Hôm nay là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, Lời Chúa trong Mt 28, 19 mời gọi mỗi người chúng ta hãy lên đường, để loan báo Tin Mừng. Hơn nữa, Lời Chúa còn mách bảo chúng ta hãy noi gương tinh thần truyền giáo của các bậc tiền nhân.
Như trong sách Đệ Nhị Luật chương 32, 7 có đoạn: “Hãy nhớ lại những ngày xưa tháng cũ, và gẫm xem từng thế hệ qua rồi. Cứ hỏi Cha người là người sẽ dạy, thỉnh bậc lão thành, họ sẽ nói cho nghe”. Thực vậy, Lịch sử Giáo hội đã trải qua trên hai trăm ngàn năm, nhưng không bao giờ thiếu vắng những con người nhiệt thành cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội. Điển hình như gương của các vị tử đạo Việt nam, các ngài đã hy sinh anh dũng vì đức tin. Gần nhất là Đức Giáo Hoàng Phanxico, mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng ngài vẫn hăng say trong các chuyến tông du cho việc loan báo sứ điệp hòa bình.
Cụ thể hơn nữa là nơi Đan Viện Thánh Mẫu An Phước, nếu không có một số quý cha quý thầy Phước Lý tiên phong đến truyền giáo, lập dòng nơi mảnh đất này, thì chắc chắn sẽ không có Cộng Đoàn An Phước như hôm nay.
“Uống nước nhớ nguồn,
ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Hôm nay tròn 3 năm, ngày Cha Phanxico Salesio nguyên Bề Trên tiên khởi của Đan Viện Thánh Mẫu An Phước lìa thế. Con xin được chia sẻ vài nét đặc biệt về Cha. Sự ra đi của Cha làm con nhớ lại nhạc phẩm “Cát bụi” của Trịnh Công Sơn:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”.
Thực vậy, đã mang vào thân phận “hữu tử”, thì ai cũng phải chết, cũng phải một lần ra đi, nhưng sự ra đi của Cha cố Bề Trên Phanxicô Salesio không phải trong “Tiếng động gõ nhịp khôn nguôi”, mà Cha ra đi trong âm thầm lặng lẽ của mùa Covid năm 2021… sau những tháng ngày với sự “mệt nhoài” của căn bệnh nan y, tuy tuổi tác chưa phải là quá cao.
Có người còn cho rằng: Cha xui xẻo quá! Đi vào dịp này thì ai mà đưa tiễn được, vì cả nước đang ở trong tình trạng cách ly theo luật quy định. Thế nhưng, đối với cái chết, thì không ai tự chọn cho mình ngày giờ và nơi chốn, cũng như chết cách nào.
Schopenhauer, một triết gia hiện sinh đã nhận định về cái chết như sau: "Bạn của cái chết là sự cô đơn. Cho dù anh và tôi có nhiều người thân đến mấy đi chăng nữa, thì cuối cùng cũng chỉ ra đi một mình. Sự tiếc nuối của người còn sống ư? Sự tiếc nuối ấy cũng chỉ dừng lại ở nuối tiếc, vì không ai có thể xuống mồ nằm chung với chúng ta được đâu".
Vâng! Đó là cái nhìn theo lối tự nhiên của một con người. Nhưng trong cái nhìn đức tin, thì "bạn" của cái chết không phải là sự cô đơn, nhưng chúng ta luôn có Chúa đồng hành. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã từng nói điều đó với các môn đệ của mình rằng: "…Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để thầy ở đâu anh em cũng ở đó" (Ga 14, 3).
