Sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thứ hai - 23/10/2023
291 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.
Cuộc chiến tranh hiện tại (2022 – nay) giữa Nga và Ukraine và những hậu quả thảm khốc của nó đã đưa nhân loại trở lại với một câu hỏi căn bản: Có khi nào chiến tranh là chính đáng. Giáo lý Hội thánh Công giáo cho rằng hầu hết các cuộc chiến tranh đều không mang tính chính nghĩa trừ trường hợp tự vệ chính đáng (GLCG 2309); đồng thời Giáo hội cũng vạch ra những bất công một cách hiển nhiên mà chiến tranh mang đến cho con người.[1] Để làm rõ tư tưởng ấy, bài viết này sẽ trình bày về sự bất công của chiến tranh theo Thông điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chiến tranh là một xung đột vũ trang giữa các giai cấp, các dân tộc, các nước nhằm thực hiện một mục đích nào đó.[2] Mà đã là xung đột thì hậu quả tất yếu chính là sự đau khổ từ bạo lực, sự phá huỷ, và tử vong mà con người phải gánh chịu.[3] Hơn thế nữa, mọi cuộc chiến đều mang tính dã man đối với hiện tại và đe doạ tương lai của toàn thể nhân loại (x. GS 80). Chính vì lẽ đó, Giáo hội Công giáo đã lên án chiến tranh vì đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và con người;[4] là những nỗi bất công triền miên mà kẻ mạnh gây ra cho kẻ yếu. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nêu ra ba bất công của chiến tranh mà con người đã và đang phải gánh chịu.
Trước tiên, chiến tranh không còn chỉ là bóng ma của quá khứ nhưng đã trở thành mối đe doạ thường xuyên đến đời sống của con người (FT[5] 256). Thật vậy, lịch sử đã cho thấy rõ rằng chưa có bất cứ giai đoạn nào, và trong bất cứ thể chế chính trị nào, mà con người không phải đối diện với chiến tranh. Chiến tranh không phải chỉ là chuyện của quá khứ, nhưng còn là chuyện của hiện tại, điển hình là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine; và thậm chí, trong thế giới hiện đại, các hình thức chiến tranh còn phong phú, thường xuyên hơn trong thời xưa như các hình thức khủng bố, chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân, chiến tranh mạng, bạo lực ngôn từ,... Thông điệp Fratelli Tutti đã trích dẫn câu Lời Chúa trong sách Châm Ngôn: “Lòng kẻ mưu điều ác chất đầy chuyện lừa đảo, người cổ võ hòa bình được chan chứa niềm vui” (Cn 12,20) để giúp độc giả xác tín rằng, chính dã tâm của con người là nơi khởi phát chiến tranh. Dã tâm đó càng được thể hiện rõ nét trong thời hiện đại. Ngày nay, con người dễ dàng được kết nối với nhau một cách nhanh chóng và tiện lợi thông qua các phương tiện truyền thông. Ưu điểm đó của truyền thông khiến số lượng người sử dụng chúng gia tăng không ngừng. Số liệu thống kê năm 2023 cho thấy 59,3% dân số toàn cầu sử dụng ít nhất một nền tảng truyền thông và trong năm 2022 vừa qua có tới 190 triệu người dùng mới.[6] Và chính bởi con số người dùng mạng ngày càng tăng trưởng nhanh chóng, nên truyền thông đa phương tiện, bên cạnh mặt tích cực, cũng có thể được xem như một mảnh đất màu mỡ cho những dã tâm sinh sôi, kéo theo những xung đột, chiến tranh ngôn từ, bạo lực mạng phát triển; là nơi chứng kiến những đổ vỡ của các mối tương quan, tham vọng thống trị, sự lạm dụng quyền lực, nỗi sợ hãi của con người (x. FT 256). Như thế, sự bất công của chiến tranh đã được thấy rõ: Thế giới hiện đại, thay vì mang đến cho con người hạnh phúc với những tiện nghi, lại kéo con người vào những cuộc chiến trầm trọng hơn, không chỉ bằng súng đạn, nhưng còn là những cuộc chiến hằng ngày giữa những cá nhân, tổ chức, hay những cuộc chiến ngôn từ, bạo lực tinh thần trên các nền tảng truyền thông.
