Trang chủ NGHIÊN CỨU
Mối tương quan giữa Nhân và Lễ, Nhân và Nghĩa, Nhân và Trí
Mối tương quan giữa Nhân và Lễ, Nhân và Nghĩa, Nhân và Trí
Thứ hai - 23/10/2023
311 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.

Trong bài viết này, xin giới hạn các chữ nhân, lễ, nghĩa, trí trong phạm vi của sách Luận ngữ.

Đức Nhân

Có thể nói rằng, nhân giữ vị trí trung tâm của triết lí Nho giáo. Trong Luận ngữ, chữ nhân xuất hiện hơn 109 lần, chứng tỏ mức độ quan trọng của nó như một phạm trù đạo đức cốt lõi. Các phạm trù đạo đức khác đều xoay quanh phạm trù này.

Xét về mặt từ ngữ, chữ nhân () gồm có bộ nhân () và bộ nhị () hợp lại thành một chữ hội ý, nghĩa là nói cái thể và cái đức chung của mọi người đều có với nhau như một. Bởi vậy, nếu hiểu rõ chữ nhân là hiểu rõ tư tưởng nhất quán của Khổng Tử.[1] Chữ nhân  “vừa mang ý nghĩa siêu hình nền tảng: Con người đích thực là nơi hội thông nối kết của hai năng lực trời đất; vừa mang ý nghĩa xã hội: Con người đích thực phải tạo nên mối giao hòa với tha nhân. Vì thế, có đức Nhân, con người mới trở nên người.”[2] Tuy nhân là gốc của đạo làm người, nhưng tùy vào trình độ của mỗi cá nhân mà nhân được hiểu và được thực hiện khác nhau. Khi Phàn Trì hỏi đức Khổng Tử về nhân, ngài trả lời nhânyêu người. Ở câu trả lời này, nhân được hiểu như sự thể hiện tình cảm tốt đẹp. Nhưng khi cũng được hỏi về nhân, Khổng Tử lại trả lời Trọng Cung cách khác: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, điều gì không muốn thì cũng đừng làm cho người khác (Luận Ngữ, Nhan Uyên). Câu trả lời về nhân của Khổng Tử cho Trọng Cung lại chỉ về thái độ, về cung cách sống. Nhân còn chỉ những đức tính cần thiết của một người lãnh đạo: “Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ, viết: Cung, Khoan, Tín, Mẫn, Huệ” (Luận Ngữ, Dương Hóa). Đức nhân là nền tảng của mọi đức hạnh trong con người, tuy lặng lẽ nhưng đầy tính thông tuệ, đầy nghị lực mạnh mẽ, ý chí cứng bền và tình cảm dầy dặn. Người có đức nhân dễ hòa đồng với người khác, dễ tha thứ, và có khuynh hướng coi vũ trụ vạn vật như nhất thể. Người ấy cũng không thích nhiễu sự, không muốn làm phiền người khác, ít dục vọng, vì thế họ thường bình an.[3]

Vậy đức nhân biểu hiện như thế nào? Biểu hiện của đức nhân được thấy rõ nét trong Luận Ngữ: “Cương, nghị, mộc, nột cận nhân” (Tử Lộ 27); “Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỹ nhân”(Học Nhi 3); đức nhân được tìm thấy nơi những người mạnh mẽ, can đảm, kiên vững, nghị lực, chất phác thật thà, từ tốn và thận trọng trong lời ăn tiếng nói; ngược lại, những người chỉ biết nói lời hoa mỹ, chuyên chải chuốt cho ngoại hình, chuyên kiểu cách trong dáng điệu, trang phục lòe loẹt thì thật sự kém về lòng nhân.
Cũng giống như sự lĩnh hội đức nhân của mỗi người là khác nhau tùy theo trình độ, cách thực hành đức nhân của mỗi người cũng mỗi khác. Chính vì lẽ đó mà cách hành nhân rất rộng mà những nét sau đây là điển hình: “Khắc kỷ, phục lễ vi nhân” (Nhan Uyên 1), “Nhân giả, kỳ ngôn dã nhẫn” (Nhan Uyên 3), “Ái nhân”, “Cử trực, thố chư uổng, năng sử uổng giả trực” (Nhan Uyên 21),… Khổng Tử đã chỉ ra ba điều tối thiểu[4] mà con người cần phải có:

 
Cư xử với người phải cung, tức là phải nhún nhường, kính trọng. Con người giữ được tính ấy thì mọi người thương mến, coi như người thân và cũng được người dùng lễ đáp lại. Được như thế, con người sống yên vui, thanh thản, không lụy phiền bởi lời nói cao ngạo của mình.
 
Khi làm việc phải nghiêm trang đối với người liên hệ, cẩn thận trong việc làm; phải xét việc thấu đáo, xem trọng bổn phận. Con người thực hiện được như thế ít gặp phải sai lầm, thất bại.
 
Giao tiếp phải lấy trung làm đầu. Có trung thực, ta mới được người tín nhiệm, mến yêu. Nhờ đó, việc làm và cuộc sống của ta sẽ không gặp rắc rối, dễ đi đến thành công.

Nói tóm lại, đức nhân nói về cách con người hành xử phải hợp với đạo trời, đồng thời phải từ bỏ hết ý riêng của bản thân, đối xử với người khác như với chính bản thân mình, luôn có thái độ kính cẩn và thân ái.
Bên cạnh đức Nhân, đạo làm người còn có thêm ba đức nữa là Nghĩa, Lễ, Trí.

Đức Nghĩa, tương quan giữa Nhân và Nghĩa

Chữ nghĩa () ghép bởi chữ dương (: con dê) và chữ ngã (: tôi). Chữ dương chỉ một đoàn, nhóm... (đàn dê). Chữ ngã (tôi) kết với chữ dương mang ý nghĩa là: “Tôi có liên hệ với đoàn, nhóm...” Như vậy, chữ nghĩa chỉ mối tương quan mẹ con, nghĩa vợ chồng, nghĩa anh em... Đó là mối tương quan tốt đẹp giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng và anh em với nhau. Ngoài ra còn có nghĩa họ hàng, nghĩa bạn bè, nghĩa hàng xóm, nghĩa đồng bào, nghĩa nhân loại... Đó là những tương quan tốt đẹp giữa người với người, không phân biệt ruột thịt, xa gần, giống nòi, tôn giáo...[5]. Thực thi nghĩa là làm theo lẽ phải, hợp lý, hợp tình. Ví dụ như trong đại dịch Covid-19, người có nghĩa là người biết mở lòng ra san sẻ với những khó khăn của người nghèo, phát cơm từ thiện,… Khổng Tử ít nói đến nghĩa, khoảng 24 lần trong Luận Ngữ, nhưng trong mọi hành động, ông lại luôn làm theo nghĩa. “Theo nghĩa là thấy việc gì đáng làm thì làm, không hề mưu tính tới lợi cho mình, mà cũng không cần biết hậu quả ra sao. […] Những việc gì đáng làm, hợp nghĩa thì dù có mời không làm được, ông cũng cứ làm, khi nào hết sức rồi mà không thành thì mới thôi; mặc lời chê của thiên hạ là ‘tri kì bất khả vi nhi vi chi’: biết là không thể làm được mà vẫn làm.”[6]

Đức nhân và đức nghĩa có tương quan mật thiết, bổ túc cho nhau. Khổng Tử cho rằng người thực hiện được đức nhân là thực hiện được đức nghĩa. Nhân là gốc của nghĩa, và nghĩa là thể hiện của nhân trong các hành vi. Một người sẽ không được coi là thành nhân nếu chỉ khư khư sống cho riêng mình, vị kỷ và không tương tác, không có trách nhiệm gì với người khác. Trái lại, người đó sẽ được gọi là thành nhân khi sống tương quan tốt với người khác. Một người con có nhân có nghĩa là người con có hiếu với cha mẹ, yêu thương anh chị em. Một người trò thể hiện cái nghĩa của mình trong việc tôn sư trọng đạo, biết ơn thầy cô. Một vị vua có nhân nghĩa là vị vua biết chăm lo cho dân chúng, hy sinh cho nước nhà. Một dân tộc có nghĩa là dân tộc mà mọi người yêu thương, đùm bọc nhau. Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17), sẽ chẳng ai tin bạn có niềm tin nếu bạn không thể hiện điều đó ra bằng hành động. Tương tự như vậy, sẽ chẳng ai tin một người là người thực thụ nếu người đó không có các hành vi thể hiện ra cái người của mình với người khác; sẽ chẳng ai tin một người là con ngoan nếu họ không có hành vi hiếu thảo nào với cha mẹ. Nói tóm lại, muốn có nghĩa thì phải có nhân trước, và để được công nhận là nhân thực sự, phải thể hiện nghĩa ra bên ngoài.

Đức Lễ, tương quan giữa Nhân và Lễ

Trước thời Khổng Tử, từ thời Chu Công, chữ lễ có hai nghĩa; nghĩa cũ mang tính chất tôn giáo; nghĩa mới có tính chính trị giúp duy trì sự ổn định của xã hội. Sau đó, nghĩa của chữ lễ được mở rộng để chỉ những tập quán. Tới thời Khổng Tử, chữ lễ còn mang thêm nghĩa mới chỉ sự kỷ luật về tinh thần. Công dụng của Lễ là hàm dưỡng tính tình trung hậu, khiến người ta có thói quen làm lành một cách tự nhiên, giữ cho tình cảm có chừng mực, phân biệt lẽ phải trái; tình thân sơ (giữa hiếu và đễ: tình con cái với cha mẹ và ngược lại, tình anh em ruột thịt đối với nhau) và trật tự trong gia đình, xã hội.[7]

Lễ xuất hiện trong Luận ngữ 75 lần, chứng tỏ lễ có tầm quan trọng rất lớn trong đạo đức của Nho gia. Lễ có bốn nội dung cơ bản. Thứ nhất, lễ là những quy định về nghi thức tế lễ. Theo Khổng Tử, khi tế lễ phải kính cẩn, nghiêm túc. Khổng Tử cũng coi trọng danh phận của người tế lễ, các nghi thức cũng như các quy tắc mà xã hội đặt ra. Thứ hai, lễ là cách cai trị đất nước, là luật của quốc gia. Đường lối dùng lễ để cai trị được gọi là Lễ trị. Khổng Tử đề cao đường lối Lễ trị hơn Pháp trị, bởi theo ông, dùng đức và lễ để trị nước thì có sức quy tụ hơn. Lễ còn được Khổng Tử dùng để đề ra các quy tắc hành xử, luân lý trong gia đình, xã hội và đất nước. Thứ ba, Khổng Tử dùng lễ để chỉ chuẩn mực đạo đức của con người. Các chuẩn mực này nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con cái và cha mẹ, vua với tôi, bằng hữu với nhau nhằm mục đích mang lại bình yên cho xã hội. Thứ tư, lễ là công cụ giúp con người tiết chế các hành vi của mình. Biết lễ là biết sống vừa phải, không thái quá, không bất cập, thuận tiện cho mình và đẹp lòng mọi người.[8]

Khổng Tử muốn xây dựng một nhân cách hoàn hảo nên đã đưa ra một sự bàn luận xoay vòng về mối tương quan giữa nhân và lễ. Trong Bát Dật 3: “Khắc kỷ phục lễ, đó là nhân?”, Khổng Tử dùng lễ để quy định nhân; trong khi ở chỗ khác, ông lại dùng nhân để quy định lễ: “Một người thiếu đi đức nhân thì làm sao có thể chu toàn lễ tiết được?”

Nhân và lễ có mối tương quan bổ túc cho nhau, đức lễ phải đặt nền tảng trên đức nhân; hay nói cách khác, nhân là gốc, lễ là ngọn, lễ là chính sách, nhân là tinh thần, đức lễ phải xuất phát từ nội tâm có nhân và lễ là biện pháp để đạt đến đức nhân.
Có nhân mà không có lễ thì hành động tự phát, vô trật tự. Có lễ mà không có nhân thì rập khuôn, máy móc, giáo điều. Ví dụ như, con cái có thể hiện đạo làm người là kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ thì việc phụng dưỡng theo quy tắc của Nho giáo là lễ, còn lòng hiếu thảo chính là nhân; có hiếu thảo mới đi đến việc phụng dưỡng, và phụng dưỡng chính là sự thể hiện của lòng hiếu thảo. Cũng vậy, người có lòng yêu mến Chúa (nhân) thì mới thể hiện ra bằng cách giữ luật Chúa, luật Giáo Hội, nghiêm trang trong nhà thờ, siêng năng cầu nguyện, làm việc bái ái cách thành tâm, vô vị lợi,… (lễ). Nếu không có lòng mến Chúa thực thì những việc giữ luật, cầu nguyện hay làm việc bác ái kia cũng chỉ là giả hình. Ngược lại, nếu họ có lòng yêu mến Chúa mà lại không hề cầu nguyện cách trang nghiêm, bỡn cợt nơi thờ phượng hay yêu thương người khác một cách hời hợt, cho có lệ thì cần phải xem xét lại lòng mến đó có thực sự tồn tại hay không.

Nhân và lễ cũng có những điểm mâu thuẫn nhau.

Nhân là cái thuộc về tự do cá nhân của mỗi người, còn Lễ là cái thuộc về sự chế tài của xã hội. Ví dụ như một người con có lòng hiếu thảo với cha mẹ, khi cha mẹ mất, người con có thể tưởng nhớ cha mẹ bất cứ thời gian nào trong năm, đó là nhân; nhưng thường người con đó sẽ tổ chức lễ giỗ cho cha mẹ để thể hiện lòng hiếu thảo đó, bởi ngày lễ giỗ chính là lễ mà xã hội quy định; nếu không làm giỗ cho cha mẹ thì người đời sẽ khó lòng đánh giá người con ấy là người hiếu thảo.

Ngoài ra, nhân là điều thuộc về tặng phẩm của tự nhiên, còn Lễ lại thuộc về nghệ thuật sống của con người. Ví dụ như lòng hiếu thảo có trong con người, nhưng cách đối đãi, phụng dưỡng cha mẹ là tùy vào mỗi người. Nhưng nếu nhân chỉ là những cảm xúc mà không có sự ràng buộc của Lễ thì cũng không thể trở thành “Nhân” được, ví như quan yêu mến và trung thành với vua vì vua đối xử như bạn thân, nhưng trong cách hành xử lại coi vua như người ngang hàng, không có thứ bậc thì cũng không được.

Do đó, Lễ đích thực phải bao gồm “Nhân”, và “Nhân” toàn vẹn phải có “Lễ”. Chúng là hai mặt đối lập nhưng hòa quyện vào nhau, từ đó làm nên một phẩm tính đạo đức hoàn hảo – sự kết hợp của đức Nhân và Lễ. Một người có nhân cách hoàn hảo là người thể hiện được sự kết hợp đó. [9] Theo Khổng Tử, muốn có nhân cách hoàn hảo, nghĩa là hòa hợp cả nhân và lễ thì phải thực hiện chính danh.