Con còn nhớ vào chiều ngày 20.08.2004, khi từ nhà mẹ Phước Lý qua An Phước, sau vài tháng, con được Cha trao cho công tác phụ trách nhà gà. Một buổi sáng nọ con nhặt mấy con gà chết đem chôn dưới gốc cây. Lúc này Cha ra nhà gà, vô tình thấy vậy Cha buột miệng nói: Nếu Cha chết thì tấp Cha ở đâu đó cũng được. Cụm từ "tấp Cha ở đâu đó cũng được" là nói về nơi chốn, diễn tả giới hạn của sự chết. Nhưng trong Chúa thì không có nơi chốn. Cho dù chúng ta có chết ở bất cứ nơi đâu, và chết cách nào thì chúng ta cũng chết trong Chúa và có Chúa đồng hành.
Điều này được Thánh Phaolo khẳng định trong thư của mình khi gửi cho các tín hữu thành Roma rằng: "Chúng ta có sống là sống cho Chúa, và có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết chúng ta vẫn thuộc về Chúa, vì Đức Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết" (Rm 14, 8 -9). Phải chăng vì ý thức được chân lý đó, mà khi còn sống, Cha Phanxico Salesio không hề màng tới chuyện tương lai là mình phải chết ở đâu, và chôn cất như thế nào.
Trong suốt 65 làm con Chúa… 46 năm khấn dòng, và 26 năm trong thiên chức đan sĩ linh mục, Cha như cánh chim không mỏi trong công tác phục vụ Chúa, Cộng đoàn và Giáo hội.
Sau đây con xin được đơn cử một vài cột mốc về cuộc đời của Cha:
Cha lãnh tác vụ linh mục vào ngày 25.07.1995 tại Đan Viện Phước Lý. Ngày 17.06.2001, vì vâng lời Đức cố Viện Phụ Maria Ignatio Trần Ngân, Cha đến giúp tu sở An Phước với vai trò là người phụ trách. An Phước “trước đó” được xem là “rừng thiêng nước độc”, ai đến cũng muốn tháo lui. Thế nhưng, một nhóm anh em Đan sĩ Phước Lý lại hăng say, vui vẻ bất chấp mọi khó khăn của thuở ban đầu để thừa thắng xông lên, quyết tâm cùng với Cha cố Bề Trên Salesio để gieo trồng hạt giống chiêm niệm nơi mảnh đất hoang sơ này.
Trong suốt thời gian phụ trách tu sở, Cha đã làm đủ mọi cách để An Phước được nâng lên hàng Đan viện. Đúng vậy, vào ngày 30.08.2006, Tu sở An Phước được Tổng Hội chấp nhận cho tự trị. Đây quả là một ngày vui của Cộng Đoàn An Phước, “Ngày hạnh phúc Chúa ơi! Cuộc giao duyên đất trời, đưa con vào tình sử, để hiến dâng trọn đời”, anh em trong lòng ai cũng xôn xao, xem thánh ý Chúa muốn tuyển chọn ai làm Bề Trên tiên khởi của Đan viện.
Vào ngày 15.09.2006 Cha được bầu làm Viện Trưởng tiên khởi của Đan viện An Phước. Với trọng trách của một Bề Trên tiên khởi, Cha và một số anh em thuộc giai đoạn đầu của An Phước hết sức vất vả, đã không quản ngại gió sương, ngày đêm miệt mài hy sinh để xây dựng Đan viện.
Riêng với gia đình An Phước tại thế, được Cha đón nhận vào ngày 01.08.2009. Như anh chị em biết: Từ khi nhận làm tuyên úy cho anh chị em, Cha chưa bao giờ có ý định buông bỏ anh chị em, Cha cũng ước ao các vị kế nhiệm Cha cũng thực hiện như vậy, vì Cha xem anh chị em như là những người con của Cộng Đoàn Đan Viện. Dù đi đâu hay làm gì, anh chị em trong gia đình An Phước tại thế cũng được Cha ưu ái, dành riêng cho một chỗ đặc biệt ngay trong trái tim của Đan viện.
Ngày 01.10.2012, khi Cha Martino Nguyễn Tiến Dũng được bầu làm Bề Trên, Cha Phanxico Salesio lúc bấy giờ được đặc trách làm Viện phó, tập sư và nghi trưởng. Có thể nói, dù ở địa vị nào, Cha cũng một mực trung thành tuyệt đối với truyền thống đan tu và hăng say nhiệt tình phục vụ nhà Chúa. Trong thời gian này, Cha còn đi Canada để tìm hướng phát triển cho Cộng Đoàn. Thế nhưng, trong thời gian ở Canada, do thời tiết băng giá, cộng thêm bệnh nền đã có sẵn trong mình, vào sáng ngày 04.08.2014 được tin báo là Cha bị tai biến, lúc này, con đang ở Áo. Tuy thế, nhưng sức khỏe của Cha lúc bấy giờ chưa phải là trầm trọng.
Ngày 20.08.2018, Cha Gabriel Nguyễn Văn Trinh được bầu làm viện trưởng đời thứ ba của Đan viện. Cha Phanxico Salesio lại được chuyển đổi công tác lên giúp anh em sinh viên triết ở trụ sở An Phước tại quận 12 thuộc Tp. Hồ Chí Minh. Dù sức khỏe không tốt, nhưng Cha luôn nhiệt tình lo cho anh em sinh viên. Chính Cha đã xin các ân nhân lắp đặt dàn năng lượng mặt trời cho trụ sở, ghế nhà nguyện, giường tủ cũng như mua bộ bàn ghế ở phòng khách của trụ sở.
Khoảng đầu năm 2020, bệnh tình của Cha trở nên nặng. Nhiều lần Cha nhắn tin cho con là đường huyết của Cha tăng liên tục, lúc này con đang ở Bắc Bình. Vào chiều ngày 21.06.2019 Cha bị tai biến lần hai tại Sài Gòn. Từ đó Cha xin trở về Đan viện An Phước để nghỉ dưỡng. Ngày 03.10.2021, Cha đi bệnh viện ở Đồng Nai, rồi sau đó chuyển lên Sài Gòn để chữa trị đôi chân. Không ngờ tại Sài Gòn, Cha bị mắc Covid-19, cộng thêm sự đau đớn của chân trái bị cưa bỏ. Vào ngày 21.10.2021 Cha đã vĩnh viễn ra đi tại bệnh viện dã chiến Thủ Đức.
Theo thánh Phanxico Assisi: “Khi đối diện với cái chết, tất cả những cái thuộc về vật chất mà chúng ta sở hữu đều trở nên hư ảo, chỉ có Chúa mới là gia nghiệp tồn tại muôn đời”. Sự ra đi của Cha Phanxico Salesio, mặc dù không có một người anh em, hay một người thân bên cạnh…nhưng Cha lại có Chúa đồng hành.
Hôm nay là ngày giỗ mãn tang của Cha, đây không phải là thời điểm để nhắc lại những mất mát, hay những đau thương trong quá khứ… nhưng cùng với Cha, chúng ta dâng lên Chúa lời tạ ơn. Tạ ơn vì Chúa cho Cha sinh ra để làm con Chúa, tạ ơn vì Chúa cũng đã cho Cha sống trọn vẹn cuộc đời thánh hiến.
Mừng khánh nhật truyền giáo hôm nay là cơ hội tốt để Cộng Đoàn An Phước nhớ về Cha, người tông đồ nhiệt thành cho cánh đồng truyền giáo của Giáo hội, và của Cộng Đoàn, vị đan sĩ trung kiên theo Chúa đến hơi thở cuối cùng trong ơn gọi thánh hiến đan tu.
Tuy nhiên, vì mang thân phận con người đầy mỏng giòn và yếu đuối, trước mặt Chúa không ai là kẻ thập toàn. Chính vì thế, chúng ta cầu nguyện cho đặc biệt cho Cha trong dịp này. Xin Chúa ban cho Cha mau được về hưởng tôn nhan Chúa. Đồng thời cũng xin Cha cầu bầu cho mỗi người chúng ta, và cho Cộng Đoàn chúng ta luôn phát triển và lớn mạnh trong ân sủng của Thiên Chúa.