Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Thứ sáu - 10/11/2023
1272 Đã xem
M. Augustino, O.Cist.
Giáo lý về tội nguyên tổ được khai triển phần lớn dựa vào thư Rôma 5,12–21 và là một trong những cơ sở quan trọng nhất trong Kinh Thánh khi khai triển về nguyên tội. Khi nói về tội nguyên tổ thánh Phaolô đã nhắc tới các bài tường thuật trong Cựu Ước, trong sách Sáng Thế[1]. Nhưng người ta thắc mắc không biết đó có đúng là ý hướng nguyên thuỷ của thánh Phaolô hay không, hay ý hướng đầu tiên của Ngài nhắm tới lại là đối tượng khác? Trong chiều hướng đó, người viết xin được triển khai tư tưởng của thánh Phaolô dựa trên Rm 5,12: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” để chúng ta phần nào hiểu được khẳng định của thánh Phaolô về tính phổ quát của tội, và nhân loại cần đến Đấng Cứu Độ duy nhất, qua các vấn đề then chốt: “một người duy nhất”; “tội lỗi”; “sự chết”; và “mọi người đã phạm tội”.
1. Tội lỗi
Thực tại của tội lỗi, và cách riêng là tội tổ tông, chỉ được làm sáng tỏ dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa[2]. Tội là trung tâm trước hết vì Kinh Thánh chỉ rất rõ ràng và quan trọng về tội. Từ ngữ Hy Lạp “ἁμαρτία” (hamartia), chỉ nguyên trong Tân Ước cũng có trên 171 lần dùng từ ngữ này[3], và trong thư gửi tín hữu Rôma chương 5-7 được dùng 34 lần. Nó có nghĩa là triều đại của tội lỗi và sự xa cách Thiên Chúa. Thánh Phaolô dùng rất nhiều từ để chỉ hành động tội lỗi: “παραπτομα” là lỗi hoặc sai lầm; "παραβασις" cũng có nghĩa là vi phạm hoặc lỗi phạm, nhưng để chỉ việc vi phạm các quy tắc, luật lệ hoặc nguyên tắc, sự vi phạm lễ luật; “παρακοής” là sự bất tuân, sự không vâng lời. Ý nghĩa của những từ ngữ này đôi khi đan xen, chồng chéo lẫn nhau. Thánh Phaolô tìm hiểu những hành động tội lỗi này cho đến tận gốc của chúng, đó là “ἁμαρτία”, sự thống trị của tội lỗi trên thế giới[4]. Trong con người tội lỗi, những hành động này là những biểu hiện tình cảm, sự thể hiện quyền lực ra bên ngoài, dẫn đến thù địch với Thiên Chúa, phá vỡ mối liên hệ thâm sâu với Người, chối bỏ và chống lại Người[5]. Thánh Phaolô hầu như dành riêng thuật ngữ “ἁμαρτία” cho quyền lực này để đưa ra một học thuyết thực tế về tội. Trong thư 2 gởi tín hữu Côrintô, ngài nhân cách hóa tội lỗi khi nói rằng tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Kitô, là hình ảnh Thiên Chúa[6]. Tội lỗi là điều gì đó ở bên trong con người, do con người đưa vào, nó đã ảnh hưởng trên toàn vũ trụ (x.Rm 8,20)[7]. Tội lỗi làm chủ tất cả mọi người, không trừ một ai, là sự xa cách muôn đời với Thiên Chúa, và “con người bị bán làm tôi cho tội lỗi” (x.Rm 7,14). Con người là nô lệ của tội lỗi, và cùng đích của tội là sự chết (x.Rm 6,21).
2. Sự chết
Sự chết đi vào trong thế giới qua tội là gì? Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng tội lỗi chiếm hữu con người thế nào, thì sự chết cũng chiếm hữu như vậy. Sự chết và tội lỗi có liên quan chặt chẽ với nhau. Có hai hình thức chết: thứ nhất là cái chết về thể xác, không ai có thể thoát khỏi nó vì nó là hậu quả của tội lỗi; thứ hai là cái chết tinh thần, đó là sự dữ tệ hơn vì dẫn đến cái chết linh hồn, làm mất đi đời sống vĩnh cửu[8]. Sách Khôn Ngoan quả quyết:“Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết”( Kn 2,24). Điều quan trọng là Thiên Chúa không làm ra cái chết, nhưng satan hoặc ma quỷ và các thiên thần sã ngã đã lạm dụng tự do khước từ phục vụ Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài, không những thế chúng còn ra sức lôi kéo con người vào cuộc nổi loạn chống lại Thiên Chúa[9]. Tội lỗi đã là cho con người sống xa cách Thiên Chúa, mất ân nghĩa với Người dẫn đến cái chết thiêng liêng, hậu quả của cái chết này là cái chết thể lý. Điều này được thánh Phaolô giải thích rõ ràng trong thư gửi tín hữu Rôma chương 6, khi cố ý nhấn mạnh đến Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự chết mà hậu quả của tội đã gây nên. Thánh Phaolô giải thích: “Chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Ki-tô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa” (Rm 6,6). Cái đích của tội là sự chết (x.Rm 6,21); và “lương bóng mà tội lỗi trả cho người ta là cái chết" (Rm 6,23). Sự đối lập trong Rm 5,14 giúp chúng ta khẳng định thêm ý nghĩa của tội và sự chết,Adam khai sinh chế độ tội lỗi và sự chết, Đức Kitô mở đầu chế độ ân sủng. Trong câu Rm 5,14 sự chết thống trị; trong phần thứ nhất của câu Rm 5,17, sự chết thống trị, và trong phần thứ hai sự cứu chuộc sẽ thống trị qua Đức Giêsu Kitô.
3. Mọi người đã phạm tội
Tội đã đưa con người đến cái chết, dẫn đến sự xa cách Thiên Chúa, điều đó theo thánh Phaolô đã xảy đến cho tất cả mọi người? Cụm từ khó hiểu “ἐφ' ᾧ πάντες ἥμαρτον” (‘eph’ hoi pantes hêmarton), được dịch qua tiếng Latin bản Vulgate là “in quo omnes peccaverunt”, và được thánh Augustino và suốt thời trung cổ hiểu theo nghĩa tương đối: “trong con người đó, mọi người đã phạm tội”[10]. Nhưng nếu hiểu như thế thì mọi người “phạm tội do tội nguyên tổ nơi Adam”? Adam là nguyên nhân cho mọi tội lỗi? Thật hoàn toàn sai khi dịch tiếng Hy Lạp “ἐφ' ᾧ” ra tiếng La tinh “in quo” mà theo thánh Augustino hiểu là: “in Adam”, tiếng Hy Lạp không có nghĩa này. “in quo” ở đây có nghĩa là “eo quod” (du fait que, bởi vì)[11]. Đại từ Hy Lạp “ἐφ' ᾧ” là một lối nói mang nghĩa căn nguyên: “Bởi vì mọi người đã phạm tội”. Câu này muốn nói đến tội riêng của mỗi người, và qua những tội đó, sức mạnh của tội đã chạm tới hết mọi người[12]. Bên cạnh đó, động từ “ἥμαρτον” (hermarton) có nghĩa là “đã phạm tội” liên quan với tội lỗi cá nhân, không có nghĩa “phạm tội do tội nguyên tổ nơi Adam”. Như thế, thánh Phaolô muốn phác hoạ bức tranh về tính phổ quát của tội, nghĩa là tất cả mọi người đều nằm trong tình trạng của tội[13]. Chính qua tội đầu tiên của con người mà quyền lực của tội xâm nhập vào thế gian và bắt đầu thực hiện công việc của nó về sự chết. Sự chết này đến với từng cá nhân qua chính tội riêng của người ấy là từ chối Thiên Chúa. Theo cách nào đó, mỗi tội cá nhân là một sự “thông qua tội” mà người đầu tiên đã phạm. Để thông qua theo cách nào đó, tội đầu tiên không có nghĩa “phạm tội nơi Adam”, cũng không có nghĩa giảm nhẹ sự tự do của hành động nơi mỗi cá nhân. Cũng như người đầu tiên, sự phạm tội đặt chính họ vào phạm trù những người tội lỗi bởi sự bất chấp của mình, thì sau này ai phạm tội cũng như thế cả. Đó là một tình trạng tội căn bản ảnh hưởng lên toàn thể nhân loại.
4. Vì một người duy nhất
Từ “ἑνὸς” (henos) được dùng mười hai lần trong Rm 5,1- 21, và đều được dùng ở dạng tính từ sở hữu bổ nghĩa cho "ἀνθρώπου", để làm nổi bật “một người duy nhất” được áp dụng cho Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đặt Đức Giêsu làm trung tâm, khi đối chiếu giữa Người với Adam để nhấn mạnh đến ưu thế của ơn cứu độ trên hoạ gây nên bởi Adam[14]. Thánh Phaolô chú trọng đến sự cứu chuộc, sự công chính hóa, đến từ hành động cứu chuộc của Thiên Chúa trong Đức Kitô duy nhất. Sứ vụ của Đức Kitô là duy nhất. Thánh Phaolô giải thích Sáng Thế Ký hoàn toàn theo văn chương, dùng tội của người duy nhất đầu tiên, đó là Adam, như một sự tương phản để làm nổi bật công việc cứu độ duy nhất nơi Đức Kitô. Vì thế, thánh Phaolô xây dựng giáo lý về “người duy nhất” trên sự song đối giữa tội và ân sủng, giữa Adam và Đức Kitô: Đối nghịch với Adam mới (Đức Giêsu) nguồn mạch của sự sống và sự công chính là Adam cũ, người đã đẩy nhân loại vào tội lỗi và sự chết. Như thế đối tượng mà thánh Phaolô chú tâm đến trước tiên không phải là Adam, nhưng là Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân muốn cho thấy Đức Kitô phục sinh đã đích thân mang ơn cứu độ tới toàn thể nhân loại[15]. Chúng ta đọc thấy được sự tương phản đó trong Rm 5,15-21: tội lỗi và sự chết (c.15); tội ác và án phạt (c.16); tội và sự chết thống trị (c.17); một người duy nhất phạm tội, mọi người bị kết án (c.18); một người duy nhất không vâng lời, mọi người trở thành tội nhân (c.19); Luật lệ dẫn dắt đến tội (c.20); tội lỗi thống trị qua cái chết (c.21). Đối lại là ân sủng, hành động cứu chuộc của Thiên Chúa, những ai chia sẻ sự cứu chuộc sẽ thống trị sự sống. Hành động cứu chuộc của một người duy nhất, mọi người nên công chính. Sự vâng lời của một người duy nhất, mọi người được chia sẻ trong hành động cứu chuộc của Thiên Chúa. Ân sủng chứa chan, dồi dào. Ân sủng thống trị qua hành động cứu chuộc của Thiên Chúa để được sống đời đời. Như thế, thánh Phaolô nhấn mạnh đến “tính chất duy nhất” của hành động của Đức Kitô trong việc chế ngự tội lỗi. Tóm lại, thánh Phaolô sử dụng hình ảnh Adam mang tính đại diện nhưng không mang tính lịch sử. Quan điểm của thánh Phaolô không như một số người giải thích xác tín Adam là tổ tiên lịch sử, “trong ông” tất cả chúng ta đều phạm tội trước khi được sinh ra, và lãnh lấy hậu quả của nó. Thay vào đó, thánh Phaolô sử dụng Adam như là đại diện mang tính biểu tượng sự liên đới với toàn thể loài người trong tội lỗi. Trong tiếng Do Thái, Adam là một danh từ chung, vừa nghĩa cá nhân vừa nghĩa tập thể, và vì thế có thể được hiểu là “một cá thể người” hoặc “loài người”. Do đó, chúng ta là con người mang tính Adam, vừa cá nhân vừa tập thể, và là tội nhân. Không ai phạm tội hoàn toàn một mình và không ai phạm tội mà không làm tăng gánh nặng cho tập thể loài người và tăng thêm sự khốn khổ cho thế giới. “Trong Adam,” người ta có thể đọc được câu chuyện tương quan bị chia cắt giữa con người và Thiên Chúa: họ trở nên xa lạ với nhau và lôi kéo mọi loài thọ tạo còn lại vào con đường hủy diệt và sự chết[16]. Vì thế, tất cả mọi người đều nằm trong tình trạng cám dỗ của ma quỷ[17], cần được cứu, cần tới ơn cứu độ của “người duy nhất” là Đức Kitô mang lại.
5. Kết Luận
Với những điểm trình bày trên, chúng ta nhận thấy thánh Phaolô không có ý đưa ra một lý thuyết có hệ thống về tội nguyên tổ. Giáo lý về sự lưu truyền của tội nguyên tổ được xác định cách đặc biệt vào thế kỷ thứ V dưới sự ảnh hưởng của thánh Augustino. Sau này Hội Thánh cũng đã từng bước đặc biệt tuyên bố ý nghĩa của mặc khải liên quan đến tội nguyên tổ trong công đồng Orange II, khai mạc ngày 03/07/529[18]; công đồng Tridentino: Sắc Lệnh Về Tội Nguyên Tổ, khoá 5, ngày 17/06/1546[19]; và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo do Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 11/10/1992[20]. Còn ý hướng ban đầu của Thánh Phaolô là ngài nhận thấy, giữa lòng nhân loại, có sự kiện sa ngã tập thể, có tình trạng của tội, với hệ quả kèm theo là cái chết. Thánh Phaolô dạy rằng có một sự lưu truyền của tội Adam cho tới hết mọi người nhưng không xác định được cách thức lưu truyền như thế nào. Ngài chỉ cần lấy lại ý tưởng trong sách Sáng Thế, bằng cách khai triển một cách rõ rệt ý tưởng cho rằng gia tài của con người đầu tiên không chỉ có sự chết mà còn có cả tội nữa. Điều quan trọng, theo Thánh Phaolô, không phải là đưa ra lý thuyết về nguồn gốc của tội, nhưng là khẳng định quyền năng của Đấng Cứu Thế đối với tội. Thánh Phaolô càng không cảm thấy phải tìm hiểu xem cám dỗ của ma quỷ lại tác động vào tâm trí hoặc trái tim của con người, khiến con người gây nên sự dữ như thế nào. Một cách nào đó, ngài đã minh nhiên công bố “Mầu Nhiệm Nguyên Tội” mà cho đến nay vẫn chưa có ai giải thích được sự kiện tội lỗi bước vào lịch sử loài người khi nào và ra sao.
[1]LM.PHÊRÔ HÀ HƯƠNG GIANG, Cv.XL, Tội Nguyên Tổ, Tài Liệu Học Tập 2019, tr 83.
[3]x.LM.PHÊRÔ HÀ HƯƠNG GIANG, Cv.XL, Tội Nguyên Tổ, Tài Liệu Học Tập 2019, tr 43.
[4]x.J.SCULLION S.J, J.P KENNY S.J, COWBURN S.J, HARRY WARDLAW, Tội Nguyên Tổ, Nxb Dove Communications, Học Viện Thần Học Xitô Thánh Gia (lưu hành nội bộ), tr 53.
[18]x.DENZINGER, Các Tín Biểu, Định Tín Và Tuyên Bố Của Giáo Hội Công Giáo Trong Lĩnh Vực Đức Tin Và Phong Tục, Lm. Nguyễn Văn Hoà, OP (chuyển ngữ), Nxb Tôn Giáo, 2019, tr 171-179, số 370-397.
[19]x.DENZINGER, Các Tín Biểu, Định Tín Và Tuyên Bố Của Giáo Hội Công Giáo Trong Lĩnh Vực Đức Tin Và Phong Tục, Lm. Nguyễn Văn Hoà, OP (chuyển ngữ), Nxb Tôn Giáo, 2019, tr 525-528, số 1510-1516.
[20]x.GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, Bản Dịch Chính Thức Của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2020, số 385-421.