Thứ hai, chiến tranh là sự phủ định tất cả các quyền của con người và là cuộc tấn công gây thảm hại cho môi trường (FT 257). Thật vậy, có thể nói rằng, khi chiến tranh xảy ra, những quyền cơ bản của con người sẽ bị chà đạp. Những quyền ấy bao gồm quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.[7] Trong chiến tranh, các bên đấu tranh thường không tôn trọng các quyền con người và thường áp đặt các quyết định và hành động không đúng đắn lên những người dân bị ảnh hưởng. Điều này có thể dẫn đến việc tấn công các đối tượng vô tội, bắt giữ người dân, tra tấn và giết người một cách tàn bạo. Ngoài ra, chiến tranh làm tàn phá môi trường vì nó có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho các khu vực và cộng đồng bị ảnh hưởng. Các hoạt động chiến tranh, như đánh bom, phóng tên lửa, sử dụng vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, có thể gây ra những thiệt hại đáng kể cho môi trường và sức khỏe của con người. Các cuộc chiến tranh có thể gây ra sự tàn phá của đất đai, rừng, nước và không khí, và có thể ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và các loài động thực vật. Do đó, Fratelli Tutti kêu gọi con người phải không ngừng nỗ lực ngăn chặn chiến tranh giữa các quốc gia và các dân tộc (x. FT 257). Trong đó, Hiến chương Liên hiệp quốc được nêu ra như một giải pháp giúp các bên ý thức về việc tuân thủ nguyên tắc pháp quyền, đàm phán, trung gian hoà giải, và trọng tài.[8] Đồng thời, Thông điệp cũng kêu gọi không nên đặt lợi ích quốc gia hay lợi ích nhóm lên trên lợi ích chung của toàn thế giới (x. FT 257). Đây có thể được xem như những giải pháp nhằm giải quyết điều bất công này.
Bất công cuối cùng chính là việc chiến tranh luôn được nguỵ trang bằng những vỏ bọc đẹp đẽ (x. FT 258). Những vỏ bọc đó có thể được kể ra như nhân đạo, tự vệ hay phòng vệ,... Ngày nay, người ta có xu hướng giải thích một cách rộng quá mức quyền tự vệ và phòng vệ để biện minh cho những hành vi gây hấn của mình.[9] Để bảo vệ lãnh thổ của quốc gia, người ta có thể nổ súng tiến đánh các quốc gia mà họ cho rằng đang gây nguy hiểm cho an ninh của quốc gia họ. Hay thậm chí, nhiều cuộc chiến tranh xâm lược vì mục đích kinh tế, bành trướng lãnh thổ vẫn được bảo bọc dưới danh nghĩa chống khủng bố, chống độc tài, thực thi quyền dân chủ.[10] Đó quả thực là một hành vi lừa dối và là một tội ác đối với toàn nhân loại. Vì thế, để tránh bất công này, Giáo hội cho rằng con người “không được phép nghĩ rằng chiến tranh là một giải pháp, bởi vì những tác hại do nó gây ra chắc hẳn bao giờ cũng lớn hơn lợi ích giả định được gán cho nó”; và tốt nhất là “đừng gây chiến nữa” (x. FT 258). Như thế, qua việc nêu ra những bất công của chiến tranh, Giáo hội đã cho thấy rõ quan điểm của mình: Mọi cuộc chiến đều làm thế giới tệ hơn trước, và chiến tranh luôn là thất bại của chính trị và của nhân loại; đó là sự đầu hàng đáng xấu hổ, là cuộc tháo chạy trước thế lực gian ác (x. FT 261).
Tóm lại, Thông điệp Fratelli Tutti đã chỉ ra cho thế giới rằng chiến tranh luôn là điều xấu xa, hàm chứa nơi chúng những điều bất công, đe doạ một cách thường xuyên đời sống của nhân loại, chà đạp quyền con người, nhưng lại thường được bao bọc bởi những vỏ bọc đẹp đẽ. Trong thời đại mới này, con người không thể giải quyết những mâu thuẫn đơn thuần bằng cách phát động những cuộc chiến triền miên như đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng phải biết cùng nhau đàm phán, lan toả tình yêu thương để xây dựng một thế giới hoà bình, thượng tôn pháp luật, và luôn tôn trọng phẩm giá của con người.
[1] ĐTC Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti, số 256-262.
[2] Ban Từ Vựng Công Giáo – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin, Từ Điển Công Giáo, (Tôn Giáo, 2019), 134.
[6] Matt Ahlgren, Hơn 25 Thống Kê, Sự Kiện và Xu Hướng Truyền Thông Xã Hội Cho Năm 2023, truy cập ngày 21/04/2023, https://www.websiterating.com/vi/research/social-media-statistics-facts/
[7] Wikipedia, Nhân Quyền, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A2n_quy%E1%BB%81n
[8] Diễn văn với các Thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York (25/09/2015): AAS 107 (2015), 1041-1042.
[10] X. Lê Xuân Khanh, Một Số Biểu Hiện Về Đấu Tranh Vũ Trang Của Các Cuộc Chiến Tranh Trong Tương Lai, truy cập ngày 21/04/2022, http://tapchiqptd.vn/vi/an-pham-tap-chi-in/mot-so-bieu-hien-ve-dau-tranh-vu-trang-cua-cac-cuoc-chien-tranh-trong-tuong-lai/1919.html