Đức Trí, tương quan giữa Nhân và Trí

Trí là sự sáng suốt, khôn ngoan, hiểu biết, không bị ngăn che bởi vô minh. Trí trước hết là biết mình, hiểu mình. Ngoài ra, Khổng Tử đã trả lời Phàn Trì rằng Trí là biết người. Biết người hay, người dở, người tốt, người xấu để sử dụng người đúng công việc, làm cho nước nhà thịnh vượng, lại còn tạo điều kiện để giáo dục được muôn người, mới là cái biết hết mức của một nguyên thủ quốc gia.[10] Ngoài ra, trí còn là biết về thiên mệnh, biết được vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đời, là nhận thức về mối quan hệ luân lý giữa người với người. Trí là yếu tố giúp con người thăng tiến và đạt đến tầm uyên bác. Từ đó, con người sống hài hòa trong tương quan Tam tài.

Nhân và trí có tương quan mật thiết, bổ túc cho nhau. Nhân dùng làm nền tảng cho trí và trí để củng cố và phát triển nhân. Có trí thì có lợi cho việc hành nhân. “Người trí vận dụng đức nhân để được lợi”, “không biết làm sao gọi là nhân?” (Luận Ngữ, Lý Nhân).

Vừa có nhân vừa có trí thì mới biết yêu người đáng yêu, ghét người đáng ghét. Người có nhân cách hoàn hảo thì phải có đồng thời nhân và trí.

Người không hiểu, không biết mà chỉ làm theo bản tính tự nhiên thì dù việc đó có tốt, có hợp đạo đức thì việc làm ấy cũng không phải là một hành vi đạo đức. Có nhân mà không có trí thì yêu người một cách mù quáng, yêu không phân biệt phải trái, họa phúc. Yêu người thì cũng phải biết cách giúp người, không thì vừa hại cho người vừa hại cho mình. Thấy cháy nhà mà chỉ biết lao vào cứu người mà không nhận định mức độ của vụ cháy, cũng như sự nguy hiểm hay khả năng của mình thì không những không cứu được nạn nhân mà còn hại cho chính bản thân mình.

Có trí mà không có nhân thì cũng vô dụng. Một người con trong gia đình biết nghĩa vụ của con cái là phải thảo kính cha mẹ, phải yêu thương anh em của mình, nhưng lại không yêu mến, không thực hiện việc đó thì dù có biết cũng chẳng có ích gì. Bác sĩ tuy giỏi về chuyên môn nhưng không có y đức, không yêu thương bệnh nhân thì cũng không tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, hoặc có trường hợp bỏ mặc bệnh nhân khi bệnh nhân không có tiền. Khổng Tử nói: “Tài trí đủ để trị dân mà không biết dùng đức nhân để giữ dân thì tất sẽ mất dân” (XV,32).
 

[1] Trần Trọng Kim, Nho Giáo Trọn Bộ, Nxb. Văn học, 2003, tr. 50.
[2] Lý Minh Tuấn, Đông Phương triết học cương yếu, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 141
[3] x. Lý Minh Tuấn, Đông Phương triết học cương yếu, Nxb. Hồng Đức, 2014, tr. 143
[4] Nguyễn Thu Phong (Hoàng Vũ), Tính thiện trong tư tưởng Đông phương, Nxb. Văn Học, 1997, tr.107-108
[5] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 96-97.
[6] Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2006, tr.222
[7] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 160-165.
[8] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 185.
[9] Ch.4, “The Formation of the Early Period of Confucianism— Confucius’’ Reflections on
the Spiritual Life of Ancient China,” in the History of Chinese Philosophy, new ed. Xem Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên, quyển 4.
[10] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, 300.
 

Những tin mới hơn:

Những nguyên nhân giúp cho việc hình thành và phát triển của các tôn giáo nội sinh ở Việt Nam
Tôn giáo có mang đến hạnh phúc cho con người không?
Về sự bản lĩnh của con người trong tác phẩm "Những bức thư đạo đức" của Lucius Seneca (Luận văn Triết học)
"Vô vi nhi vô bất vi" của Lão Tử và đời sống đan tu chiêm niệm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây