Trang chủ NGHIÊN CỨU
“Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17)
“Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17)
Chủ nhật - 22/10/2023
157 Đã xem
M. Anthony, O.Cist.

Đức tin đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của Kitô hữu, vì nhờ đức tin, Kitô hữu tự do gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa, đón nhận những chân lý mặc khải trong Đức Giêsu Kitô.[1] Do đó, việc làm cho đời sống đức tin ngày càng triển nở đòi hỏi Kitô hữu phải biết cách thức giúp đức tin ngày càng tăng tiến. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định rằng: “Đức tin là nhờ nghe” (Rm 10,17). Lời khẳng định này được thánh Phaolô sử dụng để giải thích cho các Kitô hữu rằng việc lắng nghe chính là một cách thức mà đức tin được hình thành và phát triển.

“Đức tin” được dịch từ chữ “aman” (אָמַן) hay “batah” trong tiếng Hebrew, hoặc “pistis” (πίστις) trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “lòng tin tưởng, tín thác vào một ai đó hay một điều gì đó.” Như thế, hành động tin không chỉ gói gọn trong chủ thể như một hành vi nội tại của một cá nhân, nhưng là một hành vi có tương quan mở ra với các hữu thể khác: tôi tin ai, tôi tin điều gì. Khi nói rằng “đức tin là nhờ nghe”, thánh Phaolô cũng đã có ý nói về tương quan mở ấy. Chữ “nghe” trong ngữ cảnh này được thánh Phaolô sử dụng không phải chỉ để nói về một hành động thuần tuý thể lý như việc đôi tai đón nhận những âm thanh truyền đến; nhưng chắc chắn còn hàm chứa một ý nghĩa khác. Ý nghĩa ấy chính là việc đón nhận hay chấp nhận một thông điệp. Một cách rõ ràng hơn, thánh Phaolô nhấn mạnh, thông điệp ấy chính là việc “nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17) – Đấng là sự viên mãn của toàn bộ mạc khải (x. GLCG 73). Nếu như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa phán dạy dân Người qua các ngôn sứ, mà nhờ đó, dân đã tin nhận Người là Thiên Chúa duy nhất của họ và họ là dân riêng của Người (x. Đnl 6,4; Dcr 14,9;…); thì vào thời sau hết, Thiên Chúa đã phán dạy con người qua Thánh Tử (x. Dt 1,1-2). Vì thế, nói rằng lắng nghe lời của Đức Giêsu để có được đức tin chân thật là điều không thể phủ nhận.

Có thể thấy rất nhiều ví dụ cụ thể trong Tân Ước nói về việc lắng nghe ấy. Trong cuộc gặp gỡ tại giếng Giacóp, người phụ nữ Samaria, sau khi trò chuyện với Đức Giêsu và được nghe Người nói về chính Người và về tất cả những việc chị đã làm, chị tin nhận Người là Đức Kitô; sau đó, chị loan tin về Người cho những người trong thành và chính họ cũng đã tin vào Đức Giêsu, không phải chỉ bởi những gì chị nói, nhưng còn do những điều chính tai họ đã nghe từ Đức Giêsu (x. Ga 4,28-42). Ở nơi khác trong Tân Ước, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra với Maria Magdalenna và làm cho bà tin Người đã phục sinh bằng việc gọi tên bà. Tiếng gọi của Đức Giêsu đã mở con mắt đức tin cho Maria khiến bà xác tín rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messiah mà dân Chúa hằng mong đợi (x. Ga 20,16-18). Ngoài ra, trước khi về trời, Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng; ai nghe và tin theo thì sẽ được ơn cứu độ (x. Mc 16,15-16). Vâng theo lệnh truyền của Đức Giêsu, các môn đệ lên đường, ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã rao giảng tại Giêrusalem về Đức Giêsu, và nhờ lời ông rao giảng, khoảng ba ngàn người đã được lãnh nhận hồng ân đức tin (x. Cv 2,41). Philipphê đã rao giảng Tin Mừng cho một viên thái giám và cũng nhờ đó, viên thái giám đón nhận đức tin và chịu phép rửa (x. Cv 8,26-40). Tại Hy Lạp, Phaolô đã rao giảng cho người dân thành Athen về “thần vô danh” mà họ vẫn thờ phượng. Ông xác tín với họ “thần vô danh” ấy chính là Đức Giêsu. Tuy nhiều người nhạo báng ông, nhưng cũng nhờ lời rao giảng ấy mà một số người đã tin vào Chúa (x. Cv 17,22-34). Tiếp nối hành trình của các Tông Đồ, Hội Thánh vẫn không ngừng rao giảng về Danh Đức Kitô cho toàn thế giới mãi cho tới ngày nay. Nhờ đó, Giáo Hội được mở rộng ra khắp cùng cõi đất bởi luôn có những con người sẵn sàng mở lòng đón nhận lời chân lý. Như thế, có thể thấy rằng, để tin vào Đức Giêsu Kitô, trước hết ta cần nghe nói về Người. Bên cạnh đó, tuy đức tin là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa (GLCG 162), nhưng đức tin ấy vẫn cần lời rao giảng để có thể lan truyền, hầu muôn dân, nhờ nghe lời rao giảng, có cơ hội để đón nhận đức tin và đạt được ơn cứu độ. Do đó, việc lắng nghe có thể được xem như một nguồn của đức tin và việc tuyên xưng đức tin, loan báo Tin Mừng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc rao truyền đức tin ấy cho muôn dân qua muôn ngàn thế hệ.

Tuy nhiên, có phải cứ nghe thì sẽ có đức tin? Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: “Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi” (Gl 1,8). Thật vậy, đức tin chân chính chỉ có thể được đón nhận và triển nở, khi đức tin ấy xuất phát từ lời rao giảng về Chúa Giêsu Kitô và Đấng đã sai Người đến cứu độ (x. GLCG 161). Ngoài ra, tuy cùng được nghe lời rao giảng, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng đón nhận đức tin, không phải ai cũng hiểu (x. Mt 13,13-17). Chính vì thế mà nhiều lần trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã phải thốt lên rằng: “Ai có tai thì nghe” (Mt 11,15; Mt 13,19; Mt 13,43,…). Thật vậy, nếu ai cũng “có tai” thì máu các thánh tử đạo đã không phải đổ ra sau những cuộc bách hại đức tin; nếu ai cũng “có tai” thì giờ đây, tất cả mọi người trên thế giới đã là Kitô hữu, vì lời rao giảng đã dội khắp toàn cầu, và thông điệp đã loan đi tới chân trời góc biển (x. Tv 19,5). Như thế, điều kiện tiên quyết là mầm mống đức tin mà Thiên Chúa gieo rắc trong lòng người cần được nghe, nhưng không phải là nghe bất cứ thứ gì, mà là nghe lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô; bên cạnh đó, những con người ấy, sau nghe lời rao giảng, phải đáp lại bằng việc mở lòng đón nhận, tin theo lời ấy thì đức tin mới có thể triển nở và sinh hoa kết trái, bởi lẽ mối tương quan giữa ơn đức tin Thiên Chúa ban, việc lắng nghe lời của Đức Kitô, và việc tin theo để nuôi dưỡng và củng cố đức tin là một mối tương quan khép kín và bổ túc cho nhau.

Vậy những người khiếm thính, vốn dĩ không thể nghe được âm thanh vật lý, họ có thể có đức tin không? Như đã nói ở trên, chữ “nghe”, theo thánh Phaolô trong thư Rôma, không hệ tại ở vấn đề đôi tai thể lý, nhưng hệ tại ở việc chấp nhận và đón nhận lời của Đức Giêsu. Vì thế, họ có thể “nghe” bằng cách đọc Kinh Thánh để biết lời của Chúa. Ngoài ra, họ cũng có thể “nghe” bằng cách nhìn và làm theo những mẫu gương sống lời Chúa của các thánh trong Giáo Hội, nhất là tình bác ái, vì “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Tuy nhiên, việc sống thánh trong xã hội, nhất là thế giới hiện đại ngày nay, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Do đó, mỗi thành phần của Giáo Hội cần thể hiện đời sống theo Tin Mừng của mình một cách trung thành, can đảm và kiên trì để tránh việc thiếu nhất quán giữa lời rao giảng và việc thực hành.[2]

Tóm lại, đức tin là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa nhưng con người cần phải biết lắng nghe và đón nhận lời rao giảng của Đức Giêsu Kitô để đức tin được lớn lên và sinh nhiều hoa trái. Đồng thời, mỗi Kitô hữu phải ý thức trách nhiệm rao giảng Tin Mừng để hạt giống đức tin được lan truyền cho mọi người. Khi đó, Kitô hữu thực hiện đúng chức năng ngôn sứ đã lãnh nhận khi chịu phép thánh tẩy và sống đúng với bản chất truyền giáo của Giáo Hội (x. Ad Gentes 2). Tuy nhiên, khi nghe giảng, cần xác định lời rao giảng đó là lời về Đức Giêsu và nhất thiết phải có thái độ mở lòng đón nhận chân lý ấy. Bên cạnh đó, dù có những rào cản về thể lý, nhưng người lãnh nhận vẫn có thể lắng nghe bằng cách đọc lời Chúa hay noi theo gương sáng trong Giáo Hội, nhờ đó họ được hưởng ơn cứu độ như lời minh định của Đức Giêsu: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 5,24).
 

[1] X. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin – Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, (Tôn Giáo, 2016), 295.
[2] X. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh – Tập 3, (Roma: 2023), 206-207.

Những tin mới hơn:

Logos trong Tin Mừng theo thánh Gioan (Luận văn)
Tội Nguyên Tổ Theo Thánh Phaolô Trong Thư Rôma 5,12-21
Lectio Divina - Hành trình từ Emmaus trở về Jerusalem (Lc 24,13-35)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây