Trang chủ GIỚI THIỆU
Linh đạo Xitô
Linh đạo Xitô
Thứ sáu - 27/10/2023
76 Đã xem

M. Thiên Bình, O.Cist.


Sống trong đan viện Xitô, đan sĩ sống trong một “Trường Phụng Sự Chúa”. Trong trường này, đan sĩ được huấn luyện sống một cuộc sống trọn vẹn cho Chúa, vì Chúa và trong Chúa. Đan sĩ sống ngay từ đầu đời tu điều mình được huấn luyện.

Nghĩ đến linh đạo đời đan tu của mình, một đan sĩ Xitô chắc hẳn sẽ nghe vang vang trong tâm tưởng một số những từ rất quen thuộc, được nhắc đi nhắc lại thường xuyên từ ngày bước chân vào đan viện: Tìm Chúa, Cải tiến, cộng đoàn, nghèo khó, khiết tịnh, tuân phục, vĩnh cư, cô tịch, hiện diện, an bình, khiêm tốn, lao động, lectio divina (Đọc sách Thánh), đơn sơ, hiệp nhất, Thần Vụ (Opus Dei), noi gương Chúa Kitô…

Khi vào đan viện, chỉ với mục đích “tìm Chúa”, người trẻ mới được đón nhận. Và với kinh nghiệm 5, 10 năm ở trong đan viện, đan sĩ nhận rõ rằng chỉ với mục đích “tìm Chúa” người trẻ mới có thể bền đỗ trong đan viện này trọn đời mình cho đến chết (vĩnh cư). Vĩnh cư trong nơi mình tuyên giữ các lời khấn dòng đã là một trong ba lời khấn của đan sĩ Xitô. Khi rời đan viện Molesme Ba Đấng Sáng Lập Xitô (1098) đã thực hiện điều mà 8 thế kỷ sau, Công Đồng Vaticanô II đã khuyên nhủ các tu sĩ hôm nay: Trở về nguồn. Trở về nguồn để sống đúng đắn, sống đẹp, sống trọn vẹn linh đạo mà thánh Tổ Biển Đức đã đề xướng trưóc đó 6 thế kỷ tại Montecassino (Ý).

Tìm Chúa đòi hỏi những rời bỏ – nơi chốn mình vẫn ở, và nhất là con người “cũ”, ý riêng của mình. Tinh thần từ bỏ này sẽ dẫn người trẻ vào một cuộc sống cải tiến liên tục. Cải tiến do đấy cũng là một điều mà đan sĩ long trọng khấn thực hiện. Đan sĩ tuyên giữ 3 lời khấn: Tuân Phục, Vĩnh Cư và Cải Tiến. Hai lời khấn Nghèo Khó và Khiết Tịnh được hiểu ngầm trong lời khấn Cải Tiến.

Trên con đường tìm Chúa, theo Chúa, đan sĩ không đi trong đơn độc lẻ loi, nhưng với cả một cộng đoàn. Cộng đoàn là môi trường sống của đan sĩ Biển Đức cũng như Xitô. Đan viện là một gia đình. Chính Đức Kitô là đầu của cộng đoàn. Đức Kitô hiện diện cách hữu hình giữa các môn đệ hôm nay của mình qua một con người phàm được gọi là Viện Phụ. Đan sĩ tìm sống đơn sơ và hiệp nhất với bề trên (Viện Phụ) cũng như với các anh em trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn đan sĩ cùng với bề trên và các anh em mình thực hiện một chương trình sống hằng ngày rất quân bình giữa: ngủ nghỉ, công việc cá nhân – lao động (tay chân hoặc trí óc) – và Thần vụ .

Đan sĩ là một con người của cầu nguyện. Cuộc sống cầu nguyện của đan sĩ chú trọng vào Phụng vụ của Hội Thánh là hát thánh vịnh và dâng Hy Lễ Tạ Ơn. Phụng vụ là hoàng đạo đưa đan sĩ tiến đến với Chúa. Do đấy thánh Biển Đức đã nói rằng: “Không được quí chuộng gì hơn Thần Vụ”. Và trung tâm của Thần vụ là Thánh Lễ.

Đan sĩ không hoạt động mục vụ ngoài đan viện, nhưng thể hiện ơn gọi tông đồ của mình bằng cuộc sống thánh hiến trong nội vi đan viện.

Tuy ở trong một cộng đoàn, nhưng đan sĩ phải sống trong tinh thần cô tịch nội tâm. Do đấy vấn đề thinh lặng và cầu nguyện được nhấn mạnh. Chính bầu khí này giúp đan sĩ sống trong an bình, khiêm tốn và luôn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, hoặc cảm nhận được mình hiện diện trước tôn nhan Chúa. Ngoài các giờ Thần Vụ chung, Lectio Divina (Đọc Sách Thánh) là phương tiện hữu hiệu nhất giúp đan sĩ sống kết hiệp mật thiết với Chúa. Đan sĩ đi vào đối thoại với Chúa qua việc đọc Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và chính Lời Chúa đưa đan sĩ vào trong chiêm ngắm. Cuộc sống chiêm niệm của đan sĩ được thể hiện bằng và qua chính Lời Chúa. Có như thế đan sĩ mới có thể thực hiện ơn gọi đời mình: sống trong, sống cho, và sống bởi Đức Kitô và thực hiện lý tưởng này qua việc noi gương chính Chúa Kitô.

Nguồn: xitothanhgia.com

 

Những tin mới hơn:

Sống căn tính đan tu Biển Đức - Xitô

Những tin cũ hơn:

Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ phụ Hội dòng Xitô Thánh Gia
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây