hiện ý muốn của Ngài là  cộng tác vào “Sứ mạng và công cuộc của Chúa Con” (Số 3). Công trình ấy được chính Chúa Thánh Thần thực hiện bằng cách ngự trị trong Giáo Hội để thánh hoá, dẫn dắt, canh tân và “dẫn đưa Giáo hội đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình” (Số 4). Sự hiện diện của Ngài trong Hội Thánh mang đến sự kết hợp hài hoà giữa các phần tử với nhau và với Chúa Kitô. Thật vậy, việc Thánh Thần “làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu” chính là cơ chế mạnh mẽ nhất để Ngài tạo nên sự hiệp nhất giữa các thành viên với muôn vàn khác biệt. Và trong Ngài, các chi để có được sự đồng cảm thực sự để cùng nhau họ làm nên một thân thể thống nhất vừa trong đức tin vừa trong ý chí. Trong thân thể đó, “Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người một các là vì ích chung” (1Cr 12, 7), ân sủng của Chúa Thánh Thần tạo ra trong mỗi người một sức mạnh để mỗi chi thể thể hiện chính cái tôi độc đáo của mình trong tương quan với các chi thể khác. Điều này đòi hỏi sự hiện diện thánh thiêng của Ngài nơi các tín hữu để chính Ngài cùng hoạt động với họ trong sự kết hiệp đầy ân sủng của Ngài:

“Thánh Thần tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (x. 1Cr 12,26).

Ban các ân sủng khác nhau

Mối liên kết ấy được thể hiện nơi các ân sủng khác nhau được Chúa Thánh Thần ban cho mỗi phần tử của Hội Thánh tuỳ theo “sự sung mãn của Ngài và tuỳ vào nhu cầu của công việc” (x. 1Cr 12,1-11). Sự liên kết giữa các chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô không xoá nhoà những khác biệt. Mỗi chi thể trong thân thể ấy có những nhiệm vụ khác nhau nên những ân ban cho mỗi phần tử cũng không giống nhau nhằm vào một mục đích duy nhất là xây dựng thân thể Chúa Kitô là Hội Thánh. Nơi Nhiệm Thể đó, Chúa Thánh Thần đóng vai trò là Đấng hợp nhất những khác biệt giữa các chi thể, đồng thời ban cho mỗi chi thể “những năng lực để thực hiện những công trình của Thiên Chúa nơi những chi thể đón nhận các năng lực đó”[10]. Như thế, mọi phần tử thống nhất với nhau trong một chương trình duy nhất của chính Thiên Chúa, dù các hoạt động của mỗi chi thể không hề trùng lắp với nhau. Xa hơn nữa, Ngài giúp biến đổi Hội Thánh thành “cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và hướng đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và sự trọn lành của đức ái. Sự trọn lành này chỉ có được nhờ vào bước theo vết chân Đức Kitô trong việc thực hành thánh ý Chúa Cha” (LG, số 40).

Không ngừng canh tân Hội Thánh

Và dù Hội Thánh đã được Chúa Kitô thiết lập trong giao ước mới là máu của Người để họp thành một dân duy nhất của Thiên Chúa, Hội Thánh vẫn cần Chúa Thánh Thần giúp tự canh tân và tự thánh hoá bằng bằng cách ngự trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ “để làm sống động, liên kết và thục giục toàn thân”. Nhờ đó, mọi thành phần Dân Chúa có được “vinh dự và tự do làm con Thiên Chúa” và được thúc đẩy vươn đến cứu cánh của mình là “phát triển thêm Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày thế mạt, Ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta hiện đến (x. Col 3,4), ngày mà ‘chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa’” (Rm 8,21. Trích từ LG, số 9).

Kết

Thông qua Chương thứ nhất của Hiến chế Lumen Gentium, các nghị phụ đã cố gắng trình bày mầu nhiệm Hội Thánh trong ý định cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải trong Thánh Kinh. Riêng trong số 7 này, Công Đồng làm nổi bật ơn cứu độ nhưng không Thiên Chúa dành cho con người nơi Đức Kitô. Chương trình cứu độ con người tiếp tục được Thiên Chúa thực hiện cho tới ngày tận thế thông qua hoạt động của Chúa Thánh Thần trong lòng Hội Thánh. Hội Thánh hiểu rõ mình phải mạnh mẽ đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa trong việc cộng tác vào công trình cứu chuộc của Ngài. Thật vậy, Hội Thánh luôn ý thức mình là “những người lữ hành trên mặt đất” đang hướng về quê trời với niềm hi vọng tuyệt đối nơi Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Đó là lý do Hội Thánh hằng mời gọi con cái mình luôn trong tư thế sẵn sàng bước theo Đức Kitô trong đau thương và bách hại, để được cùng Người hưởng phúc vinh quang (x. Rm 8,17).
 

[1] Nguyễn Hai Tính, SJ. Đức Kitô – Chuẩn Mực của Giáo Hội. Nguồn: https://dongten.net.
[2] Eloy Bueno de la Fuente, Giáo Hội Học Qua Dòng Lịch Sử. http://daminhvn.net.
[3] Rudolf Schnakenburg, Đức Giêsu Trong Các Tin Mừng. BD: Nguyễn Luật Khoa, OFM; Maria Phạm Thị Huy, Op. NXB Tôn Giáo. Tr. 337.
[4] Nhóm CGKPV, footnote Cl 1,15, Kinh Thánh Trọn Bộ, bản 2011.
[5] GLHTCG, số 787.
[6] GL 1983, điều 840.
[7] GLCG, số 1127.
[8] GLCG, số 1128.
[9] GLHTCG, số 1405.
[10] Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Kinh Thánh Trọn Bộ, chú thích Ep 4,16.
 

Những tin mới hơn:

Lectio Divina trong tương quan với người giảng thuyết
Vì sao từ triều đại ĐGH Pio IX cho đến Đức Pio XI, các Giáo hoàng tự biến mình thành “người tù Vatican”?
Jesus is the "I AM" of the Old Testament dwelling in the midst of this world according to John's Gospel
Lắng nghe - một hành trình thánh thiêng của Đấng là Theotokos
Biết cách thương xót vì đã từng trải nghiệm mình được Thiên Chúa xót thương
Thiên Chúa hoàn thiện nước để làm cho nước trở thành chất thể trong bí tích Thánh Tẩy
"Con đường của tình huynh đệ" trong Tông huấn Christus Vivit
Giúp đọc Thông điệp LABOREM EXERCENS
Lao động, thiện ích cho người nghèo

Những tin cũ hơn:

Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Làm thế nào một người, trong giới tính cụ thể của mình, có thể đạt tới sự trưởng thành nhân bản và đức tin?
Từ mạc khải tự nhiên đến mạc khải siêu nhiên - Thiên Chúa tự truyền thông chính mình cho con người (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
Các tín hữu kín múc lấy tinh thần Kitô hữu đích thực nơi Phụng vụ
Jesus is a true man
“Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17)
Sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô
Tinh thần “quân bình” trong Tu luật thánh Biển Đức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây