Tình yêu: Từ bản năng đến ân sủng - Một hành trình vượt lên chính mình
Chủ nhật - 13/07/2025
687 Đã xem
Viện phụ M. Gregorio, O.Cist.
Mỗi người chúng ta, ít nhiều, đều mang trong tim một ước mơ về tình yêu. Nghĩa là được yêu và được sống cho ai đó ngoài chính mình. Nhưng tình yêu là gì? Nó đến từ đâu, và dẫn chúng ta đi về đâu? Trong dòng chảy của cuộc sống, có lúc chúng ta thấy tình yêu thật kỳ diệu, nhưng có lúc lại thấy nó mong manh và mâu thuẫn. Hôm nay, xin mời các bạn cùng tôi bước vào một cuộc hành trình: Từ bản năng đến ân sủng, để nhìn lại tình yêu qua lăng kính triết học và cuối cùng là ánh sáng của đức tin.
Triết gia người Đức Schopenhauer có một cái nhìn rất “lạnh” về tình yêu. Ông nói rằng: Tất cả những rung động, say đắm, thổn thức… mà con người gọi là tình yêu thật ra chỉ là một mánh khóe của bản năng sinh tồn. Chúng ta tưởng mình yêu vì cảm xúc, vì lãng mạn, vì hạnh phúc. Nhưng theo Schopenhauer, chúng ta bị bản năng điều khiển để duy trì nòi giống, để “chọn” ra thế hệ kế tiếp. Cái buồn ở đây là: Con người tưởng mình đang sống vì tình yêu, nhưng thật ra lại bị lợi dụng bởi giống loài. Chúng ta bị yêu “một cách mù quáng” mà không hay biết. Và khi đã “có được nhau”, cảm xúc “yêu” thường tàn lụi, để lại thất vọng, chán chường, thậm chí đau khổ.
Với Friedrich Nietzsche, mặc dù cũng phủ nhận sự lãng mạn của tình yêu, nhưng ông lại không bi quan như Schopenhauer. Ngược lại, tình yêu, theo cái nhìn Nietzsche, không phải là trò cảm xúc dễ dãi, nhưng nó có thể là một hành động sáng tạo, một biểu hiện của sức mạnh nội tâm, khi con người biết yêu cách tự do và nâng người khác lên cùng với mình. Theo Nietzsche, người mạnh không yêu để chiếm hữu, mà yêu để cùng nhau trở thành chính mình một cách cao cả hơn. Tình yêu thật sự không yếu đuối, lệ thuộc, mà là một dạng trưởng thành, biết cho, biết nâng đỡ, và biết sống đúng bản chất của mình.
Nhưng có lẽ sâu xa hơn nữa là cái nhìn của Kierkegaard, triết gia hiện sinh Kitô giáo. Ông nói, Tình yêu không bắt đầu từ cảm xúc hay bản năng, mà từ một tiếng gọi, một mệnh lệnh thiêng liêng của Thiên Chúa: “Ngươi hãy yêu người thân cận mình.” Theo ông, yêu là một chọn lựa có trách nhiệm, là biết yêu cả khi không cảm thấy yêu. Yêu là trung tín, là tha thứ, là đặt người kia lên trước mình, không phải vì người đó xứng đáng, mà vì tôi muốn sống thật với tiếng gọi của tình yêu. Và tình yêu ấy, khi sống trọn vẹn, trở thành con đường nên thánh.
Cao hơn mọi tư tưởng triết học, Kitô giáo không chỉ nói về tình yêu như một chủ đề, nhưng định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 8). Tình yêu trong Đức Kitô không chỉ là khát khao (eros), không chỉ là đồng hành (philia), mà là tình yêu hoàn toàn tự hiến (agape): Tình yêu dẫn đến thập giá. Ở đó, tình yêu không còn là cảm xúc chóng qua, mà là hành vi hy sinh đến tận cùng vì người mình yêu. Và điều lạ lùng là: Chỉ nơi thập giá, tình yêu mới được tỏ hiện cách trọn vẹn nhất. Khi yêu thương mà không mong đền đáp, khi tha thứ cho kẻ làm hại mình, khi đặt hạnh phúc người kia lên trước chính mình, đó là tình yêu đích thực, tình yêu như Thiên Chúa đã yêu.
Chúng ta bắt đầu với một cái nhìn bi quan: Tình yêu chỉ là bản năng ngụy trang. Nhưng nếu chúng ta dừng lại ở đó thì sẽ chỉ thấy thất vọng và hoài nghi. Tình yêu thật không phải chỉ để cảm nhận, mà để biến đổi con người, đưa họ ra khỏi cái tôi ích kỷ, để bước vào tương quan hiệp thông và hy sinh. Chúng ta được mời gọi vượt qua bản năng, đi qua cảm xúc, để tiến tới ân sủng, nơi tình yêu trở thành một lời tuyên xưng, một chọn lựa mỗi ngày, và một con đường nên giống Thiên Chúa.
Như vậy, tình yêu đích thực không phải là nơi tôi tìm mình trong người khác, mà là nơi tôi đánh mất mình để người khác được sống như Đức Kitô trên thập giá. Và chỉ khi đó, tình yêu không còn là “ảo tưởng của bản năng”, mà là mầu nhiệm của sự sống.
Vgl. Schopenhauer, Die Welt als Wille und Vorstellung, Zweiter Band, 1844
Vgl. Nietzsche, Jenseits von Gut und Böse, 1886
Vgl. Nietzsche, Du sollst ein Feuer sein und einen würdigen Schöpfen - Frei übertragen nach den Gedanken des Kapitels “Von der Freundschaft”, 1883
Vgl. Kierkegaard, Die Werke der Liebe, 1847