RADIO #3: Tôi đã thấy gì, khi các đan sĩ chơi bóng đá?
RADIO #3: Tôi đã thấy gì, khi các đan sĩ chơi bóng đá?
Thứ tư - 24/04/2024
1348 Đã xem
TÔI ĐÃ THẤY GÌ, KHI CÁC ĐAN SĨ CHƠI BÓNG ĐÁ?
M. Augustino, O.Cist.
Bà Maria Mácđala sau khi được gặp chính Đức Kitô Phục Sinh, đã đi báo cho các môn đệ “Tôi đã thấy Chúa”, và chính bà cũng đã kể lại những điều Người đã nói với bà. Hình ảnh đó làm nảy lên trong tôi một câu hỏi: Liệu rằng, trong đời sống cộng đoàn, có khi nào tôi tìm thấy Chúa trong những nếp sinh hoạt thường ngày nơi những người anh em của tôi?
Tôi là một sinh viên được cộng đoàn gửi đi để theo học thần học ở học viện. Trong kỳ nghỉ dịp Tuần Thánh và Bát Nhật Phục Sinh vừa qua, tôi được về lại cộng đoàn đan viện trong niềm hân hoan, phấn khởi, vì ở đó tôi gặp lại những người anh em của tôi. Trong chuyến trở về ấy, tinh thần đan tu của tôi được hâm nóng vì tôi được tham dự các nghi thức Tuần Thánh một cách sốt sắng cùng cộng đoàn. Điều đó làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Ngoài ra, để chia sẻ niềm vui mừng Chúa Phục sinh, đan viện chúng tôi tổ chức giải bóng đá nhằm giúp các đan sĩ xây dựng tình huynh đệ trong cộng đoàn. Tôi vui lắm. Vì tuy tôi là một người chơi bóng không giỏi, nhưng tôi lại có những niềm đam mê bất tận với trái bóng. Bởi thế, những niềm vui nối tiếp nhau như được về lại cộng đoàn, được tham gia các sinh hoạt đan tu, được chơi bóng cùng anh em làm cho tôi và cả những thành viên khác của nhà dòng cảm thấy thật vui và hạnh phúc.
Những ngày diễn ra giải đấu là những ngày mà bề trên cho phép chúng tôi có một chút đổi thay trong nếp sống. Thay vì phải giữ thinh lặng trong mỗi giờ cơm để nghe đọc sách, hay nghe đài radio về những thông tin trong Giáo hội và ngoài xã hội, anh em chúng tôi được phép nói chuyện trong giờ cơm tối. Đó là lúc chúng tôi chia sẻ với nhau niềm vui Phục sinh; nhưng đặc biệt hơn, vì giải đấu bóng đá đang diễn ra mà, nên đó sẽ là thời điểm thích hợp để chúng tôi bàn luận chiến thuật. Tôi thấy các anh em của tôi long lanh niềm vui trong ánh mắt khi nghe được chiến thuật của từng đội bóng; tôi nghe được những tiếng cười nói sảng khoái, tự do bình luận với những điều liên quan đến những trận đấu sắp diễn ra; tôi nghe được những câu “cà khịa”, “thách đấu” của anh em đội này với đội kia; và tôi còn nghe cả những tiếng vui đùa của các đan sĩ như “quyết chơi tất tay”, “quyết chiến để dành tấm vé đi tiếp”. Cà khịa là thế, thách đấu là thế, nhưng chúng tôi không ăn thua. Điều ấy rõ lắm, vì người cà khịa, và ngay cả người bị cà khịa ai nấy đều cười nói vui vẻ, đều cảm nghiệm một bầu khí thoải mái, nhiệt huyết, và tôn trọng. Bởi thế mà bầu không khí bữa cơm trong gia đình đan viện những ngày này được phủ ngập một bầu khí bóng đá cuồng nhiệt, với những tiếng nói cười rôm rả của các đan sĩ. Tôi được lặn ngụp trong bầu khí ấm áp của tình huynh đệ.
Về mục đích, ban tổ chức ước mong rằng giải đấu sẽ là dịp để anh em rèn luyện sức khỏe và nối kết tình huynh đệ trong cộng đoàn. Dù chỉ là giải bóng đá nghiệp dư, nhưng với mục đích tốt đẹp như thế, nên ban tổ chức đã cố gắng để cho giải đấu trở nên chuyên nghiệp nhất có thể. Sự cố gắng để nên chuyên nghiệp của chúng tôi được thể hiện qua việc mỗi đội đều phải có những bộ áo đấu riêng, phải có các ông bầu, các chiến thuật gia, đội trưởng, đội phó, vốn dĩ cũng là anh em đan sĩ chúng tôi ấy mà. Hơn nữa, ban tổ chức cũng đã chia bảng đấu, chia hạt giống và phân phối thời gian thi đấu một cách hợp lý, có trọng tài, có bình luận viên, và có cả ban y tế, ban hậu cần. Sự cố gắng để chuyên nghiệp nhất có thể của chúng tôi còn được thể hiện qua việc ban tổ chức chuẩn bị chiếc cúp vàng danh giá cho nhà vô địch, những tấm huy chương lấp lánh cho các đội bóng đạt được giải và cả những giải thưởng “găng tay vàng” cho thủ môn xuất sắc, và “chiếc giày vàng” cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải đấu. Ban truyền thông cũng góp phần làm cho giải đấu của chúng tôi trở nên chuyên nghiệp hơn với những hình ảnh, bài viết, những thông tin kịp thời, được cập nhật trên các nền tảng truyền thông của đan viện. Chúng tôi ước mong rằng niềm vui mà chúng tôi có được cũng sẽ được lan toả cho mọi người. Những điều ấy thực sự vượt quá sự mong đợi của tôi. Thật thế, làm sao tôi có thể không vui cho được khi thấy được sự phát triển của đan viện, thấy được tình huynh đệ nồng ấm, thấy được rằng đời đan tu không phải chỉ có giữ thinh lặng, chỉ trầm ngâm như người ta thường nghĩ. Chúng tôi sống đời đan tu tuy thầm lặng, nhưng phong phú và niềm vui ngập tràn.
Và cứ như thế, giải đấu đã diễn ra. Trải qua nhiều trận đấu gay cấn, hấp dẫn, đội bóng của tôi đã may mắn dành được chức vô địch. Dành được chiến thắng chung cuộc, có được cúp vàng danh giá, làm cho niềm vui của tôi được đong đầy. Thế nhưng, với tôi, đây không chỉ là một giải đấu bóng đá vì trong tôi vẫn còn đâu đó những hình ảnh, những cảm xúc từ chính những người anh em của tôi đem lại, mà cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn lâng lâng khó tả.
Tôi đã thấy, hình ảnh người cha của cộng đoàn, mỗi ngày xỏ giày ra sân, nhưng ngồi một góc sân, hiện diện một cách lặng lẽ, đầy tình hiệp thông; tôi thấy hình ảnh của những người cha khác, tuy tuổi già sức yếu nhưng cũng tham gia giải đấu một cách tích cực; tôi thấy những đội trưởng của các đội bóng luôn nhiệt huyết, hăng say, thúc giục anh em thi đấu thật tốt và không để lại những gì đáng tiếc xảy ra sau mỗi trận đấu như chấn thương chẳng hạn; tôi thấy, có một vị trọng tài nghiêm nghị, nhiệt tình, vì để hy sinh cho những anh em khác được chơi, nên đã cầm còi từ trận khai mạc cho đến tới trận chung kết mà không một tiếng càm ràm, kêu ca; tôi còn thấy, vị trọng tài ấy thổi thẻ vàng cho nhưng anh em nào phạm lỗi với một nụ cười thân thiện trên môi, với án phạt cảnh cáo dành cho cầu thủ phạm lỗi: “lần một chuỗi mân côi anh nhé”; tôi đã thấy những anh em làm trong ban truyền thông đã cố gắng ghi hinh để cộng đoàn có những thước phim, hình ảnh đẹp trong tất cả mọi sinh hoạt của giải đấu; tôi đã thấy, đã nghe những anh em làm công tác bình luận viên quá xuất sắc, tuy chưa từng được đào tạo qua trường lớp nhưng chuyên nghiệp và có duyên vô cùng; và tôi thấy, có những anh em thầm lặng làm công tác chăm sóc anh em cũng như lo hậu cần một cách chu đáo. Anh em đã đến trước, chuẩn bị nước, và cả những thức ăn nhẹ cho anh em. Và sau mỗi trận đấu họ cũng lặng lẽ cúi xuống nhặt từng vỏ chai, gom lại từng tí rác, để trả lại khuôn viên sạch đẹp cho đan viện. Và còn rất nhiều điều mà tôi đã thấy, đã nghe, đã tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp của các đan sĩ mà lúc này đây, tôi không thể kể hết.
Và rồi, những gì tôi đã được trải nghiệm trong bầu không khí của một giải đấu bóng đá, trong chính những hành động dù rất nhỏ của từng người anh em của tôi, đã làm tôi thức tỉnh. Tôi nghiệm ra rằng, có một sức sống mới nơi đời sống cộng đoàn của tôi. Sức sống ấy, bấy lâu nay, đã bị tôi chôn vùi trong sự vô tâm, hờ hững khi được sống cùng anh em. Hóa ra, bấy lâu nay tôi cũng như bà Maria Mácdala, cất bước vào đan viện tìm kiếm Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chỉ tưởng Người là những người làm vườn, quét rác, nấu ăn, chăn nuôi gia súc, gia cầm, và thậm chí là đã mất... Nhưng giờ đây, tôi đã tìm thấy được hình ảnh của Đấng Phục Sinh thật sự trong chính những người anh em của tôi. Tôi thầm cảm tạ Chúa vì đã cho tôi những trải nghiệm quý giá, những bài học tuy đơn giản nhưng giàu sức sống mãnh liệt. Để hôm nay, tôi cất bước lên đường cho sứ vụ học tập, quay trở lại học viện bên những trang sách vở, tôi lại thấy nhớ, thấy yêu cộng đoàn của tôi biết bao.
Và hơn hết, tôi nghiệm ra rằng, nếu bóng đá có một sức gắn kết một cộng đồng, và có thể là cả một dân tộc, thì ở phạm vi nhỏ bé hơn, cụ thể là trong cộng đoàn gia đình đan viện của tôi, sự gắn kết ấy, trong tình yêu của Đức Kitô Phục sinh, sẽ ngày càng bền chặt và sẽ luôn vững bền.